Dẹp chuồng làng nghề cá sấu

Dẹp chuồng làng nghề cá sấu
TP- Trước tình trạng hơn 100.000 con cá sấu chưa biết đi đâu về đâu  khi giá cá sụt giảm thê thảm, hôm qua, ông Tôn Thất Hưng – Giám đốc Công ty TNHH cá sấu Hoa Cà TPHCM, đại diện cho hàng trăm hộ nuôi cá đề nghị khẩn tới Bộ trưởng Bộ NN-PTNT thành lập quỹ để cứu các làng nghề cá sấu.

Cách đây bốn năm- khi thị trường tiêu thụ cá sấu thịt mở cửa, hàng trăm hộ nông dân đã chạy theo mô hình nuôi cá sấu. Theo ông Tôn Thất Hưng, tại thời điểm đó, mỗi tháng thị trường Trung Quốc tiêu thụ khoảng 15 nghìn con cá sấu ở các tỉnh phía Nam, với giá 150 – 170.000 đồng/kg thịt hơi.

Thế nhưng từ năm 2006, thị trường chính cho nông dân tiêu thụ cá là Trung Quốc bỗng dưng dội hàng, từ đó cá sấu rớt giá thê thảm. Hiện giá cá sấu bán nguyên con chỉ còn 80.000 đồng/kg hơi, chưa bằng nửa thời đỉnh giá vào thời điểm trước năm 2005 và giảm 1/3 so với năm 2008.

Theo phân tích của ông Hưng, hầu hết nông dân làm ăn tự phát, nhập cá theo đường tiểu ngạch. Vì vậy, khi thị trường chủ lực dội hàng thì nông dân cũng chết theo. 

Nguyên nhân khiến cho cá sấu không còn mặn mà với thị trường Trung Quốc do khủng hoảng kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao chi tiêu.

“Đến thời điểm này tại các làng nghề phía Nam đang tồn kho hơn 100.000 con cá sấu, cứ tính mỗi con với giá 2,5 triệu đồng thì giá trị của tổng lượng cá sấu tồn này khoảng 250 tỷ đồng”- ông Hưng cho biết.

Đang nuôi 500 con cá sấu đến thời điểm xuất chuồng nhưng anh Nguyễn Văn Hoài ở xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi vẫn không tìm ra nơi tiêu thụ. Theo anh Hoài nếu không có giải pháp, nông dân nuôi cá sấu hiện nay chỉ còn đường bán tháo giá rẻ và chịu lỗ  dẹp chuồng”- anh Hoài buồn bã.

Bắt bệnh để cứu cá sấu

Theo ông Hưng, lượng cá sấu tồn kho khổng lồ đều nằm trong các hộ nuôi tự phát. “Họ nuôi với mục đích bán thịt, không quan tâm chăm sóc bộ da để xuất khẩu nên khi thị trường trở chứng thì nông dân lãnh đủ”- ông Hưng nói.

Để cứu làng nghề cá sấu phía Nam, ông Hưng đề nghị Bộ NN-PTNT thành lập Quỹ cứu trợ khẩn trị giá khoảng năm tỷ đồng. Theo ông Hưng số tiền này sẽ dành cho khoảng 200 hộ nông dân chăn nuôi cá sấu vay không lãi dùng để đầu tư sửa sang chuồng trại, áp dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến, cải thiện bộ da, từ đó Công ty Hoa Cà và nhiều đơn vị chế biến khác sẽ đảm bảo bao tiêu với giá cao.

Ông Hưng cũng khẳng định: “Những hộ nuôi vệ tinh của Hoa Cà có lượng da loại 1 chiếm tới 60 phần trăm, loại 2 khoảng 30 phần trăm; trong khi đó, các hộ nuôi tự phát lượng da loại 1 và 2 chỉ chiếm 10 phần trăm nên bán rất khó.

Hiện các thị trường nhập khẩu da và sản phẩm da cá sấu như Hàn Quốc, Úc, Ý, Pháp, Nhật, Mỹ đang có nhu cầu rất cao, vì thế, nếu tình hình này được cải thiện thì người chăn nuôi cá sấu sẽ tăng thu nhập thêm 30- 50 phần trăm và gắn bó chặt với làng nghề”- ông Hưng cho biết.

Theo bà Phan Thị Ngọc Anh- Phó giám đốc Cty Tồn Phát-  nơi có khoảng 30.000 con cá sấu tại các trại vệ tinh ở Củ Chi và các tỉnh miền Tây thì nuôi theo mô hình liên kết trong dân luôn tuân thủ theo kỹ thuật, nên hiện giờ công ty thu mua số cá này với giá chấp nhận được khoảng 120 nghìn đồng/kg. Vì vậy, dân rất yên tâm cho khâu bao tiêu sản phẩm”. 

MỚI - NÓNG