Giá dầu thô tăng cao nhất kể từ năm 1983:

Đe dọa xăng dầu và nhiều mặt hàng tăng giá

Đe dọa xăng dầu và nhiều mặt hàng tăng giá
TP - Ngày đầu tiên của tháng 11 (hôm qua 1/11), giá dầu thô thế giới đã lập kỷ lục mới khi leo lên đến 96,21 USD/thùng. Diễn biến bất ngờ này thực sự gây lo ngại cho các DN kinh doanh xăng dầu trong nước cũng như cơ quan điều hành giá.

Sau khi tăng thêm 4,15 USD/ thùng ở mức 94,74 USD /thùng ngày cuối  tháng 10, hôm qua 1/11, giá dầu lập kỷ lục khi bất ngờ lên trên ngưỡng 96 USD/thùng. Đây là mức giá cao nhất kể từ khi dầu được mang ra giao dịch trên sàn từ năm 1983.

Tại thị trường Singapore - nơi nhập khẩu chính của các doanh nghiệp VN, giá dầu giao tháng 12 trong phiên giao dịch cùng ngày đã tăng thêm 1,27 USD và ở ngưỡng 95,8 USD một thùng. Còn giá xăng A92, sau khi hạ nhiệt còn 92,42 USD/thùng vào phiên giao dịch chiều 31/10 đã bất ngờ vọt trở lại lên trên 94 USD/thùng.

Theo các DN kinh doanh xăng dầu, đây là thời điểm rất khó khăn đối với các nhà nhập khẩu. Nếu các hợp đồng về đúng dịp này thì bình quân mỗi lít xăng, doanh nghiệp lỗ khoảng 2.000 đồng.

“Lỗ nhưng DN không dám xin điều chỉnh giá bán lẻ vì không biết quan điểm của cơ quan quản lý ra sao” - một DN  cho biết.

Theo Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa, hiện Nhà nước chưa có chủ trương tăng giá bán lẻ đối với xăng trong nước ít nhất từ nay đến hết năm. Giá dầu thế giới tăng mạnh nhưng chưa gây đột biến.

Do vậy, Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách bù lỗ cho giá dầu, từ đó các doanh nghiệp cân đối chi phí và hỗ trợ cho giá xăng. Trường hợp thị trường biến động mạnh và doanh nghiệp không còn sức chịu đựng mới tính đến các phương án xử lý” - Ông Thỏa cho hay.

Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo các DN cố gắng “ghìm” giá xăng từ nay đến hết năm 2007 nhưng sự leo thang của giá dầu thô vẫn làm “nóng” mối lo lạm phát.

Ông Đinh Nho Bảng, Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng cho rằng, giá dầu thô quốc tế tăng không chỉ tác động đến giá vàng mà còn tác động lớn đến giá nhiều mặt hàng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như hóa chất, phân bón, nhựa, giấy, bông vải sợi...

Trong khi đó, nhiều trong số những nguyên liệu này trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa đủ nên phải nhập khẩu ở mức giá cao, do vậy giá thành sản xuất nhiều mặt hàng trong nước chắc chắn sẽ bị tác động.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Kinh tế xã hội Hà Nội nhận định: Giá dầu và giá vàng có xu hướng tăng trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát trong nước tăng cao như vừa qua thì những tác động bất lợi của diễn biến này càng lớn, nhất là khi Việt Nam là nước nhập khẩu (nhập siêu).

Và khi giá cả “đắt đỏ” thì người dân có thu nhập thấp và cố định sẽ phải chịu tác động đầu tiên.

Theo ông Phong, mặc dù Chính phủ đã có nhiều cố gắng và đã có một số kết quả về kiềm chế sự gia tăng giá cả trong năm nay, nhưng ở góc độ nào đó, nhất là theo yêu cầu kinh tế thị trường thì một số giải pháp còn mang tính “hớt ngọn”, thiếu chủ động và đồng bộ.

“Nhà nước cần phải tạo sự cạnh tranh đầy đủ và lành mạnh trong việc cung cấp các sản phẩm và nguyên liệu đầu vào thiết yếu của nền kinh tế, rồi mới bãi bỏ sự kiểm soát hành chính về giá. Chúng ta chưa thực sự cho cạnh tranh thị trường đầy đủ trong việc cung cấp nhiều mặt hàng như dầu mỏ, điện, ôtô, thuốc chữa bệnh...” - Ông Phong nói.

Theo ông Đinh Nho Bảng,  việc dự đoán diễn biến giá dầu thô thế giới không đơn giản. Giá dầu biết bao giờ sẽ giảm và chúng ta sẽ còn phải bù lỗ đến bao giờ?

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...