Đi chợ ngoại ở Sài Gòn

TP - Muốn thưởng thức món cơm trộn truyền thống của xứ Kim chi, rượu sa kê của đất nước mặt trời mọc hay thịt xông khói của xứ sở Bạch Dương... không cần phải lặn lội đến Hàn Quốc, Nhật Bản và nước Nga xa xôi.

Những khu chợ Tây ở Sài Gòn không chỉ là nơi mua sắm mà còn là “điểm hẹn” của các du khách và cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam.

Đi chợ ngoại ở Sài Gòn ảnh 1

Chợ Hàn bên hông chợ thịt chó


Chiều cuối năm Giáp Ngọ, nhiều du khách Hàn Quốc tản bộ tham quan chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), một trong những chợ lâu đời ở Sài Gòn mà người dân vẫn quen gọi là chợ Ông Tạ với đặc sản thịt chó nổi tiếng từ trước ngày giải phóng. Họ đến đây để tham quan, thăm hỏi người quen đang buôn bán ở khu chợ Hàn Quốc.

Nằm trên đường Tân Sơn Hòa cạnh chợ Ông Tạ, hơn chục cửa hiệu chuyên bán đồ lưu niệm, thực phẩm Hàn Quốc hoạt động khá nhộn nhịp, sầm uất. Ngoài các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, giày dép, đồ lưu niệm, khu chợ này còn bán nhiều loại thực phẩm và đặc sản của Hàn Quốc mà nhiều nơi khác không có như kim chi, ớt khô, rong biển, mì Hàn Quốc…

Chị Oanh, quản lý cửa hàng mỹ phẩm cho biết các cửa hàng Hàn Quốc hầu hết do người Việt đứng tên nhưng chủ nhân thực sự lại là những thương nhân xứ Kim chi quyết định gắn bó và làm ăn lâu dài ở Việt Nam.

Sài Gòn còn có nhiều khu chợ nước ngoài khác khu chợ Nhật Bản trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1), chợ Campuchia trên đường Lê Hồng Phong (quận 10). Chợ Nhật Bản bán khá nhiều loại thực phẩm xuất xứ từ Nhật như mì Zauo Soba, cá bào, bột cá,… Người dân và du khách yêu mến nước Nhật còn có thể thưởng thức các món ăn truyền thống của xứ mặt trời mọc tại các nhà hàng, quán ăn mang đậm phong cách Nhật Bản.

“Liên Xô tan rã nhưng tình cảm của những người từng chung một tổ quốc thì không ai có thể chia cắt”. 

Natasha, một du khách Ukraina

Chợ Campuchia bán đủ các món ăn như bún cá Nam Vang, chè thốt nốt, đặc biệt là các đặc sản cá khô nổi tiếng của xứ chùa tháp như khô sủ, khô cá tra Biển Hồ. Người buôn bán trong chợ hầu hết là người Việt từng sinh sống tại Campuchia nên nói tiếng Campuchia như gió.

Bề thế nhất là chợ Nga trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1). Chợ có trên 150 ki ốt, nhà hàng, quán cá phê, siêu thị mang đậm phong cách Nga. Ông Vũ Ánh Dương, quản lý chợ cho biết, chợ Nga có riêng một cửa hàng chuyên nhập các sản phẩm từ xứ sở Bạch Dương.

Ngoài các mặt hàng mùa đông, chợ còn bán lẻ các loại thực phẩm Nga, đồ lưu niệm, sản phẩm thời trang như giày dép, quần áo, túi xách. Nguồn hàng được cung cấp từ các thương nhân nước ngoài và người Việt từng sinh sống tại Nga và các nước Đông Âu cũ. Họ “đánh” hàng Việt về Nga rồi lại đưa hàng Nga sang Việt Nam. Những người kỳ cựu ở chợ nói tiếng Nga thông thạo như người bản ngữ.

Ấm áp, sẻ chia không biên giới

Chợ Nga ra đời năm 1990 đúng vào những thời khắc cuối của nước Cộng hòa Liên bang Xô Viết (Liên Xô). Ngày ấy, chợ Nga gọi là chợ Liên Xô đóng tại thương xá Tax (đường Lê Lợi, quận 1). Các hoạt động chủ yếu là xuất khẩu hàng may mặc, lương thực thực phẩm đi Nga rồi nhập về máy móc, thiết bị hiện đại. Chợ suýt bị khai tử vì giá thuê mướn mặt bằng quá cao, phải di chuyển địa điểm nhiều lần.

Năm 2009, ông Nguyễn Mạnh Tòng, Chủ tịch HĐQT công ty Tống Linh Giang, một cựu du học sinh Nga đã quyết định tập hợp và bố trí địa điểm kinh doanh ổn định cho bà con tiểu thương. Chợ chính thức mang tên chợ Nga từ lúc ấy.

Ông Vũ Ánh Dương cho biết ngoài hoạt động tham quan, mua sắm, chợ còn là điểm hẹn của những người tha hương và những người Việt Nam từng gắn bó và xem nước Nga như quê hương thứ hai gặp nhau vào mỗi dịp cuối tuần. Nhiều người đưa cả gia đình đến đây gặp gỡ bạn bè, hàn huyên với những du khách vừa sang Việt Nam để tìm hiểu, nắm bắt tình hình ở quê nhà.

Những ngày đất nước Ukraina rơi vào khủng hoảng, nước Nga bị phương Tây bao vây, cô lập, chợ Nga trở nên trầm lắng hơn. Các thương nhân Nga, Ukraina không chỉ tâm trạng ngổn ngang trước tình trạng đồng rup đang mất giá ảnh hưởng trực tiếp đến các thương vụ xuất nhập khẩu mà còn lo lắng khôn nguôi về cuộc sống và sự an nguy của người thân đang ở quê nhà, đặc biệt là những khu vực đang có chiến sự ác liệt.

Cảm động nhất vẫn là sự thăm hỏi, chia sẻ, cảm thông giữa các thương nhân và du khách dù chính quyền ở đất nước họ có thể đang ở thế đối đầu hết sức căng thẳng.

Chị Natasha, một du khách Ukraina nói: Chúng tôi chỉ là những công dân bình thường, lương thiện. Liên Xô tan rã nhưng tình cảm của những người từng chung một tổ quốc thì không ai có thể chia cắt. 

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG