Để thành công vượt bậc người quản lý cần những gì?

Để thành công vượt bậc người quản lý cần những gì?
Người quản lý đóng vai trò rất quan trọng và then chốt trong sự thành bại của một tập thể. Trở thành người quản lý ưu tú không phải chuyện bẩm sinh và dễ dàng, mà cần phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài.

Theo chia sẻ của Giám đốc Yamada Takafumi - người đã dẫn dắt CareerLink.vn từng bước trở thành một trong những công ty tuyển dụng, tìm kiếm việc làm hàng đầu Việt Nam hiện nay, cho rằng khả năng quản lý không phải là món quà thiên bẩm.

Do đó, bất kì ai cũng có thể trở thành một người quản lý tốt nếu biết không ngừng nỗ lực để hoàn thiện bản thân và phát triển các kỹ năng quản lý cá nhân.

Cập nhật thông tin tuyển dụng việc làm tại https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-tai/ho-chi-minh/HCM

Xây dựng thói quen lành mạnh

Đầu tiên, bạn phải thay đổi nhận thức của bản thân về những việc đang làm. Bạn cần biết phân biệt việc nào nên và không nên, việc nào là đúng hay sai. Từ đó, dần dà trong bạn hình thành nên một “cơ chế” sống và làm việc riêng. Đây chính là yếu tố cần để bạn xây dựng nên các thói quen lành mạnh, và trở thành một người quản lý giỏi.

Đọc sách chuyên ngành, chơi các môn thể thao yêu thích, dành thời gian cho gia đình, giữ đam mê cho một thú vui nào đó, và còn rất nhiều thói quen tốt khác giúp bạn có một tinh thần thoải mái, trí tuệ minh mẫn, cũng như tránh bị lún sâu vào “guồng máy” công việc nặng nề, mệt mỏi.

Giữ vững “kỉ luật thép”

Bạn phải nhớ nằm lòng câu “việc hôm nay chớ để ngày mai” để áp dụng vào cách làm việc. Dù cho công việc có khiến chúng ta mệt mỏi, chán nản như thế nào thì sự nghiêm khắc với bản thân, và giữ vững tinh thần “kỷ luật thép” chính là một trong những điều tạo nên khác biệt giữa người thành công và thất bại.

Ở vai trò của người quản lý, nỗ lực cho công việc của bạn phải gấp nhiều lần nhân viên. Nếu nhân viên nhìn thấy cấp trên chăm chỉ, miệt mài, thì điều này như một “cú lên dây cót” tinh thần hiệu quả giúp tập thể đồng tâm hợp sức đẩy nhanh tiến độ và đạt kết quả tốt trong công việc.

Xác định mục tiêu dài hạn khả dĩ

Bất kể công việc gì đều cần có một mục tiêu rõ ràng. Điều này chính là kim chỉ nam dẫn lối đến thành công. Đặc biệt, đối với người quản lý thì việc xác định mục tiêu càng quan trọng hơn.

Với tư cách một người quản lý, thì bạn không chỉ biết đặt ra nhiệm vụ thích hợp trong từng giai đoạn công việc, mà còn phải có một “tầm nhìn xa trông rộng”. Một mục tiêu dài hạn khả dĩ sẽ giúp cho bạn và đội ngũ biết cần phải làm gì, và nỗ lực như thế nào để tiệm cận hơn với đường kẻ thành công. Chỉ cần “mũi giáo” của bạn lệch mục tiêu thì công sức của đội ngũ dễ trở thành “dã tràng xe cát biển Đông”.

Không ngừng tự hoàn thiện mình

Mọi thứ xung quanh bạn đều không ngừng vận động, và phát triển. Bạn không thể cứ giậm chân tại chỗ, bằng lòng với hiện tại. Nếu bạn là một nhân viên, thì rất có thể bạn sẽ không bao giờ lên được vị trí cấp cao hơn. Đặc biệt, nếu bạn là một người quản lý, thì đội ngũ của bạn sẽ chẳng tạo ra được điều gì đột phá, và thậm chí “chiếc ghế” của bạn sẽ lung lay theo thời gian.

Bạn không nên cảm thấy thỏa mãn với hiện tại, và phải biết cố gắng phấn đấu từng ngày. Bạn cần biết đặt ra các “tiêu chuẩn cao nhất” cho mọi kết quả công việc. Đấy chính là điều tạo nên một nhà lãnh đạo xuất sắc.

Biết trân trọng mọi thứ

Bạn có thể là người dẫn lối cho tập thể bước đến thành công, nhưng bạn sẽ chẳng làm được gì nếu thiếu vắng đi một tập thể nhiệt huyết bên cạnh. Thành công không thuộc về cá nhân, nên một người quản lý tốt phải biết bày tỏ lòng biết ơn và sự trân trọng với nhân viên của mình.

Hãy tuyên dương một cá nhân xuất sắc nào đó trước mặt mọi người, gửi thư điện tử đến tất cả nhân viên trong ngày kỉ niệm thành lập doanh nghiệp, tổ chức những sự kiện, chương trình nhằm tri ân công đóng góp to lớn của mọi người. Thông qua những hành động như vậy, bạn sẽ nhận được sự tôn trọng và quý mến từ nhân viên. Tinh thần đoàn kết tập thể cũng từ đó được nâng cao và ngày một mạnh mẽ hơn.

Luôn có một tinh thần lạc quan

Bạn muốn đến công ty với bộ mặt rầu rĩ, tâm trạng chán chường vì những vấn đề trong công việc, cuộc sống? Chắc chắn những nhà quản lý ưu tú không bao giờ làm điều này. Một nhà quản lý ưu tú cần phải giữ vững một tâm thế bình tĩnh, lạc quan trước mọi sự việc khó khăn.

Nhân viên của bạn sẽ luôn cảm thấy rất áp lực, và bản thân bạn cũng không hề thoải mái nếu môi trường làm việc nặng nề, căng thẳng. Một nhà quản lý giỏi phải biết truyền động lực cho nhân viên, và luôn tạo ra bầu không khí thoải mái, ôn hòa. Từ đó, mọi người sẽ có thể phát huy hết năng suất làm việc, và đội ngũ của bạn sẽ từng bước vượt qua những khó khăn.

Trở thành một quản lý xuất sắc không phải chuyện “một sớm một chiều”

Ngày một ngày hai không thể biến bạn trở thành một nhà quản lý tài ba. Bạn cần thời gian để rèn luyện và học hỏi kinh nghiệm. Trở thành một quản lý giỏi khó khăn hơn rất nhiều so với việc chỉ làm một nhân viên tốt. Những điều nêu ra trong bài viết không hoàn toàn hội đủ tất cả yêu cầu của một nhà quản lý xuất chúng. Tuy nhiên, nếu bạn muốn trở thành một người đủ khả năng “đứng đầu ngọn sóng” thì bạn cần phải có các điều trên.

MỚI - NÓNG