Để gỡ 'thẻ vàng' của EC: Nhiều địa phương 'siết' chặt quản lý tàu cá

Các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát tàu cá liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU)
Các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát tàu cá liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU)
Nhằm nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Uỷ ban châu Âu (EC) và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thuỷ sản, nhiều địa phương đã triển khai quyết liệt các giải pháp về quản lý tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, ghi nhật ký khai thác… và kiên quyết xử phạt những tàu cá vi phạm.

Theo Sở NN&PTNT Hải Phòng, để thực hiện Luật Thuỷ sản, Thành phố đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định trong hoạt động khai thác trên biển.

Hải Phòng cũng chủ động mời các đơn vị chuyên môn của Tổng cục Thủy sản tập huấn, hướng dẫn ngư dân ghi chép nhật ký trong quá trình khai thác đánh bắt. Tổ chức in ấn quyển nhật ký mẫu để phát cho các chủ tàu, và đã được các chủ tàu nghiêm túc thực hiện.

Theo ông Vũ Bá Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Phòng, việc phổ biến, chấp hành các quy định pháp luật về cấm đánh bắt bất hợp pháp là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, từ Thành phố đến tận xã, phường.

Sở NN&PTNT Hải Phòng đã chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng, ký quy chế phối hợp để triển khai, thực hiện kiểm tra, kiểm soát các tàu cá ra vào cảng. Cùng đó, kiên quyết không cho tàu cá ra khơi nếu các tàu không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Các chủ tàu cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Đến nay, qua các đợt thanh, kiểm tra, cho thấy nhiều chủ tàu đã nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật trong quá trình hoạt động nghề cá. Tuy nhiên, một số chủ tàu có những hành vi cố ý phạm lỗi, lực lượng chức năng Thành phố đã kiên quyết ra các quyết định xử phạt hành chính, với số tiền xử phạt đến nay là gần 2 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại Bình Định, địa phương cũng quyết liệt trong công tác quản lý tàu cá nhằm khắc “phục vàng” IUU.

Bình Định có hơn 3.300 tàu đánh bắt xa bờ, đến nay đã cơ bản hoạt động tuân thủ các quy định về chống khai thác IUU như: Thủ tục xuất nhập cảng, thực hiện ghi, nộp nhật ký khai thác cho Ban quản lý các cảng cá…

Tuy nhiên, theo Ban quản lý cảng cá Bình Định, hiện có khoảng 100 tàu giã cào chưa đầy đủ giấy tờ mà vẫn đi khai thác, các chủ tàu giã cào có chiều dài từ 12m trở lên chỉ thực hiện khai báo đăng ký ra vào cảng chứ chưa thực hiện việc ghi nộp nhật ký khai thác. Thậm chí có trường hợp không đăng ký xuất nhập bến tại cảng cá để tra kiểm tra, kiểm soát của Ban quản lý cảng cá và lực lượng chức năng.

Ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết, những tàu giã cào hoạt động không theo quy định đã gây trở ngại không ít cho những nỗ lực khắc phục thẻ vàng IUU của tỉnh.

Trước mắt, cơ quan chuyên môn sẽ phối hợp với địa phương để vận động các chủ tàu phải hoàn thiện đầy đủ thủ tục giấy tờ, nếu còn vướng chỗ nào sẽ tạo điều kiện tháo gỡ.

“Tàu nào không đầy đủ giấy tờ thì chúng tôi sẽ không cho đi đánh bắt. Nếu tàu nào bướng, không đầy đủ giấy tờ mà vẫn đi đánh bắt thì chúng tôi sẽ thắt chặt kiểm tra, kiểm soát và xử phạt theo quy định”, ông Dương nói.

Để gỡ 'thẻ vàng' của EC: Nhiều địa phương 'siết' chặt quản lý tàu cá ảnh 1 Nhiều điạ phương siết chặt quản lý và xử lý những tàu cá vi phạm đánh bắt IUU nhằm nỗ lực gỡ
"thẻ vàng" của EC

Còn tại Tiền Giang, thời gian qua, UBND tỉnh Tiền Giang cũng giao Sở NN&PTNT tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ cũng như phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn, các quy định và văn bản chỉ đạo, điều hành có liên quan đến khai thác IUU bằng những hình thức phù hợp.

Địa phương cũng siết chặt các biện pháp quản lý đội tàu khai thác hải sản trên biển, kiên quyết xử phạt tàu cá vi phạm khai thác thủy sản vùng biển nước ngoài; xử phạt tàu cá vi phạm về tắt thiết bị giám sát hành trình, thiết bị mất kết nối khi hoạt động trên biển.

Ngoài ra, các ngành chức năng còn lập danh sách và theo dõi, giám sát để ngăn ngừa các chủ tàu có tàu cá từng vi phạm vùng biển nước ngoài hoặc đang hành nghề những nghề thường có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài.

Hiện Tiền Giang có 874 tàu đánh bắt lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chiếm 81,5% trong tổng số tàu bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Từ đầu năm đến nay, 100% tàu cập cảng cá đã được kiểm tra, giám sát sản lượng theo quy định…

Đáng lưu ý, cơ quan thanh tra thuỷ sản Tiền Giang cũng có 5 cuộc thanh, kiểm tra trên 800 tàu cá, lập 27 vi phạm hành chính với sô tiền trên 200 triệu đồng liên quan đến lỗi không ghi nhật ký khai thác, chuyển tải thủy sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24 mét theo quy định...

Đặc biệt, trên cơ sở điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc 2 tàu cá của ông Nguyễn Thành Long bị nước ngoài bắt giữ trong thời gian qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số 1115 (ngày 29/4/2020) xử phạt vi phạm hành chính Doanh nghiệp tư nhân Thành Long với số tiền 1,8 tỷ đồng, đồng thời Sở NN&PTNT Tiền Giang cũng kiến nghị Tổng cục Thủy sản đưa 2 tàu cá trên vào danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.