Để đối thoại không thành độc thoại

TP - Đến hẹn lại lên, ngành thuế và hải quan thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức đối thoại với doanh nghiệp (DN) sáng 30/10, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn. Các DN mong chờ sự đổi thay tích cực của chính sách sau đối thoại.
Để đối thoại không thành độc thoại ảnh 1

Hải quan đã có nhiều bước tiến trong thời gian gần đây. Ảnh: Đình Thắng

“Tôi sẽ đề nghị dỡ bỏ”


Trong màn đối thoại, ông Nguyễn Hoài Nam-Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam tuy đánh giá cao hệ thống kê khai hải quan điện tử (gọi tắt là VNACCS/VCIS), nhưng vẫn phàn nàn về sự vận hành của con người. Ông Nam dẫn chứng, có DN gửi hồ sơ quyết toán thuế tới chi cục hải quan địa phương, nhưng trên hệ thống vẫn bị liệt vào danh sách các đơn vị nợ quá hạn 90 ngày.

DN phải mất tới 2 ngày để xóa cảnh báo đó trên hệ thống, mới được phép làm thủ tục thông quan. “Điều này làm tăng chi phí lưu hàng hóa tại bến bãi, DN không đủ nguyên phụ liệu để sản xuất”, đại diện ngành thủy sản nói. Ông Nam kiến nghị xử lý thông báo nợ của DN trên hệ thống cần thực hiện chỉ trong 8 giờ. 

Đại diện Cty THHH MTV Apatit Việt Nam “mách” về quy trình thay đổi buộc đơn vị phải kê khai thuế xuất khẩu quặng 2 lần thay vì 1 lần như trước. Chưa hết, ngoài khoản thuế phải nộp do chênh lệch tăng thêm, DN còn phải nộp tiền phạt chậm nộp thuế với phần tăng thêm. Nghe thấy vậy, Thứ trưởng Tuấn cắt ngang lời vị này: “Quy trình này tốt hơn trước, chỉ có lợi cho DN”. Ông Tuấn giải thích, trước đây có kết quả giám định phân tích mới cho thông quan hàng hóa. Với quy định mới, DN có thể tạm nộp thuế để thông quan hàng hóa ngay trong thời gian 15 ngày chờ kết quả giám định, sau đó sẽ tính lại nộp bổ sung. Trường hợp có chênh lệch tăng thuế, DN phải nộp bổ sung, nhưng sẽ không bị xử phạt hành chính. “Nếu có quy định như vậy, tôi sẽ đề nghị dỡ bỏ”, Thứ trưởng Tuấn cam kết. 

Khiếu nại lên cơ quan chức năng đảm bảo quyền lợi

Chủ đề sau thông quan hải quan cũng được các DN mổ xẻ. Nhiều DN có cảm giác “sau thông quan như cái bẫy, DN thường bị xử phạt, truy thu ấn định thuế”. Bà Phạm Thị Loan-Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Á còn phân tích cụ thể rằng, cơ quan hải quan áp mã định danh cho hàng hóa không thống nhất trước và sau thông quan. Điều này khiến nhiều DN bị truy thu thuế hàng tỷ đồng, đẩy tới nguy cơ phá sản.

“Nếu không giải quyết dứt điểm vấn đề sau thông quan, hải quan sẽ quay lại cách đây 10 năm”, một đại diện DN khác nhận định. Thứ trưởng Tuấn trấn an các DN rằng, cơ quan hải quan không hình sự hóa thủ tục sau thông quan.

Tính từ ngày 1/4 đến 15/9, hệ thống VNACCS/VCIS đã được triển khai tại 34/34 Cục Hải quan địa phương, với số lượng tờ khai đạt 2,56 triệu tờ khai; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 103,3 tỷ USD. Hệ thống đã giúp giảm thời gian thông quan, chi phí...

Vướng mắc liên quan đến độ vênh thủ tục tại các địa phương khác nhau cũng được nhiều DN đề cập. Bà Dương Thị Thanh Hòa, phụ trách thuế Công ty ABB Việt Nam cho biết: Công ty từng giao thiết bị điện cho đối tác nước ngoài tại cảng Hải Phòng, nộp hồ sơ lên cơ quan thuế và được xem là hàng giao tại cửa khẩu nên miễn thuế VAT. Sau đó thanh tra thuế tại địa phương DN đóng trụ sở lại xác định công ty giao hàng trong Việt Nam và bị truy thu thuế VAT.

Bà Hòa nói: “Trong Luật thuế VAT hiện hành không có khái niệm thế nào là giao hàng ngoài Việt Nam”, do vậy công ty này không biết xử lý thế nào. Trả lời ý kiến của bà Hòa, Thứ trưởng Tuấn khuyên: Trước mắt DN cần thực hiện nghĩa vụ, sau đó mới khiếu nại lên cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi.

Dự kiến, buổi đối thoại tương tự sẽ diễn ra tại TPHCM vào sáng 6/11 tới đây.
MỚI - NÓNG