Điện về, đổi đời Đất mũi

Điện về, đổi đời Đất mũi
TP - Chúng tôi trở về thăm mảnh đất cực Nam của Tổ quốc trong một ngày mùa hè và tận thấy sự thay da đổi thịt của vùng đất chằng chịt kênh rạch, bần đước này. Nói như Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Dương Tiến Dũng: “Nhờ có điện đi trước một bước”.

> Thủy điện Đa Nhim thắm tình Việt-Nhật
> Đột phá tiết kiệm điện của ông chủ trang trại thanh long

Nhà ai cũng “cháy”

Theo chân những người thợ điện, chúng tôi bước lên ca nô, rẽ sóng luồn sâu qua ngút ngàn rừng đước để đến xã Tam Giang Đông, một xã vùng sâu huyện Năm Căn (Cà Mau). Khi thấy mấy anh công nhân điện lực kéo dây điện vào nhà, chị Trương Thanh Thủy, ấp Mai Hoa (xã Tam Giang Đông) mừng đến luýnh quýnh, hết ra rồi lại vào.

Chị gọi điện báo tin cho người em ở tận Đắk Nông về sự kiện trọng đại này, đồng thời chia sẻ dự định sắm sửa một số đồ điện phục vụ sinh hoạt trong gia đình. “Hôm qua, khi nghe mấy anh điện lực nói ngày mai sẽ kéo điện về nhà mình, suốt đêm qua tui mừng quá không ngủ được. Giờ có điện rồi, thoải mái quá!” - chị Thủy nói trong niềm xúc động dâng trào. Chị cũng cho biết đã kịp thời rước mẹ già về ở cùng để mẹ có cơ hội hưởng cái sung sướng do điện đem lại.

Em trai chị Thủy cũng tạm gác công việc đồng áng đến vui cùng gia đình chị gái. Anh nói: “Tụi tui cũng như bao người dân ở đây hay nhắc, khi nào điện sáng là lúc đó có nụ cười của bác Kiệt (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt)”. Với người dân nơi đây, dù bác Kiệt đã đi xa nhưng nụ cười luôn ở lại. Và người dân luôn tin rằng, dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành điện vẫn thực hiện đúng ý nguyện của bác Kiệt lúc sinh thời, lo cho dân vùng sâu vùng xa có điện.

Còn nhớ, năm 1988 và 1989, Công ty Điện lực 2, nay là Tổng công ty Điện lực miền Nam khởi công dự án điện khí hóa nông thôn trong bối cảnh kinh tế cả nước rất khó khăn. Để có nguồn vốn, Công ty đã dành toàn bộ tiền thưởng từ việc giảm tổn thất điện năng đầu tư điện khí hóa 3 huyện đầu tiên của tỉnh Cà Mau là U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời. Suốt 12 tháng ròng rã thi công dựng trụ, kéo dây qua sông, rạch, ánh điện đã bừng sáng trong tột cùng niềm vui của bà con Đất Mũi.

Ngày khánh thành dự án, người dân U Minh như vỡ òa trong niềm vui có điện lưới quốc gia. “Điện về làm đổi đời người dân”, một lãnh đạo huyện bấy giờ nói. Kể từ đó đến nay, gần một phần tư thế kỷ trôi qua, lưới điện quốc gia đã phủ trên 98% hộ dân tỉnh Cà Mau, những khoảng tối cuối cùng đang được đẩy lùi. Ánh sáng bừng lên đến đâu, bà con Đất Mũi rôm rả hỏi nhau đến đó: “Nhà ông “cháy” (sáng đèn-NV) chưa? Xóm tui “cháy” đều trời rồi, vui lắm!”.

Ông Lê Thanh Nghị - Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân nhớ lại: Năm 1998 điện mới về được xã Tân Hưng Tây. Khi đó, ai cũng mừng rỡ, gặp nhau là hỏi: “Nhà ông “cháy” chưa?”. Ông Nghị cho biết, tỷ lệ người dân sử dụng điện đến thời điểm này trên 98%. “Cơ bản, đến giờ này nhà ai cũng “cháy” ”- ông Nghị cười rạng rỡ.

Đánh thức tiềm năng

Kéo điện 3 pha phục vụ nuôi tôm công nghiệp tại Năm Căn. Ảnh: Đình Hoàng
Kéo điện 3 pha phục vụ nuôi tôm công nghiệp tại Năm Căn. Ảnh: Đình Hoàng.
 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Dương Tiến Dũng chia sẻ, năm 1997, khi tỉnh Cà Mau tái lập, hạ tầng giao thông đường bộ hầu như không có gì. Tỷ lệ hộ dân có điện chỉ hơn 8%. Các nhà máy công nghiệp chủ yếu sử dụng điện từ nguồn tự phát. Để phát triển kinh tế tỉnh nhà, tỉnh chủ trương dồn mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng. Trong đó khâu đột phá là phát triển lưới điện. “Để phát triển kinh tế xã hội, điện phải ưu tiên đi trước một bước” - ông Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Dũng, nhờ có điện mà công nghiệp nuôi tôm cũng như chế biến thủy hải sản ở Cà Mau phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Hiện Cà Mau có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản gần 300 nghìn ha, trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp chiếm tỷ trọng đáng kể. Việc nuôi tôm công nghiệp đòi hỏi đầu tư rất lớn và một yếu tố hết sức quan trọng, không thể thiếu là phải có điện 3 pha.

Trở về thăm lại Cà Mau, ông Bùi Văn Lưu, nguyên Giám đốc Công ty Điện lực 2, nay tuổi đã ngoài 80, người từng chỉ đạo việc điện khí hóa nông miền Nam không khỏi ngỡ ngàng với diện mạo mới của Cà Mau. Từ những vuông tôm thưa thớt năm xưa, nay san sát, phủ kín mặt đất các huyện Đầm Dơi, Phú Tân, Cái Nước, trải dài trên 7.000 ha, chiếm đến 90% diện tích đất nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh Cà Màu.

Ông Nguyễn Minh Luân, một người nuôi tôm ở huyện Tân Phú nói: “Trước, khi chưa có điện 3 pha phục vụ nuôi tôm công nghiệp, bà con chúng tôi cảm thấy nuôi rất khó khăn vì phải chạy máy dầu. Từ năm ngoái đến nay điện phủ khoảng trên 30% diện tích nuôi tôm huyện Phú Tân. Năm rồi nuôi rất tốt, lợi nhuận cao nên tui tui rất phấn khởi”.

Sự phát triển mạnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp đưa con tôm Việt Nam đi khắp thế giới. Ông Chu Văn An - Phó TGĐ Tập đoàn xuất khẩu thủy sản Minh Phú cho biết hằng năm tập đoàn này xuất gần 400 triệu USD tôm ra 40 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. “Ở vùng đất xa xôi như Cà Mau này, lấy được đồng đô-la ở nước ngoài về như vậy là thành công rất lớn. Thành quả của chúng tôi, không thể không nói đến vai trò phát triển, cung cấp nguồn điện ổn định của ngành điện Việt Nam”- ông An chia sẻ.

Ông Dương Tiến Dũng tâm sự: Thời gian qua tỉnh Cà Mau và ngành điện đã có sự phối hợp rất chặt chẽ, kịp thời chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ điện khí hóa. Dù có lúc rất khó khăn nhưng ngành điện cũng đã dành những ưu tiên sắp xếp nguồn vốn để đưa điện về những vùng sâu, vùng xa như U Minh, Đất Mũi… Cũng có khi tỉnh Cà Mau chia sẻ những khó khăn với ngành điện bằng việc huy động tối đa nguồn lực địa phương đầu tư cho lưới điện, ứng vốn để ngành điện đầu tư trước.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Dương Tiến Dũng: Sau 15 năm phát triển, về lĩnh vực điện, tôi thấy có 3 vấn đề khó khăn mà thời gian tới tỉnh phải tiếp tục kết hợp với ngành điện để giải quyết. Thứ nhất, hiện vẫn còn gần 5% hộ dân chưa có điện, đặc biệt những hộ này ở vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến, nên phải sớm đầu tư để đạt được tỉ lệ cao nhất. Thứ hai, việc đầu tư đưa điện về các vùng nuôi tôm công nghiệp mới chỉ hơn 5 nghìn ha, trong khi theo quy hoạch là 20 nghìn ha. Muốn được như vậy, phải đầu tư lưới điện và nhiệm vụ này còn rất nặng nề. Thứ ba, các công trình đã đầu tư lâu, giờ xuống cấp, cần phải được bảo dưỡng, nâng cấp. Chúng tôi rất mong Trung ương, ngành điện tiếp tục có những quan tâm, đầu tư cho Cà Mau để đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân. Về phần mình, chúng tôi cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành điện để giải quyết những khó khăn vừa nêu.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG