Bình ổn giá từ nay đến hết năm:

Điện, than, cước vận tải, nước sinh hoạt chưa tăng

Điện, than, cước vận tải, nước sinh hoạt chưa tăng
TP - Ngày 1/8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 18 về một số biện pháp cấp bách kiềm chế  tốc độ tăng giá thị trường đồng bộ trên tất cả các mặt. Tiền phong trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) xung quanh vấn đề này.
Điện, than, cước vận tải, nước sinh hoạt chưa tăng ảnh 1
Ông Nguyễn Tiến Thỏa

Ông Thỏa nói:

Thời gian qua, CPI tăng mạnh  cũng có phần do mức tăng giá lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng tăng cao. Trước hết, cần theo dõi sát và tăng nguồn cung đối với mặt hàng thực phẩm.

Theo điều tra tính đến 1/4 , tổng lượng đàn lợn trên cả nước đã giảm 384.000 con tương ứng 1,4% so với tổng đàn cùng kỳ năm ngoái; trâu bò giảm 2%, do đó cần phải đảm bảo ngăn chặn dịch bệnh.

Về lương thực, Việt Nam không thiếu mà thừa nhưng giá vẫn tăng, muốn vậy phải “chọc” vào điểm huyệt cân đối thời điểm xuất khẩu với nguồn hàng, giá cả trong nước.

Bên cạnh đó là chính sách tiền tệ. 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã bỏ ra 122.000 tỷ đồng để mua vào 7 tỷ USD; việc tung ra một lượng cung tiền lớn hơn một trăm ngàn tỷ dù sau đó đã bán tín phiếu ngân hàng hơn 89.000 tỷ đồng vẫn khiến dư ra khoảng 33.000 tỷ ngoài lưu thông.

Như vậy, cần thiết phải phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu kho bạc và tín phiếu nhằm thu hút tiền nhàn rỗi...

Việc CPI 7 tháng đầu năm  tăng mạnh nếu phân tích sâu xa có tác động một phần từ phản ứng dây chuyền hoặc yếu tố tâm lý (tăng giá xăng, lương thực, thực phẩm...).

Đã có ý kiến thắc mắc ở các nước khác như Mỹ, Nhật, giá xăng có thể tăng theo thị trường nhưng lạm phát vẫn ở mức thấp, thậm chí bằng 0%. Tại sao họ chống đỡ tốt mà chúng ta thì không?

Có 2 điều ở Việt Nam mà mọi người quên mất. Thứ nhất hễ các mặt hàng chỉ cần tăng vài USD/tấn nhập khẩu (như xăng dầu) là độ “đẩy” giá của ta đã tăng lên rất nhanh (điều này đúng là phải tính đến cả yếu tố tâm lý).

Thứ hai là, xét nguyên nhân căn cơ của nền kinh tế hãy thử xem Việt Nam đang xếp hạng cạnh tranh thứ bao nhiêu. Nhập khẩu đầu vào nhiều, chi phí sản xuất cao là nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh trong sản xuất của chúng ta còn yếu...

Ngoài lương thực, thực phẩm, thời gian qua yếu tố tăng giá còn có sự góp mặt của những mặt hàng như xăng, giá thép, gas, sữa… Nghe nói cơ quan quản lý sẽ thanh kiểm tra?

Về giá thép hiện chúng tôi đã có trong tay báo cáo của Hiệp hội thép và khoảng 4-5 doanh nghiệp. Điều đáng nói là trong khi báo cáo của DN đưa ra mức giá phôi thép nhập khẩu thấp. (Ví dụ của Tổng Cty Thép là 496 USD/tấn) thì của Hiệp hội lại cao tới 527 USD/tấn phôi.

Lý giải của Hiệp hội rằng Hải quan tính 6 tháng đầu năm giá thép nhập khẩu trung bình là 455 USD là không chính xác, trên thực tế nhập cao hơn. Tuy nhiên theo nhận định của chúng tôi rõ ràng là đã có chuyện DN nhập khẩu thấp rồi khi thấy giá phôi thế giới tăng cao, có hiện tượng tăng giá bán đón đầu.

Chúng tôi đang cho xem xét, có thể đưa ra 2 ý kiến: 1. Nếu hiệp hội nói giá thép nhập cao hơn giá Hải quan đưa ra, sẽ kiến nghị có văn bản truy thu thuế theo mức giá đó với các doanh nghiệp; 2. Còn không, sẽ truy thu toàn bộ số tiền chênh lệch do bán đón đầu.

Việc kiểm tra giá thép là cần thiết vì chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ tính riêng vốn đầu tư XDCB của Nhà nước đã phải điều chỉnh hơn 1.000 tỷ đồng, chưa kể đến việc tăng chi phí trong xây dựng của nhân dân.

Về giá gas, chúng tôi cũng đang yêu cầu báo cáo và sẽ làm tương tự. Sang tuần sau, sẽ bắt đầu kiểm tra thử một số đơn vị.

Đối với các mặt hàng trọng yếu khác đã có lộ trình tăng giá như: điện, than, xi măng chúng ta sẽ điều hành thế nào, thưa ông?

Điện, than bán cho 4 hộ tiêu dùng lớn là: than, giấy, xi măng, phân bón và cũng có thể là dầu cùng với cước vận tải một số tuyến do Nhà nước quy định, giá nước sạch sinh hoạt trước đây định làm theo  lộ trình, nay có thể lùi thêm thời gian điều chỉnh ( từ nay đến hết năm chưa thực hiện tăng giá).

Sang quý III, Bộ Tài chính sẽ bàn với Bộ Bưu chính viễn thông giảm cước viễn thông.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.