Đi thăm các “VIP” đà điểu

Đi thăm các “VIP” đà điểu
Đàn đà điểu của Việt Nam (VN) nay đã phát triển lên tới trên 4.000 con và đang hứa hẹn “khai sinh” ra một ngành chăn nuôi mới mang lại giá trị kinh tế cao cho đất nước

Kể từ năm 1996, khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong một chuyến công du châu Phi, thấy người ta nuôi đà điểu dễ và giá trị kinh tế rất cao, ông bèn cho nhập về 100 trứng đà điểu giao cho Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi Quốc gia) ấp nở và nuôi thử nghiệm được 38 đà điểu con, đến nay đàn đà điểu của Việt Nam (VN) đã phát triển lên tới trên 4.000 con và đang hứa hẹn “khai sinh” ra một ngành chăn nuôi mới mang lại giá trị kinh tế cao cho đất nước.

“Đại bản doanh” của đàn đà điểu giống số 1 Việt Nam

Trại Nghiên cứu đà điểu (NCĐĐ) được thành lập năm 1997, sau khi Nhà nước chính thức phê duyệt Dự án Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi đà điểu ở Việt Nam. Toàn bộ diện tích khu trại khoảng 15 ha, nằm gần chân núi Ba Vì (Hà Tây).

Trại trưởng Bạch Mạnh Điều cho biết, cùng với 38 đà điểu con ban đầu, năm  1998 trại nhập thêm 150 đà điểu bố mẹ gốc từ Australia. Trong những năm qua đã có trên 3000 đà điểu giống đã được ấp nở từ đây và được cung cấp cho các trang trại chăn nuôi ở 23 tỉnh thành thuộc các vùng sinh thái khác nhau trên cả nước.

Đi thăm các “VIP” đà điểu ảnh 1
Sản phẩm mỹ nghệ chế tác từ vỏ trứng đà điểu.                      Ảnh: Phương Thảo

Tại thời điểm này, trại có gần 1000 con giống từ  mới nở đến 10 tháng tuổi, mỗi con đều có hồ sơ, lý lịch rõ ràng. Thật thú vị khi bạn được mục kích một số lượng lớn như vậy loài chim chạy được coi là to lớn nhất trên trái đất hiện nay.

Con trống lớn nhất ở đây có chiều cao hơn 2 m, nặng khoảng 140 kg; con mái thường cao 1,7-1,9 m và nặng khoảng 110 kg. Chúng có đôi chân dài, chắc, khỏe, có thể chạy với tốc độ 50-60 km/h, khi nước rút có thể vọt tới 70 km/h với sải chân dài 3,3 - 3,5 m.

Mỗi “gia đình” đà điểu ở đây gồm 1 đà điểu trống và 2 đà điểu mái, sở hữu một lô đất khoảng 300 m2 có rào mắt cáo bao quanh. Theo anh Điều thì đà điểu là giống ưa chạy, chúng càng chạy nhiều thì cặp đùi càng săn chắc và thịt càng thơm ngon.

Trại có 60 cán bộ công nhân viên, trong đó 17 cán bộ nghiên cứu có trình độ đại học trở lên, gồm 1 tiến sĩ, 2 thạc sĩ và 2 người đang chuẩn bị bảo vệ thạc sĩ... Như vậy là lần đầu tiên, VN đã có đội ngũ chuyên gia nghiên cứu sâu về đà điểu, chuẩn bị cho một ngành chăn nuôi mới trong tương lai.

Trại trưởng Bạch Mạnh Điều dẫn chúng tôi qua một “đường hầm” ngoắt ngoéo có hệ thống ống phun thuốc sát trùng như mưa phùn. Anh giải thích: “ Từ khi có dịch cúm gia cầm, mặc dù trên cả nước chưa phát hiện trường hợp nào đà điểu bị lây nhiễm, nhưng để đề phòng thì việc thay quần áo, giày ủng và tẩy trùng trước khi vào khu chăn nuôi là quy định bắt buộc đối với cán bộ nhân viên ở đây”.

Cách đây vài năm, khu trại chỉ được bảo vệ bằng hàng rào đơn giản, từ ngoài đường cũng có thể xem đà điểu chạy nhảy trong khu nuôi dưỡng. Nhưng từ ngày dịch cúm gia cầm bùng phát thì đà điểu ở đây được bảo vệ như “VIP”. Khu trại được xây tường kín bao quanh, cách ly với các loại gia cầm, chó mèo, lợn quanh vùng... để loại trừ mầm bệnh có thể từ bên ngoài vào. Các trang thiết bị mới vận chuyển tới cũng được khử trùng trước khi sử dụng.

Đối với những bệnh truyền nhiễm của đà điểu, nếu có thể tiêm vacxin hoặc dùng kháng sinh phòng bệnh thì đều được tuân thủ nghiêm ngặt theo định kỳ. Đặc biệt trại rất hạn chế lượng khách tới tham quan, trừ khi được phép của lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (TTNCGC).

