Đến lúc xác định thời điểm kết thúc gói kích cầu

Đến lúc xác định thời điểm kết thúc gói kích cầu
TPO – Theo chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á, việc xác định thời điểm kết thúc gói kích thích kinh tế là khá quan trọng. Nếu kết thúc kích cầu quá sớm thì nền kinh tế có thể suy thoái trở lại, còn nếu kéo dài thì có nguy cơ lạm phát cao.
Đến lúc xác định thời điểm kết thúc gói kích cầu ảnh 1
Theo chuyên gia của ADB, đã đến lúc xác định thời điểm kết thúc gói kích cầu

Theo ông Nick Freeman, chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các gói kích thích kinh tế toàn diện thường được tung ra khi tất cả những công cụ chính sách thông thường tỏ ra không có khả năng làm hồi sinh nền kinh tế đang đóng băng một cách nhanh chóng.

Những gói kích thích này thường được xây dựng và thực hiện vội vã nên chắc chắn có những rủi ro và có những tác động không mong muốn xảy ra.

Một điểm dễ nhận ra của các gói kích thích này là chi phí bỏ ra là rất lớn. Cùng với đó những luồng tiền lớn đổ vào thị trường đặt ra những bài toán mới cần giải quyết. Vì vậy các Chính phủ khi thực hiện chính sách kích thích kinh tế thường thực hiện rất nhanh, không kéo dài.

Theo ông Freeman, việc xác định thời điểm kết thúc gói kích thích kinh tế là khá quan trọng và đến lúc phải tính tới việc này.

Dù kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã bắt đầu được cải thiện từ quý 2 song đồ thị phục hồi hình chữ V không tự hoạt động, do đó Việt Nam có thể phải mất thêm thời gian để lấy lại tăng trưởng. Nhưng điều này còn phụ thuộc phần nào vào nền kinh tế toàn cầu.

Mặt khác việc kết thúc quá sớm gói  kích thích thì nền kinh tế có thể suy thoái trở lại (quay lại tình trạng như quý 4/2008 và trong quý I/2009). Còn nếu kéo dài, kết thúc muộn thì kinh tế có thể trở nên quá "nóng" và có nguy cơ trở lại giai đoạn quý 4/2007, đầu quý I/2008 với tỉ lệ lạm phát cao.

Cũng theo ông Freeman, thời điểm kết thúc gói kích thích kinh tế có nhiều khả năng trùng với quá trình chuẩn bị cho chiến lược kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2012 của Việt Nam.

Khi đó sẽ có một số bài toán mới đặt ra: Liệu tăng trưởng GDP có thực sự là mục tiêu số một hay phải ưu tiên cho việc tạo ra thu nhập đồng đều? Cùng với đó cũng phải xem lại tiêu chí nền kinh tế với định hướng xuất khẩu có còn là phương thức tốt nhất và Chính phủ có thể hỗ trợ gì khác cho doanh nghiệp?

“Việc bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là chính sách tiếp tục phải duy trì trong dài hạn. Mục tiêu là tạo cho doanh nghiệp đứng vững bằng khả năng của mình. Vì vậy cần đánh giá lại những ưu tiên đặt ra trước đây cho phù hợp với tình hình mới”- Ông Freeman nói.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận vốn vay

TS Nguyễn Đức Thuận, Tổng giám đốc Công ty Vật tư công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng cho rằng gói kích cầu đã mang lại hiệu quả cho nền kinh tế. Tuy nhiên với các giải pháp này thì doanh nghiệp mạnh, làm ăn có lãi được hưởng lợi rất nhiều và mang lại hiệu quả lớn. Nhưng các doanh nghiệp nhỏ, làm ăn thua lỗ thì còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí còn tiếp tục lâm vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng do không tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ lãi suất.

Một số lý do quan trọng để các doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất là do chỉ hỗ trợ lãi suất với các khoản vay mới, không áp dụng cho các khoản vay trước đó.

“Theo tôi những khoản vay hỗ trợ lãi suất nên mở rộng và dành cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn hiện nay.

Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ có đặc điểm chung là vốn vay không lớn trong khi nhu cầu vốn vay luôn nóng. Chính vì vậy để đáp ứng cơ hội kinh doanh và sự đơn giản trong thủ tục nên họ thường chọn cách vay thông thường chứ không chọn cách vay hỗ trợ lãi suất do thủ tục quá rắc rối”- Ông Thuận cho biết.

Phân tích sâu về tác động của việc hỗ trợ kích cầu, TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế, trường ĐH Kinh tế cho rằng trên thị trường hiện lãi suất huy động bắt đầu tăng trở lại. Điều này cho thấy nguồn vốn bắt đầu khan hiếm khiến giá tăng trở lại, gây ra rủi ro tiềm tàng.

Nếu cứ tiếp tục kéo dài việc hỗ trợ lãi suất sẽ gây ra sự méo mó về thị trường. Khi năng lực cung ứng vốn của nền kinh tế hạn chế thì có vấn đề: Lãi suất tăng mạnh sẽ có đợt rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng. Khi đó cấu trúc về vốn của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng.

Cũng theo ông Thành, Việt Nam giống Mỹ ở khoản thâm hụt kép. Sự thâm hụt dẫn đến thâm hụt thương mại lớn và cung đô-la trên thị trường sẽ thu hẹp, kéo theo sự tăng giá liên tục của đồng tiền này.

Với tình hình hiện nay ưu tiên đầu tiên là phải giảm thâm hụt kép. Vay nợ nước ngoài giúp giải quyết nhanh vấn đề nhưng sẽ có việc luồng tiền lớn chảy vào nền kinh tế. Đây là bài toán cần phải tính khi áp dụng biện pháp cân bằng trên.

Kết quả khảo sát mới đây tiến hành tại 180 doanh nghiệp trong và ngoài quân đội cho thấy 50,63% doanh nghiệp sử dụng vốn vay hỗ trợ lãi suất để duy trì sản xuất kinh doanh, 36,29% doanh nghiệp dùng để mở rộng hoạt động, 9,7% doanh nghiệp dùng để giải quyết tiền lương cho công nhân, 1,69% doanh nghiêp dùng vốn vay để trả nợ cũ và một số mục đích khác.

MỚI - NÓNG