Đề án rau quả: Vừa nhầm hướng vừa thiếu tiền

Đề án rau quả: Vừa nhầm hướng vừa thiếu tiền
TP - Nỗi sợ rau bẩn đang ám ảnh cả xã hội, gây bức xúc trong dân. Chúng ta đang thừa rau không an toàn, thiếu rau sạch. Vậy nhưng, cách giải quyết thì vẫn chưa bao giờ được đặt ra từ gốc.
Đề án rau quả: Vừa nhầm hướng vừa thiếu tiền ảnh 1
Rau sạch trồng tại Viện Rau quả  
Ảnh: L.V.Thành

Xem lại đề án phát triển rau quả, hoa và cây cảnh… mà Bộ NN&PTNT từng ký trình Chính phủ – với tổng vốn đề nghị đầu tư cả nghìn tỷ đồng, thấy không ít lệch lạc, bất cập.

Mọi mục tiêu đều... đổ

Năm 1999, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thiện Luân ký tờ trình gửi Chính phủ xin phê duyệt Đề án phát triển rau, quả và hoa cây cảnh (gọi tắt: Đề án rau quả).

Tổng vốn đề nghị đầu tư cho phát triển cả 3 lĩnh vực này là 16.086 tỷ đồng. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ phê duyệt một mục tiêu định lượng là xuất khẩu đến năm 2010 đạt 1,1 tỷ USD.

Nghiên cứu mới đây của Viện Rau quả cho thấy, thất bại lớn nhất của đề án rau quả là đến năm 2005, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 14% kế hoạch. Rất nhiều loại rau được đầu tư, trồng xuất khẩu như: măng tây, khoai sọ, đậu tương…rất ít giá trị thực tế và không có đóng góp gì cho xuất khẩu.

Bên cạnh đó, sản lượng rau và rau bình quân đầu người tuy vượt hơn 40% so với yêu cầu, nhưng nhiều nơi người tiêu dùng vẫn chưa thật sự yên tâm với chất lượng rau. Rất nhiều vụ ngộ độc có nguyên nhân từ rau quả bẩn vẫn diễn ra.

Lãnh đạo Viện Rau quả cho rằng, chiến lược rau quả mà Bộ NN&PTNT soạn thảo đã bộc lộ không ít nhầm lẫn, dẫn đến nhiều hạng mục đầu tư bị lãng phí, hộ nông dân trực tiếp sản xuất rau chịu thiệt thòi, rủi ro. Sau khi đề án rau quả được Chính phủ phê duyệt, rất nhiều công ty đã bỏ vốn đầu tư vùng nguyên liệu và không ít nơi đã bị mất không cả vốn lẫn lãi.

Tổng Cty Rau quả Việt Nam đầu tư hơn 100 triệu đồng trồng măng tây tại Thái Bình, kết quả là không những không có được măng chế biến xuất khẩu mà diện tích cũng không duy trì được. Tại Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên… cũng có không ít tiền đổ vào cây măng này và thua lỗ.

Lãnh đạo Viện Rau quả cũng nhắc đến nhà máy chế biến cà chua cô đặc tại Hải Phòng đầu tư cả chục tỷ đồng bây giờ đắp chiếu, xuất phát từ những tính toán sai lầm có liên quan Đề án rau quả, hay chuyện nhập giống dứa để nhiều cá nhân trục lợi nhiều tỷ đồng như bài học đắt giá.

Đến nay, gần như không còn ai đề cập mục tiêu 30 nghìn ha măng tây, xây 7 kho lạnh; lắp đặt các dây chuyền đóng hộp hoa quả rất hiện đại hay mua 42 xe lạnh vận chuyển… ghi trong đề án.       

Cần thay đổi và có thể làm khác

Trao đổi với PV Tiền phong, TSKH Bạch Quốc Khang-nguyên Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và Ngành nghề nông thôn (hiện là Chánh văn phòng Bộ) cho biết, đề án phát triển rau quả không có tiền như nhiều chương trình khác, Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất vay vốn cho đầu tư vùng chuyên canh, nhà máy chế biến và một phần vốn đầu tư trực tiếp cho các tỉnh trong giai đoạn trồng thử nghiệm. Đây là một phần lý do khiến Đề án rau quả chưa hiệu quả.

Nhìn từ góc độ khác, Lãnh đạo Viện Rau quả lại cho rằng, sai lầm lớn nhất của đề án rau quả là chọn không đúng các loại rau quả, vùng đất trồng để ưu tiên phát triển.

Trong nghiên cứu của mình, Viện Rau quả đang đề nghị Bộ thay những loại rau không xuất khẩu được bằng 7 loại rau, quả có lợi thế và phù hợp với cả 2 vùng sinh thái ở Bắc và Nam Trung Bộ như: hành tây, tỏi, bắp cải, nấm, cà rốt, đậu Hà Lan, dưa chuột.

Việc chậm trễ thay đổi trong chiến lược khiến thực tế phát triển rau quả bế tắc, người dân muốn phát triển rộng một số loại rau, hoa quả phù hợp tự nhiên và có lợi nhuận nhưng thiếu chính sách khuyến khích của Nhà nước.

Thực tế này khiến tình trạng phát triển rau quả thì tràn lan mà vẫn không đáp ứng được yêu cầu của chính người tiêu dùng trong nước.

Từ năm 2003, Việt Nam bắt đầu cắt giảm các dòng thuế nhập khẩu đối với hàng nông sản, giá trị xuất khẩu rau quả sang Thái Lan, Trung Quốc đã giảm nghiêm trọng, trong khi đó kim ngạch xuất khẩu rau quả từ các nước này sang Việt Nam tăng vọt.

Lĩnh vực trồng trọt có thể tạo ra 1,1 tỷ USD xuất khẩu, hàng nghìn chỗ làm mới cho các kỹ sư, cán bộ vào năm 2010 đang bị bỏ phí. Nhiều năm qua, mỗi năm Ban điều hành thực hiện đề án rau quả (Bộ NN&PTNT) họp một đôi lần, song không đưa ra được chút thay đổi nào.

Hiện, Bộ Thương mại đang soạn thảo đề án xuất khẩu rau quả, có nhiều thay đổi, nhưng dường như tinh thần chủ đạo vẫn là đối phó.

Tính đến nay, có ít nhất 6 chương trình, phong trào của ngành nông nghiệp với vốn đầu tư rất lớn gặp nhiều thất bại: Chương trình lúa lai, Chương trình bò sữa, Chương trình khuyến nông, Chương trình mía đường, Phong trào cánh đồng 50 triệu/ha và Đề án phát triển rau, quả và hoa cây cảnh. Hàng nghìn tỷ đồng bị lãng phí, hàng triệu nông dân không thể giàu lên vì những chương trình đầy chủ quan này.
MỚI - NÓNG