Sản phẩm từ đà điểu và giá trị kinh tế của chúng

Chị Nguyễn Thị Quảng, Trưởng phòng nghiệp vụ TTNCGC Thuỵ Phương, phụ trách cửa hàng “giới thiệu sản phẩm từ đà điểu” tại số nhà 145 Kim Mã - Hà Nội, cho biết: sản phẩm giá trị đầu tiên phải kể đến là thịt.

Thịt đà điểu ăn rất thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt là không có gân và hàm lượng cholesterol rất thấp, có thể thay thế cho thịt bò, thịt lợn. Hiện có khoảng 20 nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội đã trở thành khách hàng thường xuyên mua thịt đà điểu của cửa hàng với giá 200 ngàn đồng/kg.

Tại TP Hồ Chí Minh, giá 260-270 ngàn đồng/kg. Thịt đà điểu được đánh giá là “thịt sạch của thế kỷ 21” với giá bán trên thị trường quốc tế là 25-30 USD/kg.

Tiếp theo phải kể đến da đà điểu, được đánh giá là đẹp và bền hơn da cá sấu, được dùng để sản xuất các vật dụng thời thượng (túi, ví, áo da, giày da v.v…).

Trên thị trường quốc tế, 1m2 da đà điểu có giá 400 USD. Tại Mỹ, một tấm da rộng 1,2 - 1,4m2 giá 550 - 580 USD, một đôi giày bằng da đà điểu giá 2.000 USD. Tại cửa hàng 145 Kim Mã, giày da đà điểu có “giá rẻ giật mình”, chỉ từ 2 đến 3 triệu đồng/đôi, có ông khách Đài Loan mua liền mấy đôi. Cũng đôi giày này thì ở Nha Trang, nơi có nhiều khách du lịch, được bán với giá 5 triệu đồng.

Lông đà điểu cũng là thứ có giá trị cao. Tại châu Âu, 1 kg lông thô giá 100 USD, 1 kg lông tơ giá 2.000 USD. Lông đà điểu không tạo thành dòng tĩnh điện, vì vậy nó đang được sử dụng nhiều trong kỹ thuật tin học, làm bàn chải lau chùi máy vi tính và các thiết bị chính xác khác.

Ngoài ra, vỏ trứng, móng vuốt đà điểu đều có thể làm đồ trang sức và tác phẩm mỹ nghệ. 1 trứng tươi giá 80 ngàn đồng; 1 vỏ trứng 60 ngàn; những vỏ trứng đã được chế tác thành hàng mỹ nghệ có giá từ 120 đến 600 ngàn (ở châu Phi giá 80 USD); một bình “rượu ngọc đà điểu” 5 lít (ngâm hai đôi cà đà điểu) có giá 1,5 triệu đồng... 

Tóm lại, tất cả các bộ phận từ con đà điểu đều có giá trị, có thể nói là “không có gì bỏ đi”. Tuy nhiên, theo chị Quảng thì người Việt chưa có thói quen sử dụng các sản phẩm từ đà điểu, khách  hàng chủ yếu vẫn là người nước ngoài, họ khen ở đây giá rẻ …

Triển vọng phát triển chăn nuôi đà điểu ở Việt Nam

Trên thế giới, hiện châu Phi đang dẫn đầu về số lượng chăn nuôi đà điểu với 670.000 con. Châu Âu không những là thị trường chính tiêu thụ thịt đà điểu từ châu Phi mà nhiều nước cũng tổ chức phát triển chăn nuôi, tiêu thụ ngay trên đất nước mình.

Châu Âu hiện có khoảng 6.500 trang trại với tổng đàn sinh sản hơn 50.000 con. Bắc Mỹ, Australia cũng có nhiều khu chăn nuôi tập trung với số lượng lớn. Châu á trong 2 thập niên qua, tốc độ phát triển đà điểu tăng rất mạnh, ví dụ Israel chỉ đứng sau Nam Phi; Trung Quốc hiện có gần 100.000 con v.v...

Thị trường thế giới hiện cần 10 triệu con đà điểu/năm, song đến nay, sản phẩm từ đà điểu còn thiếu hụt nhiều so với nhu cầu. Ví dụ ở Châu Âu, nhu cầu thịt đà điểu cao gấp 3-4 lần khả năng cung cấp. Vì vậy, giá bán giống rất cao, khoảng 70 USD/1 trứng giống; 100 USD/1đà điểu con mới nở và 350-450 USD/1 đà điểu giống 3 tháng tuổi.

Theo dự đoán của các chuyên gia thì trong tương lai, việc nuôi đà điểu ở VN sẽ phát triển mạnh. Bởi VN có điều kiện thuận lợi, có rất nhiều vùng sinh thái chưa phát huy hết tiềm năng như đồi núi trung du các tỉnh phía Bắc, các vùng bãi cát hoang hóa thuộc duyên hải miền Trung-Nam bộ... là những nơi rất thích hợp cho việc chăn nuôi đà điểu với số lượng lớn. Các chuyên gia cho biết, nuôi đà điểu không khó, vì thức ăn của chúng rất đơn giản và sẵn có (ngũ cốc, rau, cỏ, ngô, cám và thức ăn tổng hợp của gà).

