Dịch vụ ngân hàng: Thử "chơi" với Tây

Dịch vụ ngân hàng: Thử "chơi" với Tây
Gửi và vay tiền hiện không chỉ loanh quanh ở các ngân hàng nội địa. Vấn đề là ở sự lựa chọn ngân hàng trong nước hay chi nhánh ngân hàng nước ngoài?
Dịch vụ ngân hàng: Thử "chơi" với Tây ảnh 1
HSBC là ngân hàng đầu tiên được đặt hai máy ATM ngoài hội sở chính.

Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài thường phân ra hai loại: bán buôn hoặc bán lẻ. Những ngân hàng bán buôn chủ yếu phục vụ các công ty, các dự án. Ngân hàng bán lẻ cung cấp dịch vụ tài chính cho cá nhân. Cũng có chi nhánh ngân hàng nước ngoài hiện “ôm” luôn cả bán buôn bán lẻ.

Chẳng hạn ở ngân hàng HSBC, cá nhân có thể mở tài khoản tiền đồng, gửi tiết kiệm tiền đồng, mua chứng chỉ ngoại tệ nhưng chưa thể gửi tiết kiệm ngoại tệ. HSBC cũng nhận chi trả kiều hối, gửi tiền ra nước ngoài cho người Việt du học, du lịch, chữa bệnh… Trước đây 9/10 khách hàng cá nhân của HSBC là người nước ngoài thì nay ngược lại, người Việt chiếm 50 - 60% khách hàng cá nhân của ngân hàng.

Một số ngân hàng nước ngoài đã tự phát hành thẻ hoặc liên kết phát hành với ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, với đa số ngân hàng ngoại, phát hành thẻ chỉ là dịch vụ cộng thêm cho người nước ngoài.

Một số khách hàng đang xài dịch vụ của ngân hàng nước ngoài cho biết có ba điều cần lưu ý.

Thứ nhất, lãi suất tiền gửi VND ở ngân hàng nước ngoài thấp hơn lãi suất cùng kỳ hạn của ngân hàng trong nước.

Thứ hai, lãi suất cho vay tương đối cạnh tranh. Sự cạnh tranh này có được nhờ các ngân hàng nước ngoài huy động được nguồn vốn giá thấp.

Thứ ba, phí dịch vụ tương đối cao. Một khách hàng cho biết anh phải đóng phí thẻ thường niên 400.000 đồng/năm.

Tiếp thị “truyền miệng”

Khoảng một năm trở lại đây, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng cường tiếp thị tới cá nhân. Đối tượng trước tiên của họ là nhân viên làm việc trong các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ngoài quảng cáo trên báo chí, cách tiếp cận của họ là “truyền miệng”: một nhân viên giao dịch với ngân hàng truyền lại cho một nhân viên khác. Ban đầu là trong công ty, tiến tới ngoài công ty.

Hiện nay họ đã bắt đầu tiếp xúc với khách hàng tại các doanh nghiệp tư nhân bằng cách đến thẳng các công ty giới thiệu sản phẩm, dịch vụ. Một nhân viên đã giao dịch với ngân hàng nước ngoài nói khi cho vay, ngân hàng nước ngoài không đặt nặng chuyện thế chấp, nhưng họ tìm hiểu rất kỹ thu nhập, khả năng trả nợ của người vay.

Ông Kiều Hữu Dũng, vụ trưởng Vụ Các ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước nhận xét trong tiếp cận tín dụng, thủ tục cho vay của các ngân hàng nước ngoài cũng khá phức tạp.

Trao đổi về việc các ngân hàng nước ngoài chưa được nhận tiền gửi ngoại tệ từ cá nhân, ông Dũng nói điều này chỉ diễn ra sau năm 2010 vì “chúng ta không thể không bảo hộ hệ thống ngân hàng Việt Nam còn quá non trẻ, chưa đủ mạnh về tài chính, công nghệ”.

Ngoài ra, theo ông Dũng, các ngân hàng nước ngoài còn chịu hạn chế trong việc mở các điểm giao dịch. Có thể hiểu là nếu được nhận tiền gửi ngoại tệ từ cá nhân, rất dễ xảy ra khả năng khách hàng gửi tiền ở Việt Nam và rút tiền ở nước ngoài. Việc gửi tiền một nơi, rút tiền nhiều nơi là “kỹ thuật” không khó với các ngân hàng nước ngoài.

Nếu so sánh kỹ, không phải tất cả các dịch vụ của ngân hàng nước ngoài đã tốt hơn ngân hàng trong nước, kể cả về phí. Bên cạnh đó, còn có những hạn chế nhất định liên quan tới khung pháp lý về cung cấp dịch vụ trọn gói, về địa bàn hoạt động nên dịch vụ, sản phẩm của ngân hàng nước ngoài còn chưa phổ biến, chưa rộng khắp.

Điều này sẽ được gỡ bỏ dần và với tâm lý “sính ngoại” vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân, sẽ ngày càng có nhiều người Việt giao dịch với ngân hàng nước ngoài. Đây là thách thức lớn cho ngân hàng nội địa.

Theo Hải Lý
SGTT

MỚI - NÓNG