Dệt may: Mệt mỏi!

Dệt may: Mệt mỏi!
Chỉ tăng 0,2% trong bảy tháng đầu năm 2005, kim ngạch xuất khẩu dệt may không chỉ đang gây “sốc” cho giới doanh nghiệp mà cả chính các nhà quản lý cũng phải giật mình...

So với kế hoạch đặt ra 5,2-5,4 tỉ USD cho cả năm 2005, bảy tháng đầu năm 2005 kim ngạch dệt may chỉ đạt 2,54 tỉ USD. Thời gian còn lại mục tiêu cả năm sẽ khó thực hiện vì còn quá nhiều cản ngại.

Tình hình sút giảm này đã từng được một số chuyên gia trong ngành dự báo, song khi nhìn lại sự phát triển của ngành dệt may trong các năm qua, có thể thấy mô hình phát triển vẫn không khác gì nhiều. Vẫn chỉ là mở rộng qui mô và đầu tư nhiều vào ngành may hơn là dệt và phụ liệu.

Ngành dệt may sử dụng hàng triệu lao động nhưng chỉ nâng cao tay nghề theo kiểu “anh truyền, em nối” chưa có trường lớp đào tạo bài bản, tình trạng thiếu lao động có tay nghề tiếp tục là chuyện phổ biến.

Tỉnh nào cũng đầu tư vào ngành may mặc để giải quyết bài toán lao động, dẫn đến tình trạng lao động ngành may từ TPHCM và các tỉnh lân cận rút về các tỉnh miền Trung và Bắc một cách ồ ạt.

Cái vòng luẩn quẩn tiếp tục gây nhức đầu không chỉ cho bản thân DN mà cả với lãnh đạo ngành dệt may: thiếu lao động, không có đơn hàng - có đơn hàng, không có lao động.

Tại hội nghị của ngành dệt may do liên bộ Thương mại, Công nghiệp và Hiệp hội Dệt may VN tổ chức cuối tháng bảy tại Hà Nội, ông Lê Quốc Ân - chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN - cho biết: “Để giải quyết vấn đề thiếu lao động cục bộ tại TP.HCM và các tỉnh phụ cận, về lâu dài cần qui hoạch và di dời ngành sản xuất may về một số vùng phù hợp. Không nên để các nhà máy dệt và may gia công tập trung phát triển mạnh ở đô thị như hiện nay”.

Việc đầu tư quá nhiều vào ngành may và đầu tư theo kiểu “rải mành mành” (mỗi tỉnh, thành phố đều có ít nhất hai nhà máy may) đã khiến các ngành công nghiệp hỗ trợ khó lòng theo kịp vì không thể tính được sẽ đặt nhà máy ở đâu, hỗ trợ như thế nào cho phù hợp với qui mô phát triển của tỉnh, vùng đó.

“Chúng ta không phát triển theo mô hình phát triển như Nhật, Hàn Quốc hoặc Đài Loan là đi từ may sau đó phát triển sang dệt, từ những tích lũy này sẽ chuyển dần sang những ngành có hàm lượng chất xám cao khác”, một chuyên gia lâu năm trong ngành dệt may VN nhận xét.

Cạnh tranh yếu, hoạch định chưa rõ ràng

VN chưa là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên chưa có nhiều những đơn hàng thật sự lớn. Thế nên sau khi dỡ bỏ chế độ hạn ngạch, “cơn sóng thần” Trung Quốc đã tung hoành về khả năng đáp ứng bất kỳ đơn hàng nào, bất kỳ qui mô nào trong thời gian rất ngắn.

Trong khi đó, ngành dệt may VN chưa cải thiện hơn so với năm năm trước, thậm chí một số chi phí có xu hướng đắt đỏ hơn, như phí thuê văn phòng, vận chuyển, điện… Dệt may VN đến nay chủ yếu vẫn còn làm gia công, tích lũy chẳng được bao nhiêu, giá trị ngoại tệ thu về thấp, song đã bắt đầu có dấu hiệu sút giảm do sức cạnh tranh yếu.

Nhưng cách tháo gỡ ra sao, vị thế của ngành sẽ như thế nào… cho đến nay chưa được xác định rõ.

Các chuyên gia trong ngành đề nghị rằng nếu dệt may là ngành được xác định cần đẩy mạnh, hàng loạt giải pháp phải được giải quyết cụ thể ở các cấp trung ương, địa phương, hiệp hội, DN. Còn nếu không xem đây là ngành kinh tế chủ chốt, cần sớm có cách giải quyết để xã hội bớt đầu tư nhằm tránh lãng phí như thời gian qua.

Trong khi mục tiêu đạt 5,2-5,4 tỉ USD của năm còn quá xa vời, giữa giới DN và các cấp quản lý vẫn còn “hục hặc” nhau về cách điều hành, phân bổ lẫn điều tiết hạn ngạch.

Từ nay đến cuối năm, cảnh “hục hặc” này dự kiến sẽ còn diễn ra, do khá nhiều quyết định liên quan đến chính sách hạn ngạch hiện đang vấp phải sự phản ứng của các DN vì cứ thay đổi như chong chóng.

MỚI - NÓNG