Ngoài ra, khả năng thích nghi của chúng rất cao, chúng có thể sống trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt từ -30 đến +40 độ C mà không cần chuồng trại gì hết. 10-12 tháng tuổi đà điểu đã cho thu hoạch (100-110 kg/con), trừ mọi chi phí thì người nuôi có thể lãi từ 1,5 đến 2 triệu đồng/con. Nuôi đà điểu sinh sản còn lãi hơn.

Một đà điểu mẹ đẻ 40 - 50 trứng/năm, tỷ lệ ấp thành công là 20 - 25 đà điểu con, tức mỗi năm nó có thể sản xuất ra 2 đến 2,5 tấn thịt hơi. So với nuôi bò hay lợn thì sản lượng thịt hơi ở đà điểu là cao nhất. Lượng thịt hơi sản sinh từ 1 đời đà điểu mẹ khoảng 20 - 25 tấn (10 năm), cao gấp gần 10 lần sản lượng thịt hơi của một đời bò cái. Chỉ với một cặp đà điểu bố mẹ 2 mái 1 trống, thì người chăn nuôi có thể thu nhập 25-30 triệu đồng mỗi năm.

Anh Điều cho biết, để việc chăn nuôi đà điểu trở thành ngành chăn nuôi có quy mô lớn ở Việt Nam thì cần có thời gian. Vì đà điểu là vật nuôi mới, được đưa vào VN chưa lâu nên cần có thời gian để người nông dân làm quen và tìm hiểu về đối tượng chăn nuôi mới này.

Thực tế, việc chăn nuôi đà điểu hiện còn gặp một số khó khăn hạn chế: đà điểu không khó nuôi, không cần nhiều nhân lực, nhưng cần vốn lớn và những hiểu biết đầy đủ về kỹ thuật chăn nuôi chúng. Cung cấp giống đến đâu lại cần có cán bộ kỹ thuật tập huấn và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho bà con tới đó thì mới chắc chắn thành công.

 Nhiều bà con nông dân muốn nuôi nhưng vẫn còn e ngại trước loài chim to lớn này vì rất thiếu thông tin về nó. Song, đáng mừng là hiện nay nhiều tỉnh có tiềm năng chăn nuôi đà điểu đã rất quan tâm đến loài vật nuôi mới này.

Nhiều đại biểu nhân các kỳ họp Quốc hội đã tranh thủ đến Trại NCĐĐ Ba Vì tham quan, tìm hiểu, sốt sắng muốn xúc tiến việc phát triển chăn nuôi đà điểu ở địa phương mình.

Tuy vậy, mặc dù từ năm 2004, VN đã thành lập Hiệp hội chăn nuôi đà điểu để trợ giúp các doanh nghiệp, nhưng ở nhiều tỉnh trên cả nước, các trang trại tư nhân vẫn chỉ dám nuôi “thử” từ 10 đến 40-50 con, những trang trại nuôi từ 100 đến vài trăm con trở lên hiện chưa nhiều.

Theo dự kiến, đến năm 2010 cả nước sẽ có từ 13.000 đến 15.000 đà điểu giống sinh sản, sản xuất được tổng số 10.000 - 11.500 tấn thịt và 280.000 - 330.000 bộ da/năm, lượng thịt thương phẩm có thể xuất khẩu đạt 5.000 - 7.000 tấn.

Tương lai là vậy, nhưng theo chị Nguyễn Thị Quảng thì để việc chăn nuôi đà điểu thực sự trở thành chương trình “xóa đói giảm nghèo” rất cần có bàn tay của Nhà nước với những chủ trương, chính sách đồng bộ, dài hơi, với từng bước triển khai cụ thể: từ việc nghiên cứu, lựa chọn nguồn gien để tạo ra những giống đà điểu có năng suất cao nhất, tới quy hoạch hệ thống vùng nguyên liệu bền vững, rồi hệ thống thu mua, thị trường tiêu thụ, trang thiết bị, nhà máy sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm v.v... Nếu để tự phát, nay dân làm mai dân bỏ sẽ không phát triển được mà chỉ làm dân nghèo đi mà thôi.

Được biết chỉ trong năm nay, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức một Hội thảo toàn quốc về chăn nuôi đà điểu để mọi doanh nghiệp và đối tượng quan tâm đều có thể tham gia và tự đánh giá được lợi thế, điều kiện phát triển, tiềm năng cũng như khả năng đầu tư phát triển chăn nuôi đà điểu của mình... Qua đó Bộ sẽ có kế hoạch hỗ trợ cụ thể cho ngành chăn nuôi đà điểu của VN. Có thể coi đây là một tin vui dành cho bà con nông dân đang muốn “xóa nghèo” bằng việc chăn nuôi đà điểu.

MỚI - NÓNG