Vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang vào đỉnh vụ:

Điệp khúc 'kẻ khóc người cười'

Điệp khúc 'kẻ khóc người cười'
TP - Cho đến thời điểm này, vải thiều chính vụ ở Lục Ngạn - Bắc Giang, mới chính thức thu hoạch và dù giá bán được dự báo tăng, thực tế cho thấy vẫn có tình hình "kẻ khóc người cười".

Sản lượng vải toàn tỉnh Bắc Giang năm nay ước đạt hơn 120 nghìn tấn, giảm khoảng 1/2 so với năm 2008. Như phản ánh trên Tiền Phong số 159 ngày 8/6/2009, nhiều người hy vọng giá vải sẽ tăng gấp đôi.

Những trái vải đầu mùa bán tại TPHCM, Hà Nội thời điểm giữa tháng 5 có thể đạt tới hơn 30 nghìn đồng/kg. Từ cuối tháng 5 sang đầu tháng 6, giá vải sút giảm phổ biến ở mức 8-15 nghìn đồng/kg. Ngày 14/6, giá vải thiều tại các điểm cân ở Lục Ngạn phổ biến ở mức 6-9 nghìn đồng/kg.

Tại các xã Quý Sơn, Thanh Hải, Nghĩa Hồ, Giáp Sơn là những địa phương có tiếng về vải thiều thì năm nay xuất hiện tình trạng “năm ăn năm thua”, “người cười kẻ khóc”.

Gia đình ông Hải ở Quý Sơn vẫn thu được gần chục tấn thì ngay vườn bên cạnh vải thiều chỉ đủ cho trẻ ăn chơi. Tình trạng này dẫn đến nhiều hộ trồng vải gặp khó khăn trước món nợ ngân hàng phải trả.

Ông Tống Ngọc Bắc - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: “Năm nay vải thiều mất mùa nhưng nhiều khả năng sẽ bán được giá hơn năm 2008. Hiện chúng tôi đang tập trung tuyên truyền, khuyến cáo dân thực hiện việc chăm sóc quả vải đúng quy trình để đạt chất lượng tốt nhất, bảo đảm uy tín và thương hiệu vải thiều Lục Ngạn.

Nhiều người từ những địa phương khác đã mang vải quê mình lên Lục Ngạn để bán cho được giá. Các điểm cân ở khu vực xã Phượng Sơn, