Nam Bộ

Dịch vàng lùn, lùn xoắn lá: Thiệt hại trên 1.500 tỷ đồng

Dịch vàng lùn, lùn xoắn lá: Thiệt hại trên 1.500 tỷ đồng
TP - Số liệu cập nhật của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) về diễn biến dịch bệnh hại lúa (rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá) khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ được công bố khiến dư luận lo ngại.

Trong khi đó, người dân nhiều địa phương đi ngược khuyến cáo và hướng dẫn của ngành Nông nghiệp…

Dịch vàng lùn, lùn xoắn lá: Thiệt hại trên 1.500 tỷ đồng ảnh 1
Lúa nhiễm bệnh, nông dân điêu đứng

Cấp bách và nghiêm trọng

Đó là đánh giá của ông Nguyễn Hữu Huân - Trưởng ban chỉ đạo phòng chống rầy nâu các tỉnh ĐBSCL, khi trao đổi với Tiền phong chiều 23/10.

Cũng theo ông Huân, diện tích nhiễm rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá đã lên mức báo động.

Số liệu mới nhất, diện tích lúa nhiễm bệnh của toàn vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ từ đầu năm đến nay đã lên hơn 103.000 ha, trong đó có trên 70% nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.

Riêng trà lúa hè – thu và thu - đông đã có 72.000 ha nhiễm bệnh. Như vậy, tỷ lệ lúa nhiễm bệnh toàn vùng đã trên 10%, vượt gấp đôi mức phải công bố dịch.

Đáng lo, diện tích lúa nhiễm bệnh vẫn liên tục phát sinh tại nhiều tỉnh, thành: Bến Tre, Long An, Tiền Giang, TPHCM, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước…

Nguy cơ đe dọa an ninh lương thực ngày càng hiện hữu, khi người nông dân và một số địa phương quá chủ quan trong công tác phòng chống dịch.

Trong khi Cục BVTV và các nhà chuyên môn khuyến cáo nông dân giãn vụ, cắt vụ để hạn chế sự tồn tại và lây lan của rầy nâu và virus gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá thì nhiều người dân các tỉnh, thành trên vẫn không màng tới.

Dù chưa thu hoạch xong lúa hè - thu và thu - đông nhưng bà con các tỉnh Long An, Sóc Trăng, Kiên Giang và Hậu Giang đã xuống giống trên 100.000 ha.

Lập tức, trên 7.500 ha trà lúa đông- xuân sớm này đã nhiễm bệnh vàng lùn. Như vậy, chỉ riêng tỉnh Long An, nếu tính cả lúa mùa thì diện tích lúa nhiễm bệnh đã gần 12.000 ha, chiếm gần 20% tổng diện tích lúa.

Cùng đó, Cục BVTV dự báo sắp có lứa rầy nâu nở rộ có nguy cơ lây lan khắp các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ. Cứ đà này, rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá sẽ bùng phát trở lại.

Cần nhớ, đầu vụ hè - thu trước đó, diện tích lúa nhiễm bệnh phát ở Long An và Đồng Tháp chỉ trên 400 ha nhưng 5 tháng sau, diện tích này đã tăng lên 46.000 ha, tức là gấp 10 lần và nay đã lan khắp các tỉnh, thành phía Nam.

Đe dọa cả xuất khẩu và an ninh lương thực

Sau khi đi thực tế kiểm tra tình hình tại các tỉnh, thành, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát không khỏi lo ngại khi biết được thiệt hại do rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá đã lên tới trên 1.500 tỷ đồng! Điều đáng lo ngại hơn chính là sự tích trữ mầm bệnh trên tất cả diện tích đất gieo trồng sắp tới.

Trước tình hình đó, theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, 6/17 tỉnh, thành chính thức công bố dịch để thực hiện các biện pháp đối phó triệt để, đồng bộ hơn.

Thủ tướng vừa có công điện khẩn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, Đông Nam bộ,  Nam Trung bộ, Tây Nguyên và các bộ, ngành liên quan thực hiện một số biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch bệnh. Theo đó, phát hiện kịp thời sự xuất hiện của rầy nâu để trừ diệt, không để rầy nâu phát tán mầm bệnh.

Đối với lúa nhiễm vàng lùn, lùn xoắn lá phải kiên quyết xử lý. Đặc biệt, diện tích nhiễm bệnh thuộc diện tiêu huỷ bắt buộc thì huy động mọi lực lượng để tiêu huỷ, kể cả cưỡng chế; không bỏ sót hoặc để kéo dài, nhằm cắt đứt nguồn lây bệnh trên đồng ruộng.

Hôm nay (24/10), Bộ NN&PTNT sẽ có chỉ thị yêu cầu các tỉnh, thành thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng. Đồng thời, Cục BVTV sẽ ban hành văn bản hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá trong thời điểm cấp bách hiện nay.

Trước tình hình dịch bệnh hại lúa diễn ra nghiêm trọng, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát không giấu được nỗi lo dịch bệnh ảnh hưởng sản lượng lúa đông - xuân 2006 - 2007 vì đây chính là vụ lúa phục vụ xuất khẩu.

Riêng đối với các tỉnh phía Nam, nếu diện tích vụ đông - xuân tới, lúa nhiễm rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá từ 10% trở lên thì gạo xuất khẩu  sẽ giảm 1 triệu tấn; 30% thì không còn gạo xuất khẩu; nếu trên 30% thì phải nhập khẩu gạo.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.