Điểm mới về Kế toán Ngân sách Nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước

Điểm mới về Kế toán Ngân sách Nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước
Để triển khai thực hiện Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN (Nghị định 11), ngày 31/3/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 19/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN (Thông tư 19).

Những nội dung được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 19 mang tính cải cách, thống nhất với Nghị định 11 và quy trình thống nhất đầu mối kiểm soát chi tại KBNN với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong quá trình giao dịch với KBNN.

Với mục tiêu hoàn thiện chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN đảm bảo tính toàn diện, đầy đủ và khả thi, Thông tư 19 đã sửa đổi, bổ sung một số điểm chủ yếu như sau:

Về điều kiện chuyển đổi chứng từ giấy và chứng từ điện tử: Thông tư 19 sửa đổi Khoản 1, Khoản 2, Điều 20 Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/07/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN (Thông tư 77) về các điều kiện cần đáp ứng khi chuyển đổi từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy và chứng từ giấy sang chứng từ điện tử thực hiện tham chiếu đến quy định tại Điều 6, Điều 7 của Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24/12/2018 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.

Về quy định số trang của một chứng từ điện tử: Thông tư 19 bổ sung quy định về việc không giới hạn số lượng trang trên một chứng từ chi điện tử trên dịch vụ công tại Điểm đ Khoản 3, Điều 22 Thông tư 77 quy định chứng từ chi chỉ được lập tối đa trên 2 trang của một tờ giấy để tránh rủi ro, lợi dụng làm giả chứng từ. Tuy nhiên, khi KBNN cung cấp dịch vụ công để giao dịch với các đơn vị, do khi gửi chứng từ qua dịch vụ công được thủ trưởng và kế toán trưởng đơn vị ký số cho toàn bộ chứng từ và hồ sơ gửi kèm nên không xảy ra trường hợp rủi ro các liên chứng từ không có chữ ký của chủ tài khoản và kế toán trưởng bị tráo đổi với mục đích gian lận như đối với trường hợp chứng từ giấy. Vì vậy, không cần giới hạn số lượng trang trên một chứng từ điện tử và quy định này cũng đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Giao dịch điện tử.

Về thẩm quyền Tổng Giám đốc KBNN đối với việc xây dựng tổ hợp tài khoản kế toán: Thông tư 19 bổ sung quy định về thẩm quyền Tổng Giám đốc KBNN tại Điều 29 về nguyên tắc xây dựng tổ hợp tài khoản kế toán theo hướng giao Tổng Giám đốc KBNN căn cứ các cơ chế chính sách được ban hành, chịu trách nhiệm quy định cấp mới, bổ sung, sửa đổi giá trị của các đoạn mã tài khoản kế toán để nhập vào TABMIS.

Về thời điểm chốt số liệu báo cáo thu, chi NSNN: Thông tư 19 sửa đổi thời điểm chốt số liệu báo cáo thu, chi NSNN đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán là đến hết ngày 31/01 năm sau tại Khoản 2, Điều 61 Thông tư 77 để phù hợp với quy định của Luật NSNN năm 2015.

Về các chức danh của ngân hàng trên mẫu biểu chứng từ: Thông tư 19 bãi bỏ các chức danh của ngân hàng trên mẫu chứng từ vì hiện nay KBNN đã thực hiện thanh toán điện tử 100% với ngân hàng để thống nhất với các chứng từ được ban hành tại Nghị định 11. Trường hợp xảy ra sự cố, phải thực hiện thanh toán thủ công, KBNN nơi giao dịch lập Bảng kê chứng từ thanh toán (dùng trong trường hợp thanh toán thủ công) gửi ngân hàng để thanh toán.

Về quy định chức danh ủy quyền kế toán trưởng: Thông tư 19 sửa đổi Khoản 5, Điều 79 Thông tư 77 về nghiệp vụ kế toán trưởng KBNN do Giám đốc KBNN cấp tỉnh quyết định chức danh ủy quyền kế toán trưởng cho người thực hiện nhiệm vụ kế toán tại KBNN cấp tỉnh và các cấp huyện; đối với KBNN cấp huyện có thể giao nhiệm vụ cho 1 hoặc nhiều hơn 1 cán bộ (tùy thuộc vào quy mô hoạt động của đơn vị) giúp việc cho kế toán trưởng.

Về mẫu biểu chứng từ: Thông tư 19 sửa đổi, bổ sung các chứng từ kế toán để thống nhất với Nghị định 11 bao gồm:

Quy định áp dụng các mẫu chứng từ được ban hành theo quy định tại Nghị định 11.

