Đề án 112: Học phí cắt cổ - Bài 2

Đề án 112: Học phí cắt cổ - Bài 2
TP - Theo kế hoạch của BĐH 112, các tỉnh, TP phải đào tạo kiến thức  CNTT cho tất cả cán bộ công chức. Thực chất, chương trình đào tạo  nói trên gần như không mang lại hiệu quả, trong khi Nhà nước  phải chi ra hàng chục tỷ đồng.
Đề án 112: Học phí cắt cổ - Bài 2 ảnh 1
Một buổi học của các học viên theo chương trình của đề án 112

Moi tiền Nhà nước bằng cách ấn định mức học phí “trên trời”

Ngày 30/3 vừa qua, Văn phòng HĐND và UBND TPHCM đã tổ chức Hội nghị “Sơ kết giai đoạn 1 chương trình đào tạo tin học ứng dụng thuộc đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước”.

Hơn 3.400 cán bộ, công chức thuộc 24 quận, huyện và 43 sở, ngành của TPHCM đã được tham gia các khóa đào tạo tin học ngắn hạn và được BĐH 112 cấp giấy chứng nhận.

Theo số liệu của Văn phòng HĐND và UBND TPHCM, trong giai đoạn 1, đã có 50% số cán bộ công chức hành chính tham gia các khóa đào tạo tin học thuộc đề án 112. Trong giai đoạn 2, TPHCM sẽ tiếp tục đào tạo cho số cán bộ công chức còn lại.

Các học viên được đào tạo kiến thức gì, thời lượng ra sao? Theo tìm hiểu của chúng tôi, học viên chương trình 112 trên phạm vi cả nước được học và thực hành 8 mô-đun môn học trong 20 ngày.

Sau khi hoàn tất khóa học, học viên có thể sử dụng và khai thác thông tin một cách thành thạo các phần mềm dùng chung của Chính phủ cũng như các phần mềm thuộc đề án 112 của địa phương.

Thế nhưng, điều ít người ngờ tới là hầu hết kiến thức các học viên chương trình 112 đã học lại trùng lắp với kiến thức đào tạo chứng chỉ quốc gia trình độ... A.

Cụ thể trong tổng số 8 mô-đun, có đến 6 mô-đun (từ mô-đun 1 đến mô-đun 6), gồm: Công nghệ thông tin và máy tính; sử dụng hệ điều hành MS Windows; sử dụng phần mềm soạn thảo văn bản; sử dụng phần mềm bảng tính điện tử;

Kiến thức cơ bản về mạng máy tính và Internet; sử dụng bộ trình duyệt Web và thư điện tử (chiếm 16/20 ngày, tức 80% thời lượng chương trình) là thuộc chương trình đào tạo chứng chỉ A.

Chưa hết, mô – đun 7 (Website cổng giao dịch hành chính chiếm 2/20 ngày) các học viên trước đó đã được hướng dẫn sử dụng khi TPHCM triển khai phần mềm dùng chung Web điều hành tác nghiệp của chính chương trình 112 cho các đơn vị.

Chỉ có mô-đun 8 “hệ thống thông tin tác nghiệp trên nền Lotus Notes” chiếm 2/20 ngày là mới. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Bưu chính Viễn thông TPHCM, hệ thống thông tin tác nghiệp này không có khả năng tích hợp và không hiệu quả khi sử dụng.

Kiến thức không khác, chỉ có học phí học viên chương trình 112 phải trả là khác biệt một trời một vực so với chương trình đào tạo chứng chỉ A. Theo một số trung tâm tin học tại TPHCM, mức học phí học viên học thi chứng chỉ A phải trả chỉ khoảng 300 –400 nghìn đồng/người.

Trong khi đó Sở Bưu chính Viễn thông TPHCM cho biết kiến thức hầu hết trùng lắp với chương trình đào tạo chứng chỉ A nhưng mức học phí học viên chương trình 112 phải trả từ 2-2,5 triệu đồng/người.

Và, điều đáng nói hơn nữa là hầu hết số tiền học phí được lấy từ Ngân sách Nhà nước bởi học viên của chương trình 112 là cán bộ, công chức được cơ quan đơn vị cử đi học.

Làm một con tính đơn giản : Chỉ với 3.400 học viên giai đoạn 1, ngân sách TPHCM phải chi gần 10 tỷ đồng. Nếu tính trên phạm vi cả nước, với trên dưới 100 nghìn học viên thì tổng số tiền học phí mà Nhà nước phải chi trả có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Lãng phí chất xám, tiền của

Theo một lãnh đạo Sở Bưu chính Viễn thông TPHCM, đào tạo hàng loạt cán bộ tin học cho đề án 112 một cách duy ý chí, không gắn với nhu cầu thực tiễn mới thực sự là một sự lãng phí khổng lồ. Trong bối cảnh cơ sở hạ tầng CNTT chưa sẵn sàng tại các tỉnh, thành, phần mềm dùng chung vận hành yếu ớt (hoặc chưa vận hành được) sẽ dẫn đến hậu quả hàng loạt cán bộ được đào tạo tin học sau khi “xuất xưởng” không ứng dụng được vào thực tiễn, khiến vốn kiến thức được đào tạo bị mai một. Và, trong tương lai Nhà nước tiếp tục tốn tiền để tái đào tạo.

Theo một chuyên gia về CNTT, cán bộ công chức nào đã có chứng chỉ A vi tính thì chỉ cần học và thực hành 2 mô-đun môn học 7 và 8 (thời lượng 4 ngày) là đã có thể sử dụng và vận hành thành thạo các hệ thống thông tin điện tử.

Cán bộ công chức đang công tác tại TPHCM thì chỉ cần học thêm mô-đun 8 vì trước đó đã được học mô-đun 7. Việc áp đặt chương trình học cho tất cả các đối tượng, không phân biệt trình độ tin học vừa không khoa học, vừa gây lãng phí rất lớn cho Ngân sách Nhà nước.

Chỉ tính riêng tại TPHCM, theo kết quả khảo sát của Sở Nội vụ và Cty T&H (một Cty được chỉ định thầu nhiều dự án của Văn phòng UBND TPHCM) ở 42 đơn vị năm 2005, trong tổng số 5.200 cán bộ công chức thì có trên 4.000 người có trình độ từ sơ cấp trở lên (chiếm 77%), trong đó có hơn 1.500 người đạt trình độ chứng chỉ A trở lên (chiếm 37%) và gần 2.500 người đạt trình độ sơ cấp.

Vì có sự trùng lắp với chương trình đào tạo chứng chỉ A nên trong một văn bản gửi thường trực UBND TPHCM, lãnh đạo Sở Bưu chính Viễn thông đã kiến nghị chỉ đào tạo cả 8 mô-đun môn học cho các cán bộ chưa có trình độ hoặc chỉ đạt trình độ sơ cấp, không nên đào tạo toàn bộ chương trình cho cán bộ đã có chứng chỉ A trở lên.

Thay vào đó, cần phải khảo sát thật kỹ về đối tượng để có chương trình đào tạo phù hợp nhằm tránh lãng phí cho ngân sách. Tuy nhiên, ý kiến này đã không được lắng nghe.

Một bất cập nữa không thể không nói. Tại nhiều tỉnh, thành, hàng năm vẫn có chương trình đào tạo chứng chỉ quốc gia trình độ A (thường là do Sở Nội vụ tổ chức).

Riêng TPHCM, trong năm 2005 còn triển khai thêm chương trình “Đào tạo CNTT trong quản lý nhà nước” được UBND TPHCM ghi vốn thực hiện với kinh phí 15 tỷ đồng.

Nếu chương trình đào tạo tin học của đề án 112 không gắn với các chương trình khác thì vừa chồng chéo, vừa gây lãng phí rất lớn cho ngân sách và thời gian làm việc của cán bộ công chức.

Bài 1 : Hàng trăm tỷ đồng thiết bị nằm xếp xó

MỚI - NÓNG