'Dế Tàu' nhộn nhịp về xuôi

'Dế Tàu' nhộn nhịp về xuôi
TP - Vào các ngày nghỉ cuối tuần hàng ngàn du khách lũ lượt xe cộ lên xứ Lạng sắm đồ Tết, trong số này không ít người tranh thủ “đánh quả” vài “con dế” Tàu về xuôi bán kiếm lời.

Chỉ mất vài phút đồng hồ leo ngược con dốc ở Hang Dơi (thuộc xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) đến đỉnh dốc là có thể bước chân sang đất Trung Quốc.

Tôi đi theo một chàng trai tuổi ngoài hai mươi người bản địa vừa tốt nghiệp khoa tiếng Trung, trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn tranh thủ sang bên kia biên giới mua điện thoại.

Chợ Lũng Vài (Trung Quốc) được xây dựng quy mô chạy dọc sườn đồi, núi với những gian hàng và kho bãi kiên cố. Người bán gồm cả người Trung Quốc lẫn người Việt, nhưng kẻ mua thì hầu như tuyệt đối là người từ Việt Nam sang.

Có khoảng gần chục gian hàng bày bán đồ điện tử, điện thoại sát biên giới. Cảnh mua, bán rất đông  đúc, nhộn nhịp. Đa số là chủ buôn đường dài và khách du lịch. Nhiều người nói “bằng tay” vì không biết tiếng Trung Quốc.

A Sáng (chàng trai bản địa) dẫn tôi đến một cửa hàng. Người chủ nhe răng cười híp mắt: “Sang rồi à. Hôm nay có hàng Nokia N80 mới đấy”.

Trong lồng kính bày đầy các loại điện thoại được làm nhái các hãng Nokia, Samsung, Motorola, Siemens nom như thật với hình dáng và màu sắc bóng bẩy đủ các loại: N70, Sony Ericsson K750i, M700. Người chủ Trung Quốc chỉ vào Sáng nói luyến thắng: “Nó là khách quen mà. Cứ xem thoải mái”.

A Sáng chọn mỗi loại 2 - 3 chiếc với tổng số gần chục máy điện thoại rồi bảo ông chủ người Hoa tính tiền. A Sáng đưa cho tôi một tập tem mác bảo hành FPT.

Thấy tôi ngạc nhiên, A Sáng cười bảo: “Máy còn làm giả được thì cái tem nhãn là cái...đinh gì!?”. Tất cả lô hàng chỉ mua trên 3 triệu đồng, cái đắt nhất có giá năm trăm ngàn, còn lại tầm một, hai trăm ngàn đồng/chiếc nom cũng rất “xịn”.

Hiện nay, mặt hàng di động có xu hướng giảm mạnh, ví như chiếc Nokia N80 trước có giá 1,6 triệu thì nay hạ xuống chỉ còn 1 triệu đồng. Hay một chiếc Nokia khác nom khá bắt mắt giá cũng chỉ có 160 ngàn đồng.

A Sáng giúp tôi cho điện thoại vào túi quần, túi áo rồi rảo bộ theo con đường cũ Hang Dơi ngược trở về Việt Nam. Hàng người lũ lượt cõng, vác từng bao hàng trượt trên những thớ đá nhẵn thín bởi hàng ngàn bước chân dẫm lên mỗi ngày.

Những người “tiếp sức” ở chợ Đông Kinh

Chợ Đông Kinh (thuộc phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) được coi là nơi buôn bán hàng Trung Quốc lớn nhất tỉnh Lạng Sơn. Ngay sát cửa chính ở tầng 1 là nơi bán đồ điện tử, điện thoại rất náo nhiệt. Nhẩm tính cũng có trên chục quầy hàng bán điện thoại di động Trung Quốc.

Chị T, 40 tuổi người bản địa là người chuyên bán mặt hàng điện thoại di động ở chợ cho biết: Vào các buổi chiều hàng ngày, một số “chim lợn” mang điện thoại từ Trung Quốc giao bán cho chị, người ít vài cái, người nhiều trên chục chiếc.

Cửa hàng của chị bán lẻ kiêm bán buôn. Một số khách quen từ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội lên “ăn hàng”. Sáng lên Lạng Sơn, trưa mua điện thoại giắt vào người rồi theo xe “cá mập” về xuôi. Mỗi chiếc lãi 3- 4 chục ngàn đồng.

A Sáng là khách “ruột” của chị T nên chỉ cần xem qua hàng rồi tính tiền. Loáng một cái đã xong. A Sáng bảo: “Đánh hàng từ Trung Quốc về “ăn dầy” hơn. Mỗi chiếc lãi gần gấp đôi so với tuyến “nội địa”.

Theo lời A Sáng thì chuyến đi vừa rồi được “5 lít” (năm trăm ngàn đồng). Chợt thấy một gương mặt khá quen đang lao nhanh vào cổng chợ Đông Kinh. Tôi nhận ra chính gã thanh niên người Bắc Giang này đã một lần đưa cho tôi “mượn” một chiếc điện thoại Trung Quốc trong chuyến đi Hà Nội công tác mới đây.

Đáng ngạc nhiên là gã cho rất nhiều hành khách trên xe “mượn” như tôi. Khi đến khu vực cầu vượt giáp gianh giữa Bắc Ninh và Từ Sơn thì hắn lần lượt thu hồi điện thoại đã “ký gửi” hành khách trên xe rồi mang về Bắc Ninh bán. Hắn cười nháy mắt tôi và bảo hôm nay lại lên chợ Đông Kinh “ăn” hàng. Đi “cò con” nhưng ăn chắc, đã bốn năm nay chưa bị bắt lần nào.

Ngăn chặn “dế Tàu” nhập lậu: không dễ

Trạm phó Hải quan Cốc Nam Trịnh Văn Qúy- đơn vị làm nhiệm vụ kiểm soát tại 2 điểm “nóng” Hang Dơi và Cổng Trắng cho biết: Trong thời gian qua, mặc dù đã tổ chức các buổi mật phục song đơn vị vẫn chưa bắt được lô hàng điện thoại nào nhập lậu từ Trung Quốc.

Những người mang, xách một vài chiếc qua biên cũng rất khó phát hiện và xử lý bởi hàng trăm người qua lại biên giới mỗi ngày. Đường biên rộng dài, lắm đường “xương cá” xuyên qua biên giới.

Nếu “làm mạnh” ở Hang Dơi thì buôn lậu vòng đi đường Khơ Đa, đường 386, đường đài 05, Gốc Nhãn. Hơn nữa, chủ hàng không bao giờ lộ diện, họ thuê những cư dân người bản địa vận chuyển nhỏ lẻ vậy. Ngày 15/12, sau nhiều ngày trinh sát Hải quan Cốc Nam mới bắt được 400 chiếc... sạc pin điện thoại Trung Quốc tại Hang Dơi.

Còn đội Chống buôn lậu thành phố Lạng Sơn được coi là “bàn tay sắt” ở tỉnh trong 6 tháng cuối năm 2007 cũng chỉ bắt được 424 chiếc điện thoại Nokia nhập lậu từ Trung Quốc cùng một số phụ kiện máy di động.

Vấn đề kiểm soát máy di động nhập lậu bày bán ở các chợ cũng rất nan giải, bởi nếu làm mạnh, tịch thu mặt hàng không có xuất xứ, nhãn mác thì có thu...cả chợ (!?). Chỉ tính riêng chợ Đông Kinh có tới hàng trăm loại hàng hóa, trong đó gần 100% là hàng Trung Quốc không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

MỚI - NÓNG