Sửa đổi, bổ sung một số mẫu chứng từ đã ban hành kèm theo Thông tư  77 để phù hợp với thực tế (việc sửa đổi các mẫu biểu chứng từ này thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tài chính và không liên quan đến các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc), cụ thể:

Lệnh hoàn trả thu NSNN (Mẫu số C1-04/NS), Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ thu NSNN (Mẫu số C1-05/NS): Bổ sung thông tin về người nhận tiền hoàn thuế trong trường hợp người nhận tiền ủy quyền cho người khác, bổ sung chỉ tiêu nội dung chi trả lãi trong trường hợp có phát sinh lãi phải trả; sửa nội dung “Chi hoàn thuế giá trị gia tăng” thành “Chi hoàn thuế” để phục vụ cho cả việc chi hoàn trả các khoản thu theo cơ chế đặc thù. Giấy đề nghị điều chỉnh thu NSNN (Mẫu số C1-07a): Bổ sung số và ngày Lệnh hoàn trả thu NSNN để phục vụ cho trường hợp điều chỉnh Lệnh hoàn trả thu NSNN; Giấy đề nghị điều chỉnh thu NSNN (Mẫu số C1-07b): Bổ sung mã địa bàn hành chính để phục vụ cho việc điều chỉnh số liệu theo mã địa bàn.

Phiếu điều chỉnh số liệu ngân sách (Mẫu số C2-10/NS), Giấy đề nghị thu hồi ứng trước vốn đầu tư (Mẫu số C3-03/NS), Giấy nộp trả vốn đầu tư (Mẫu số C3-04/NS), Phiếu điều chỉnh các khoản chi NSNN (Mẫu số C3-05/NS), Phiếu điều chỉnh (Mẫu số C6-09/NS), Giấy đề nghị tạm cấp dự toán ngân sách (Mẫu số C6-13/NS): Thống nhất về các chức danh ký trên chứng từ như các chứng từ được ban hành tại Nghị định 11.

Gộp một số mẫu chứng từ để giảm số lượng: Lệnh chi tiền (Mẫu số C2-01c/NS) với Mẫu C2-01a/NS; Giấy nộp trả kinh phí cho ngân sách cấp huyện (Mẫu số C2-05c/NS) với Giấy nộp trả kinh phí cho ngân sách cấp trên (Mẫu số C2-05b/NS); Giấy rút dự toán bổ sung từ ngân sách cấp trên (C2-11a/NS) với Giấy rút dự toán bổ sung từ ngân sách cấp huyện (C2-11b/NS).

Sửa chỉ tiêu “Số cuối ngày” thành “Số dư đầu ngày” trong Bảng kê thanh toán lãi tiền gửi tại KBNN (Mẫu số C6-14/NS) để phù hợp với các tính lãi tiền gửi theo Thông tư số 38/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định về phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi trong hoạt động nhận tiền gửi và cho vay giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tổ chức tín dụng và các tổ chức khác.

Bổ sung chứng từ: Lệnh chi trả nợ trong nước bằng ngoại tệ (Mẫu số C2-15b/NS) do Sở Tài chính lập cho trường hợp ngân sách tỉnh trả nợ khoản vay cân đối ngân sách địa phương từ nguồn ODA, viện trợ nước ngoài bằng ngoại tệ.

Bổ sung chứng từ Bảng kê sử dụng dịch vụ trong tháng… (Mẫu số C6-18/KB) và Giấy báo Nợ (Mẫu số C6-18/KB) cho trường hợp KBNN ký thỏa thuận với các đơn vị sử dụng NSNN trích trả kinh phí sử dụng các dịch vụ hàng tháng của đơn vị như tiền điện, tiền nước, điện thoại… theo quy định tại Nghị định 11.

Về tài khoản kế toán:  Thông tư 19 bổ sung các tài khoản kế toán trên cơ sở yêu cầu thực tế trong thời gian qua liên quan đến hạch toán chuyển nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đã nhận nợ nhưng chưa giải ngân và tài khoản tiền gửi ODA của chủ dự án, chương trình mở tại KBNN theo quy định tại Nghị định số 120/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm và Nghị định số 132/2018/NĐ-CP ngày 01/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (Nghị định 132); tách các tài khoản tiền gửi có mục đích; đổi tên một số tài khoản tiền gửi của xã, tài khoản thu NSNN, tài khoản chi NSNN để đáp ứng yêu cầu quản lý.

