Đêm nay, điều trần dự luật PNTR cho Việt Nam

Đêm nay, điều trần dự luật PNTR cho Việt Nam
Lúc 10 giờ đêm nay, 12/7 theo giờ Hà Nội (10 giờ sáng, giờ Washington D.C), Uỷ ban Tài chính Thượng viện Mỹ sẽ bắt đầu phiên điều trần dự luật S.3495 - dự luật về việc dành cho Việt Nam quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR).

Đúng dịp này 11 năm trước, ngày 11/7/1995, chính quyền Bill Clinton đã tuyên bố bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Việc bình thường hoá quan hệ chính trị đã chứng tỏ sự đúng đắn khi mở đường cho một chương mới rầm rộ và tươi sáng trong quan hệ Việt - Mỹ.

Phía Mỹ mất 20 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc để bình thường hoá quan hệ chính trị. Nhưng đi tới bình thường hoá quan hệ kinh tế còn lâu hơn thế - đến thời điểm này, thêm 10 năm nữa, một quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam vẫn còn đang được cân nhắc trên bàn Quốc hội Mỹ.

Đã có nhiều cơ hội bị bỏ lỡ giữa hai bên. Đó là cơ hội bị bỏ lỡ từ tháng 2/1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng thống Mỹ Truman nói rằng Việt Nam muốn giành độc lập hoàn toàn và thiết lập quan hệ hợp tác toàn diện với Mỹ; là những cơ hội để chấm dứt sớm cuộc chiến tranh Việt Nam, để bình thường hoá quan hệ chính trị sau chiến tranh.

Và giờ đây, trong bối cảnh hợp tác song phương đang mở rộng, và Việt Nam đang mở rộng cửa hơn bao giờ hết cho nhà đầu tư, nhà xuất khẩu lớn từ các nước bằng việc đã đạt tới chặng cuối của tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thì các doanh nghiệp Mỹ lại nhắc nhiều tới các cơ hội làm ăn, kinh doanh đầy tiềm năng với Việt Nam mà họ có thể bị chậm chân nếu Quốc hội Mỹ trì hoãn việc cấp PNTR cho Việt Nam.

Phiên cuối cùng trong đàm phán đa phương của Việt Nam gia nhập WTO sẽ diễn ra vào hạ tuần tháng 7 này và đó được xem như là phiên cuối cùng về việc gia nhập của Việt Nam và sẽ diễn ra thuận lợi.

Nếu Mỹ không dành PNTR cho Việt Nam, Việt Nam vẫn có thể gia nhập WTO, bởi trên nguyên tắc, Việt Nam đã hoàn tất toàn bộ các yêu cầu về đàm phán song phương và đa phương.

Nhưng trong trường hợp đó, các DN Mỹ sẽ không được hưởng những nhượng bộ về tiếp cận thị trường mà Việt Nam dành cho EU, Nhật Bản hay các nước khác.

Nghĩa là phía Mỹ đã mất công đàm phán thoả thuận song phương WTO với Việt Nam trong nhiều năm, mà cuối cùng, doanh nghiệp Mỹ không được hưởng thành quả của quá trình mặc cả gay go đó.

Những tiếng nói ủng hộ

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều doanh nghiệp và hiệp hội Mỹ đã thành lập một liên minh hơn 120 thành viên, mở chiến dịch dồn dập gõ cửa văn phòng của khoảng 200 thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ Mỹ trong vòng một tuần đi vận động tại Washington D.C. giữa tháng 6 vừa qua.

Ông John Castellani - Chủ tịch Bàn tròn doanh nghiệp - một tổ chức vận động doanh nghiệp Mỹ, đã nói: "Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế toàn cầu sẽ tốt cho Đông Nam AÁ và cho nước Mỹ. Việt Nam là động cơ của tăng trưởng kinh tế trong khu vực, chào mời nhiều cơ hội đáng kể cho các doanh nghiệp và ngành nông nghiệp Mỹ".

Mỹ hiện là nhà đầu tư lớn thứ tư ở Việt Nam. Thương mại hai chiều đạt 7,6 tỉ USD, tăng gấp 5 lần so với trước khi ký Hiệp định Thương mại song phương, và những trao đổi này sẽ còn bùng nổ khi Việt Nam gia nhập WTO.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà nhiều chính trị gia Mỹ và nhiều giới ở nước Mỹ ủng hộ PNTR cho Việt Nam. Với nhiều người, PNTR cho Việt Nam mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn ý nghĩa kinh tế: Đó là bước đi gần như bình thường hoá hoàn toàn quan hệ hai nước. Không phải không có những tiếng nói chống đối, nhưng chính các nghị sĩ Mỹ và giới doanh nghiệp Mỹ đã nhận xét: Chưa bao giờ có một dự luật được ủng hộ rộng rãi đến như vậy từ cả hai đảng trong cả hai viện Quốc hội Mỹ.

Dự luật PNTR cần được Uỷ ban Tài chính Thượng viện thông qua trước khi được đem ra bỏ phiếu trước toàn thể thượng viện. Dự luật này cũng cần được Uỷ ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện xem xét để đem ra bỏ phiếu, nhưng cho đến giờ, lịch trình này vẫn chưa được sắp xếp. Vấn đề lúc này là thời gian.

Các DN Mỹ cho rằng, không cần lo ngại về việc không có được đủ phiếu ủng hộ. Đáng lo ngại là giờ đây đã là 11.7 và hai viện Quốc hội Mỹ sẽ nghỉ hè trong 5 tuần. Sau đó vấn đề bầu cử sẽ nổi lên và thương mại ít được quan tâm hơn. Nhưng như một nhà lập pháp VN đã nói, cần có ý chí và quyết tâm chính trị từ Mỹ, nếu không, một lần nữa, cơ hội kịp thời để thúc đẩy quan hệ hai nước sẽ lại bị bỏ lỡ.

Theo Lao động

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.