Đi mua... lời hứa

Đi mua... lời hứa
TP - TGĐ Vietcombank cho biết sớm nhất đến tháng 7/2007 mới phát hành CP. Còn Incombank dự kiến đến quý 4, Mobifone chưa xác định chính xác thời gian... Nhưng trên thị trường OTC đã bắt đầu mua bán “quyền” mua các CP được dự đoán là rất “hot” trên.
Đi mua... lời hứa ảnh 1

Không chỉ các loại cổ phiếu trên mà nhiều loại cổ phiếu khác chưa thấy mặt mũi ra sao cũng đã được chào bán rầm rộ.

Lần theo những lời rao bán “lời hứa được quyền mua”, quả là có khá nhiều điều “thú vị”.

Ngày 20/3, Tổng giám đốc Vietcombank (VCB) Vũ Viết Ngoạn nói sẽ bán cổ phiếu chậm nhất vào tháng 8/2007 thì sáng 21/3 đã xuất hiện rao vặt  “chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu VCB với giá hấp dẫn...”.

Qua số điện thoại chủ nhân dòng quảng cáo trên, chúng tôi đã tiếp xúc với Nguyễn Hữu A., người tự giới thiệu là “chị ruột tôi làm tại VCB TPHCM 15 năm rồi, sẽ được ưu tiên mua từ 5.000 - 10.000 cổ phiếu VCB với giá ưu đãi”. Do chưa biết giá cả ra sao nên “chị tôi chỉ bán quyền mua với giá trọn lô 100 triệu đồng, còn khi VCB chốt giá nào anh mua giá ấy”.

Thủ tục được A giới thiệu khá đơn giản: Đặt cọc 20 triệu đồng, chị của A. sẽ làm cam kết chỉ bán cho người đặt cọc nếu được quyền mua cổ phiếu ưu đãi của VCB, khi nào VCB chính thức bán ưu đãi cho CBCNV đặt tiếp 30 triệu, khi có sổ cổ đông nộp 30 triệu và khi sang tên xong nộp hết.

Nhưng A. và bà chị của anh ta qua điện thoại không dám chắc số lượng, thời gian, hình thức... bán cổ phiếu của ngân hàng mà mình làm việc 15 năm nên chỉ bán quyền mua và tiết lộ: “Chắc chắn chỉ bằng 1/3 giá thị trường, cơ quan tôi cũng có mấy người cần tiền bán như thế”.

Thấy chúng tôi chần chừ, A. điện cho cô bạn tên Thủy, giới thiệu làm tại Incombank TP HCM và Thủy cũng chào bán quyền mua cổ phiếu Incombank nhưng giá mềm hơn: Chỉ có 50 triệu đồng vì “em làm được 12 năm nghe nói chỉ được mua 5.000 cổ phiếu”.

Tuy nhiên qua xác minh tại VCB lẫn Incombank thì cả hai ngân hàng này chưa có kế hoạch, phương thức bán cổ phiếu vì theo lời của một lãnh đạo VCB TPHCM: “Chúng  tôi chưa cổ phần hóa xong thì làm sao có kế hoạch, phương án phát hành cổ phiếu được”.

Vị này cho biết cũng nghe râm ran việc CBCNV VCB rao bán quyền mua cổ phiếu VCB nhưng “có thể có một vài người lợi dụng để chiếm dụng vốn, thậm chí lừa đảo vì hứa hẹn như vậy có giá trị pháp lý gì đâu”.

“Quyền mua cổ phiếu của một trưởng phòng Mobifone có thâm niên 10 năm giá 120 triệu” là quảng cáo chúng tôi gặp trên một trang web chuyên về chứng khoán ngày 21/3/2007. Chủ nhân của quảng cáo này đưa danh thiếp là “nhà đầu tư chứng khoán Hoàng L.” và khẳng định “không cần đặt cọc, anh có muốn mua tôi đưa đi gặp vị anh trưởng phòng bạn tôi”.

Nhưng vị “trưởng phòng” chúng tôi gặp luôn lảng tránh khi được hỏi về công việc của mình tại Mobifone. Thế nhưng anh ta lại nói: “Anh cứ đến nhà tôi đặt cọc 20 triệu, tôi làm ở đó tôi biết tháng 9/2007 là xong, anh trả 50 triệu nữa và khi nào xong sổ anh cầm về đưa nốt tiền cho tôi”.

“Trưởng phòng” này còn khoe: “Đây là số điện thoại của tôi 09034567xx, dân ngoài Cty đâu ai có được”. Sáng 22/3, chúng tôi còn nhận được 3 cuộc gọi mời chào mua “quyền mua cổ phiếu Mobifone, nếu anh chậm chân 2 tháng nữa giá lên gấp đôi”.

Chưa cổ phần hóa đã chia cổ tức 50%!

Những lời hứa trên với ai dám mua có lẽ cũng giống như “mua vịt trời”, nhưng trên thị trường OTC có lời hứa cũng “sắp” thành hiện thực. Sau khi thua trong vụ đấu giá cổ phiếu Nhà máy nhiệt điện Bà Rịa ngày 15/3/2007, anh Đặng Hồng Thắng ( P.17, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TPHCM) được Vũ Hồng C. (Cty Điện lực 2) viết giấy nhận cọc 5 triệu với lời hứa “bán toàn bộ 5.000 cổ phiếu nếu trúng thầu” vì C. tin chắc mình bỏ giá 70.500 đồng/ cổ phiếu sẽ trúng.

Ngày 18/ 3, C. báo mình trúng thầu và yêu cầu anh Thắng đặt cọc tiếp để chuẩn bị đi đóng tiền, chờ ngày lấy sổ cổ đông! Trên trang web sanotc.com ngày 22/3/2007 có hơn 30 người rao bán những lô 5.000,10.000.15.000 cổ phiếu của Nhiệt điện Bà Rịa mà họ trúng thầu nhưng chưa thấy “mặt mũi” cổ phiếu đâu (ít nhất 2 tháng sau nếu chuyển nhượng thành công, người được hứa bán mới có thể sang tên mình).

Gần một tuần nay, trên hàng loạt trang web xuất hiện khá nhiều rao bán cổ phiếu của Ngân hàng Đại Á (Đồng Nai) với giá 70.000-82.000đồng/cổ phiếu. Người mua được hứa hẹn “cổ tức 37% cao nhất trong các ngân hàng, sẽ được mua cổ phiếu ưu đãi, giá sẽ tăng sau đại hội cổ đông cuối tháng 3/2007...”.

Liên hệ với Nguyễn Thu Thuỷ, Thư ký HĐQT Ngân hàng Đại Á, cô cho biết: “Chưa có gì chính thức cả anh à, đại hội cổ đông vào tháng 4 mới quyết định”.

Không chỉ Đại Á mà hàng loạt ngân hàng khác như Phương Nam, Việt Á, G- Bank, Cổ phần Quân đội... thậm chí Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL dự kiến đầu tháng 6/2007 mới trình phương án cổ phần hóa nhưng  vẫn được hứa hẹn “ cổ tức 20-50% bằng cổ phiếu, giá sẽ tăng 30% sau đại hội cổ đông”. Vậy mà vẫn có người bán “lời hứa” thành công, chuyện tưởng như đùa nhưng đang có thật trên thị trường OTC!

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.