Mã nguồn ngân sách nhà nước: Cập nhật các mã nguồn NSNN đã được ban hành tại các Công văn hướng dẫn chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN sau thời điểm ban hành Công văn số 4696/KBNN-KTNN ngày 29/09/2017 như: Đổi tên mã nguồn 17 để phù hợp với quy định tại Pháp lệnh Người có công với cách mạng và quy định tại Điều 43 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN năm 2015; bổ sung mã nguồn 46 để theo dõi các khoản chi đầu tư của các dự án từ nguồn phát hành trái phiếu xanh theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán; bổ sung mã nguồn 55, 56, 57 để phục vụ cho yêu cầu quản lý các khoản kinh phí từ nguồn vốn viện trợ nước ngoài độc lập theo hình thức ghi thu, ghi chi.

Về sổ kế toán: Ban hành mẫu Sao kê tài khoản (Mẫu số 01/SK) gửi cho chủ tài khoản tiền gửi ODA, dùng trong trường hợp chủ dự án mở tài khoản tiền gửi ODA tại Kho bạc theo quy định tại Khoản 38, Điều 1 Nghị định 132; sửa chức danh ký trên Liệt kê chứng từ theo hướng kế toán trưởng và kế toán ký.

Về báo cáo: Thông tư 19 đã bãi bỏ, sửa đổi và bổ sung một số báo cáo sau:

Về Báo cáo Tổng hợp phân bổ, giao dự toán chi ngân sách trung ương và chi trả nợ niên độ ... (Mẫu B1-01a/BC-NS/TABMIS, mẫu biểu này được thiết lập nhằm khai thác để phục vụ riêng Vụ NSNN - Bộ Tài chính tổng hợp, khai thác và sử dụng): Bãi bỏ mẫu báo cáo này vì mẫu biểu báo cáo hiện tại chỉ có cột dự toán Quốc hội quyết định, không phân tách cụ thể theo từng nguồn (dự toán giao đầu năm, dự toán từ năm trước chuyển sang, dự toán bổ sung trong năm...) nên rất khó theo dõi, quản lý. Đồng thời, việc nhập dự toán nguồn dự phòng ngân sách, chi cải cách tiền lương khi phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị dự toán cấp 1 sẽ phải nhập cụ thể vào từng lĩnh vực (giáo dục, y tế...) dẫn đến tổng mức chi của lĩnh vực tại cấp 1 khác biệt so với tại cấp 0, dẫn đến khó theo dõi, thuyết minh, giải trình.

Về Báo cáo thu và vay của NSNN niên độ (mẫu B2-01/BC-NS):           Thông tư 19 bổ sung 02 chỉ tiêu “Hoàn thuế xuất nhập khẩu đối với chương trình ưu đãi thuế sản xuất, lắp ráp ô tô và chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ”; “Hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng xăng khoáng nguyên liệu dùng để sản xuất, pha chế xăng sinh học” vào mục III. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu. Hai chỉ tiêu này thể hiện số âm, là chỉ tiêu giảm trừ của Tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu để triển khai thực hiện Nghị định số 14/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Thông báo số 07-TB/BCSĐ ngày 01/7/2019 của Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và tình hình thực hiện Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/08/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.

Ngoài ra, mẫu biểu này đã được bổ sung các chỉ tiêu theo dõi thu chi tiết: Phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới, phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu; tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; bổ sung chỉ tiêu “Tiền thuê đất ghi thu, ghi chi theo khoản đã ứng bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật” tại chỉ tiêu 8.3 - Thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước để đảm bảo cung cấp thông tin theo yêu cầu quản lý.

Về Báo cáo hoàn trả các khoản thu nội địa và thu khác NSNN niên độ (B2-05a/BC-NS/TABMIS): Bổ sung mẫu báo cáo này để phục vụ cho yêu cầu quản lý của cơ quan thuế.

Về báo cáo Vay, trả nợ NSNN (mẫu B6-01/BC-NS/TABMIS): Bổ sung chỉ tiêu theo dõi số vay, tạm ứng ngân quỹ nhà nước tại để có căn cứ đối chiếu với các đơn vị có liên quan.

Về các báo cáo nhanh (Các Báo cáo B8-01, 02, 03, 04/BC-NS-TABMIS): Bãi bỏ các báo cáo này và đưa vào quy định Công văn hướng dẫn chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN vì đây là các báo cáo nội bộ của hệ thống KBNN.

Thông tư 19 có hiệu lực từ ngày 15/05/2020 và phù hợp với cải cách tổ chức bộ máy của hệ thống KBNN.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.