Đeo mào xe công nghệ: Lo chi phí tăng, hành khách, tài xế chịu thiệt

Các chuyên gia cho rằng, việc không cởi trói các quy định cho taxi truyền thống mà yêu cầu quy định với xe công nghệ là việc đi ngược xu thế 4.0
Các chuyên gia cho rằng, việc không cởi trói các quy định cho taxi truyền thống mà yêu cầu quy định với xe công nghệ là việc đi ngược xu thế 4.0
Nhiều người dân và tài xế cho rằng, nếu Chính phủ chốt phương án quy định bắt buộc xe công nghệ “gắn mào” và quản lý theo khung của taxi truyền thống sẽ đi ngược lại với xu thế 4.0. Khi chi phí vận hành gia tăng, hành khách và tài xế là những người chịu thiệt đầu tiên.

Theo dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà Bộ GTVT đề xuất Chính phủ sẽ quy định taxi tính tiền theo phần mềm (ứng dụng gọi xe như mô hình Grab) trên xe phải có thiết bị kết nối với hành khách để đặt xe, hủy chuyến. Sau khi kết thúc chuyến đi, phần mềm phải gửi hóa đơn điện tử cho hành khách và Tổng cục Thuế.

Đặc biệt, loại taxi này phải có phù hiệu “taxi” và được dán cố định phía bên phải mặt kính trước của xe, có hộp đèn chữ “taxi” gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu 15x20 cm. Ngoài ra, xe hợp đồng không được gom khách, đón khách ngoài danh sách do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe…

Ở góc độ tiện ích của người sử dụng dịch vụ gọi xe công nghệ, chị Nguyễn Thị Tiên (38 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: “Tôi thường xuyên sử dụng đặt xe công nghệ để đi làm và đi lại trong cuộc sống hằng ngày bởi sự tiện ích, đi xe thoải mái, tài xế phục vụ cũng rất văn minh, lịch sự. Đặc biệt thông qua ứng dụng đặt xe tôi có thể theo dõi hành trình của tài xế mỗi khi đón xe cho con đi học, yên tâm hơn mỗi khi bận việc”.

Là người sử dụng dịch vụ, chị Tiên cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước nên cân nhắc để tạo điều kiện thuận lợi và tốt nhất cho người lao động, người dùng. Trước khi đưa ra những quy định thì cần phải khảo sát từ thực tế, lấy ý kiến của người dân thì mới hiểu được vì sao họ lại lựa chọn đi xe công nghệ thay vì xe taxi truyền thống. Thực tế, dù sử dụng loại dịch vụ gọi xe nào thì người dùng đều phải trả tiền, tuy nhiên, việc đổi lại chi phí cho hành khách cũng phải hợp lý và có chất lượng phục vụ.

Theo chị Tiên, khi ép xe công nghệ vào mô hình xe “đeo mào”, hàng loạt chi phí sẽ phát sinh và được chiết tính vào chi phí vận hành, khi đó, cước phí di chuyển chắc chắn sẽ tăng và chính người dùng phải gánh chịu. Nếu không kham được, việc sử dụng lại phương tiên cá nhân sẽ gia tăng, dẫn đến kẹt xe, gia tăng phát thải và số đông tài xế công nghệ sẽ bị giảm thu nhập, thậm chí…mất việc.

Gắn bó được gần 5 năm với xe công nghệ anh Huỳnh Xuân Bình (33 tuổi ngụ quận 10, TP.HCM) rất lo lắng khi biết thông tin xe công nghệ bị đề xuất “gắn mào” như taxi truyền thống. Theo anh Bình, hiện nay, chi phí bỏ ra cho một chiếc xe công nghệ cũng tương đương với taxi truyền thống như: tiền gắn logo, tiền đóng hợp tác xã, tiền đăng kiểm, hộp đen… Nếu quy định bắt buộc “gắn mào” sẽ phát sinh thêm chi phí như vậy chắc chắn người tiêu dùng phải gánh. Hành khách hiện nay đi xe vẫn muốn chất lượng phục vụ tốt, nếu “gắn mào” như taxi truyền thống thì số lượng hành khách đặt xe sẽ giảm đáng kể, kéo theo tài xế cũng giảm thu nhập.

Cần có khung pháp lý mới

Đánh giá dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà Bộ GTVT đề xuất lên Chính phủ, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hành khách Liên tỉnh và Du lịch TP.HCM cho rằng, Bộ GTVT đang đi ngược lại xu thế thời đại và đi ngược lại cả chủ trương mà Bộ GTVT đã công bố ở Quyết định 24 thí điểm. Đây không những là bước đi thiếu tiến bộ mà là một bước lùi đáng tiếc, nó không đúng với chủ trương hiện nay là Chính phủ kiến tạo, chỗ dựa để các doanh nghiệp, hợp tác xã góp phần phát triển kinh tế, xã hội và thỏa mãn nhu cầu đi lại ngày càng thuận lợi và ngày càng cao của người dân.

Nếu bây giờ chưa tìm ra định danh cụ thể thì hãy gọi là “Loại xe hợp đồng dưới 9 chỗ” như Quyết định 24 cũng phù hợp, tuyệt đối không nên khoác “Chiếc áo cũ taxi” vì chính Bộ GTVT cũng đã nhìn nhận “xe công nghệ chỉ hoạt động giống taxi chứ đâu phải là taxi”. Vấn đề còn lại là, hãy mạnh dạn cởi trói cho hoạt động taxi cũ đi, loại bỏ một số điều kiện kinh doanh vô lý hiện nay đang trói buộc taxi cũ, đồng thời làm cho nó mất sức cạnh tranh với loại hình mới vốn dĩ đã có nhiều mặt ưu việt về mặt công nghệ, ông Tính nhấn mạnh.

Theo ghi nhận tại các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước hầu hết người tiêu dùng đều cho rằng bản chất của cách mạng 4.0 là dùng công nghệ để giảm tối đa những thủ tục rườm rà cũng như chi phí không đáng có từ đó tiết kiệm thời gian, tiền bạc và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nếu là 4.0, liệu có cần đeo mào cho xe công nghệ để quay về thời taxi vẫy? 

MỚI - NÓNG