Đề nghị công an điều tra vụ lộ thông tin hành khách đi máy bay

An ninh thông tin hàng không tiếp tục phát sinh nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến hành khách sau các sự cố bị hacker tấn công hệ thống vào năm ngoái.
An ninh thông tin hàng không tiếp tục phát sinh nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến hành khách sau các sự cố bị hacker tấn công hệ thống vào năm ngoái.
TPO - Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã yêu cầu Cục Hàng không kiểm tra xử lý việc lộ, lọt thông tin hành khách đi máy bay dẫn đến khách bị quấy rầy bởi các dịch vụ đi xe taxi.

Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo Cục Hàng không cho hay, công tác này đã được triển khai nhưng phức tạp, đang chờ kết quả từ Cục Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an.

Cụ thể, sau chỉ đạo của Bộ GTVT liên quan đến nội dung này, Cục Hàng không đã giao cho một phó cục trưởng trực tiếp phụ trách xử lý.

Trao đổi với Tiền Phong sáng 4/10, ông Võ Cường, Phó Cục trưởng Hàng không cho hay, ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục đã yêu cầu các hãng hàng không kiểm tra lại việc thực hiện kiểm soát thông tin của hành khách theo Thông tư số 01/2016/TT-BGTVT (Quy định chi tiết về Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam).

"Các hãng cũng đã thực hiện nhưng hiện chưa tìm ra nguyên nhân việc lộ lọt thông tin. Hiện có Vietnam Airlines đã đề nghị bên Bộ Công an, cụ thể là Cục Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao vào cuộc xử lý" - ông Cường cho biết.

Về trách nhiệm của Cục Hàng không, ông Cường cho hay: "Chúng tôi cũng đang tích cực triển khai nhưng vấn đề rất phức tạp, Cục chưa có đủ nhân lực về công nghệ thông tin để làm rõ, xử lý triệt để vấn đề này."

Cũng theo lãnh đạo cục Hàng không, có nhiều biểu hiện cho thấy sự phức tạp của vấn đề như: Thông tin của khách được hãng chuyển qua nhiều bộ phận như bộ phận soi chiếu an ninh sân bay, các đơn vị khác nhau tại sân bay... Vì thế để kiểm tra, phát hiện việc để lọt thông tin phải triển khai trên diện rộng, rất khó khăn.

Ông Cường cho biết, lực lượng chức năng của hàng không đã phát hiện trường hợp nhân viên hàng không lấy điện thoại chụp lại màn hình có danh sách của hành khách để chuyển cho các hãng taxi. Đã có hai nhân viên hàng không có hành vi này đã bị xử lý.

Ngoài ra, hiện nay, các đại lý có bán vé máy bay có số lượng rất lớn, nếu các đại lý này đơn phương cấp danh sách cho hành khách sẽ rất khó xử lý.

"Chúng tôi cũng đang tập trung các biện pháp để xử lý nhưng rất mong chờ sự vào cuộc của lực lượng công an phòng chống tội phạm công nghệ cao" - ông Cường nói.

Thời gian qua, nhiều hành khách đi máy bay qua nhiều sân bay, phố biến nhất là sân bay Cam Ranh (Khánh Hoà) liên tục nhận được các cuộc gọi sử dụng dịch vụ ô tô đưa đón sân bay ngay sau khi mua vé, kể cả khi mua vé trên hệ thống điện tử của hãng.

Mỗi một số điện thoại của khách đặt vé bị nhiều hãng xe khác nhau gọi. Thậm chí, một hãng gọi điện quấy rối hành khách nhiều lần.

Điều 80 thông tư số 01/2016/TT-BGTVT (Quy định chi tiết về Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam) quy định về nguyên tắc sử dụng, cung cấp thông tin về nhân thân hành khách, người gửi, người nhận hàng hóa như sau:

1. Chỉ hãng hàng không liên quan đến việc vận chuyển hành khách, hàng hóa được phép khai thác, sử dụng thông tin về nhân thân hành khách, người gửi, người nhận hàng hóa, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Hãng hàng không có trách nhiệm bảo mật thông tin cá nhân của hành khách; chỉ cung cấp thông tin về nhân thân hành khách, người gửi, người nhận hàng hóa cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo yêu cầu vì mục đích phục vụ công tác quản lý nhà nước về an ninh, an toàn hàng không dân dụng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và các tội phạm hình sự khác.

MỚI - NÓNG