Đề xuất thành lập Bộ Phát triển Kinh tế

Đề xuất thành lập Bộ Phát triển Kinh tế
TPO - Bộ KH-ĐT cho biết, đã trình Chính phủ đề án đổi mới cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011 - 2020, trong đó đề xuất thành lập Ủy ban Cải cách và Phát triển hoặc Bộ Phát triển Kinh tế và lập Tổng cục Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đơn vị soạn thảo đề án, nền kinh tế nước ta có sáu điểm yếu đáng lưu ý. Điển hình là cách thức tăng trưởng thiên về chiều rộng không còn phù hợp với yêu cầu và điều kiện mới của phát triển.

Các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thật vững chắc. Cơ cấu ngành kinh tế, sản phẩn và cơ cấu vùng kinh tế quy mô nhỏ, phân tán, manh mún và chia cắt, trở thảnh rào cản ngăn yêu cầu tập trung, tích tụ tận dụng kinh tế quy mô để phát triển.

Cùng với đó, sức cạnh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm còn thấp, chưa có dấu hiệu cải thiện. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu lao động tay nghề được đào tạo. Bộ máy hành chính chưa đủ năng lực, kỹ năng, công cụ và nguồn lực để triển khai thực hiện nhanh, kịp thời và hiệu quả những chính sách đã được thông qua cũng là những “nút thắt” cần gỡ bỏ.

Theo phân tích của đề án, hiện không gian kinh tế của chúng ta đang bị chia cắt, cát cứ theo đơn vị hành chính, nhất là cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Điều này dẫn đến kinh tế vùng chưa hình thành bằng sự kết nối hữu cơ, hợp tác và bổ sung lẫn nhau giữa các địa phương trong vùng.

Các địa phương thường theo đuổi cơ cấu kinh tế tương tự nhau, cạnh tranh lẫn nhau, thậm chí có hiện tượng cạnh tranh theo kiểu “cùng đi về đáy”; làm sai lệch, hoặc phá vỡ không gian và quy hoạch phát triển chung của cả vùng và nền kinh tế, gây bất lợi cho phát triển trung và dài hạn của từng địa phương, cả vùng và nền kinh tế.

Vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự kết nối, lan toả thúc đẩy và lôi kéo các vùng khác lân cận cùng phát triển.

Lập Tổng cục Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp tư nhân

Để khắc phục những điểm yếu trên, theo ban soạn thảo, cần rà soát, bãi bỏ các phân biệt đối xử trong gia nhập thị trường, trong quyền kinh doanh và quyền tự chủ kinh doanh theo thành phần kinh tế, nhất là phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Một việc cần thực hiện nữa là gia hạn thực hiện Đề án 30 về đơn giản hoá  thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước đến năm 2015. Sau khi bãi bỏ tối thiểu 30% thủ tục hành chính hiện hành trong năm 2010 như chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra, tiếp tục thực hiện rà soát, bổ sung sửa đổi, đơn giản hoá các thủ tục hành chính còn lại, hoặc bãi bỏ các thủ tục  không còn cần thiết, đồng thời, thiết lập tổ chức và cơ chế giám sát đảm bảo các thủ tục hành chính hiện có và mới ban hành luôn hợp lý, đơn giản, dễ thực hiện và ít tốn kém.

Ngoài ra, cần nghiên cứu, tách biệt ba chức năng quản lý nhà nước trong cùng một bộ, cơ quan quản lý nhà nước khỏi các bộ, đồng thời, thành lập hệ thống cơ quan độc lập, chuyên trách thực hiện và giám sát thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.

“Cần tách chức năng điều tiết thị trường, nhất là các thị trường độc quyền, khỏi các bộ có liên quan, đồng thời, thành lập, phát triển và tăng cường năng lực một số cơ quan điều tiết thị trường một cách chuyên trách và chuyên nghiệp đối với từng loại thị trường”- CIEM đề xuất.

Theo đề án, để phát triển, nâng cao chất lượng các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cần tiếp tục khuyến khích, đơn giản hoá thủ tục đăng ký kinh doanh, thực hiện các chương trình khởi nghiệp, nhất là ở các vùng nông thôn, để tăng thêm số lượng doanh nghiệp đăng ký mới.

Ngoài ra, cần thành lập Tổng cục Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp tư nhân trong nước với sứ mạng không chỉ cung cấp hoặc hỗ trợ việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, mà còn là cơ quan đầu mối hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết tranh chấp, vướng mắc pháp lý với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; làm chỗ dựa “tinh thần” đáng tin cậy cho các doanh nghiệp tư nhân.

“Cần thành lập (mới hoặc từ bộ hiện có) Ủy ban Cải cách và Phát triển, hoặc Bộ Phát triển Kinh tế, có đủ thẩm quyền, năng lực và công cụ soạn thảo hoặc định hướng soạn thảo, kiểm soát nội dung và chất lượng chiến lược, chính sách phát triển kinh tế; điều phối và phối hợp, theo dõi và đánh giá việc triển khai thực hiện và hiệu quả của chiến lược, chính sách phát triển; kiến nghị hoặc yêu cầu bổ sung, sửa đổi, nếu xét thấy cần thiết”- Đề án nêu rõ.

Theo CIEM, đổi mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong 10 năm tới phải đạt được mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, nền kinh tế nước ta đạt được cơ cấu kinh tế tương đương trình độ phát triển trung bình với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.000 - 3.200 đô la Mỹ theo giá thực tế.

Đến năm 2015, thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai tối đa không quá 5% GDP và đến năm 2020, cơ bản không còn thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai và bội chi ngân sách không quá 3% GDP.

Đến năm 2020, nông, lâm và ngư nghiệp chiếm không quá 15% GDP, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm ít nhất 85% GDP.

MỚI - NÓNG