Diễn biến chưa từng thấy trên thị trường ngoại hối

Diễn biến chưa từng thấy trên thị trường ngoại hối
Lượng ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước mua vào trong 5 tháng đầu năm tăng ở mức kỷ lục, 7 tỷ USD. Con số trên gần bằng cả lượng kiều hối chuyển về theo kênh chính thức trong hai năm gần đây và vượt cả lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài qua mỗi năm của giai đoạn trước 2006.

Ngân hàng Nhà nước đã quyết định mua vào do cung ngoại tệ 5 tháng đầu năm tăng mạnh, trong đó một dòng chảy mạnh là vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Một con số vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố là lượng ngoại tệ chuyển về Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng khoảng 12% so với cùng kỳ.

Ngoại tệ vào nhiều đã tạo nên một diễn biến chưa từng có trong hàng chục năm qua:

Tỷ giá của các ngân hàng thương mại (có thời điểm cả trên thị trường tự do) thấp hơn tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng, do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Hiện tượng trên kéo dài trong quý I và đầu quý II/2007, định hình một “thói quen ngược” khiến nhiều người bất ngờ khi tỷ giá của các ngân hàng thương mại tăng trở lại, vượt tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố trong khoảng một tháng trở lại đây. Sự trở lại này đã đặt ra nhiều câu hỏi, nhưng vẫn nằm trong ý đồ điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Với lượng mua vào 7 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước cũng đã tăng kỷ lục, từ mức khoảng 9 tuần nhập khẩu của nền kinh tế vào thời điểm giữa năm 2006 đến khoảng 12 tuần nhập khẩu vào cuối năm 2006 và vọt lên trên 20 tuần nhập khẩu tính đến thời điểm hiện nay.

Lượng dự trữ ngoại tệ có khả năng vượt trên 20 tuần nhập khẩu đã nằm trong dự tính của một số chuyên gia. Và khi trả lời phóng viên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đã chính thức đưa ra con số này. Còn về số ngoại tệ tính theo đơn vị tiền tệ (USD), vị lãnh đạo này từ chối đưa ra con số cụ thể.

Trong những phân tích gần đây, một số phản ánh đề cập đến nhu cầu ngoại tệ cho doanh nghiệp nhập khẩu tăng cao, cho việc nhập vàng của doanh nghiệp kinh doanh vàng đầu mối, cho nhà đầu tư nước ngoài chuyển lợi nhuận về chính quốc, do kiều hồi hết mùa…, nhưng nguyên nhân chính và tác động lớn nhất là chủ trương tăng mua ngoại tệ vào của Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu có tác dụng.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, việc tăng cường mua vào nói trên là thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tỷ giá không giảm thấp hơn nữa. Tất nhiên, biên độ tăng - giảm tỷ giá vẫn luôn có một rào cản +/-0,5% mà Ngân hàng Nhà nước vừa nới rộng hồi đầu năm.

Vì sao phải tăng mua vào và hạn chế tỷ giá giảm? Vì định hướng của Ngân hàng Nhà nước (và nhiều quốc giá trên thế giới) là để hỗ trợ xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh cho xuất khẩu và ổn định kinh tế vĩ mô. “Cuộc chiến” tỷ giá giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng trong thời gian qua cũng có căn nguyên chính là vì mục đích này.

Hiện tại, tỷ giá của các ngân hàng thương mại đang tăng trở lại nhưng không hoàn toàn do nguồn ngoại tệ thiếu hụt. Ngân hàng Nhà nước khẳng định hiện các ngân hàng không có nhu cầu xin mua ngoại tệ từ Ngân hàng Nhà nước.

Và trong thời gian tới, từ nay đến cuối năm, cung ngoại tệ dự báo vẫn dồi dào; nguồn chuyển về từ xuất khẩu, kiều hối, đầu tư trực tiếp – gián tiếp... vẫn tiếp tục hậu thuẫn. Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn tiếp tục mua ngoại tệ vào dù lượng chào bán đã ít hơn từ tháng 5 vừa qua. Cán cân thanh toán dự báo vẫn bội thu và do đó không có căng thẳng về cung - cầu ngoại tệ.

Về mức tăng của tỷ giá, tuy biến động khá mạnh vào cuối quý II này nhưng tính chung cả năm nhiều khả năng vẫn nằm trong dự tính của Ngân hàng Nhà nước là không quá 1%; thậm chí theo nhận định của người đứng đầu cơ quan này, nhiều khả năng mức tăng của tỷ giá năm 2007 sẽ không lên đến 1%. 

Theo Đăng Long
 VnEconomy

MỚI - NÓNG