Dệt may khốn khó trước ngưỡng cửa hội nhập

Dệt may khốn khó trước ngưỡng cửa hội nhập
4 tháng xuất khẩu được 1,32 tỷ USD, quá thấp so với mục tiêu 5,2 tỷ USD cả năm. Hàng trăm khó khăn lớn đang đổ ập lên ngành xuất khẩu mũi nhọn này.
Dệt may khốn khó trước ngưỡng cửa hội nhập ảnh 1

Có một thực tế tưởng như phi lý đó là chế độ hạn ngạch càng nới lỏng bao nhiêu, ngành dệt may Việt Nam càng khó khăn bấy nhiêu. Một nghiên cứu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (công bố tại Hội nghị Thách thức và giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may sau 2004, tổ chức tháng 12/2003) cho thấy rõ điều này.

Kể từ đầu năm nay, chế độ hạn ngạch được bãi bỏ hoàn toàn với các thành viên WTO. Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi này khi xuất hàng sang EU, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu dệt may vào thị trường này không những không tăng mà còn giảm (quý I giảm tới 3%; trong đó vào Đức giảm 24,3%, Anh giảm 26% và Pháp giảm 20%).

Sự kém cạnh tranh về giá thành, thời hạn giao hàng cùng hàng loạt lý do khác như bất cập trong khả năng buôn bán quốc tế, tiếp cận thị trường, trình độ chuyên môn, thiết kế mẫu mã, trang thiết bị, máy móc đang khiến ngành dệt may Việt Nam trở nên quá bé nhỏ trên đấu trường quốc tế, đặc biệt khi so với "người khổng lồ" Trung Quốc.

"Tất cả Cat “nóng” xuất vào EU từ Trung Quốc tăng rất mạnh, trong khi tại Việt Nam các Cat này đang có xu hướng nguội dần. Mặc dù đã lường trước về tốc độ tăng nhanh của hàng dệt may Trung Quốc sau khi hạn ngạch được dỡ bỏ nhưng thật sự chúng tôi vẫn bị sốc vì mức tăng quá nóng này", ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam trao đổi với báo chí.

Mức tăng trưởng 6% của dệt may xuất khẩu 4 tháng đầu năm chỉ gần bằng 1/3 tốc độ của cả năm ngoái và quá thấp so với mục tiêu 18-20% năm nay. Với đà này, mục tiêu xuất khẩu 5,1-5,2 tỷ USD dệt may trong cả năm nay khó thành hiện thực.

Để tìm ra lối thoát, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chuyển sang sản xuất hàng bán thành phẩm (FOB). Theo Giám đốc Công ty TNHH may xuất khẩu Bình Hoà, ông Phùng Đình Ngọ, làm hàng FOB phải có thị trường và khách hàng. Muốn vậy, phải đầu tư nhiều tiền và thời gian cho công tác tiếp thị, đặc biệt là tiếp thị ở nước ngoài.

Nhưng theo ông Ngọ, ngay cả vốn để mua nguyên phụ liệu, thuê thiết kế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn khó xoay ra nữa là nói tới chi phí xúc tiến thương mại. "Ngân hàng cũng không dễ dàng cho vay số vốn mà mình đang cần. Bởi tài sản tín chấp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường khống đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng. Nhà xưởng cũng phải đi thuê thì lấy đâu ra tài sản để thế chấp"...

Với hơn 1.200 công nhân, công ty may Hoàn Cầu thuộc loại có quy mô khá trong ngành may trên địa bàn TP HCM. Nhưng khi đề cập đến việc làm đơn hàng bán thành phẩm, ông Võ Văn Ngân, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho rằng, từ trước đến nay các doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ đã quen với việc làm gia công cho những đơn vị lớn nên không thể chủ động được trong việc tìm kiếm bạn hàng. Nguồn vốn thiếu đã đành, nguyên phụ liệu nội địa lại rất khó tìm và giá thành còn cao hơn nguyên phụ liệu ngoại khoảng 20%.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may và Thêu đan TP HCM (Atgek) Nguyễn Đức Hoan lo âu: "Lâu nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn làm gia công là chính. Khi thị trường chuyển đổi theo xu thế hội nhập, họ trở tay không kịp, do thời gian dài chưa chủ động tìm kiếm khách hàng. Vì thế, việc chuyển qua làm hàng FOB là một vấn đề nan giải đối với họ". Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu là những đơn vị vừa và nhỏ. Điển hình, tại TP HCM trong số 282 doanh nghiệp may mặc thì chỉ có 40 đơn vị có quy mô 200 máy may trở lên, phần còn lại đều là quy mô nhỏ.

MỚI - NÓNG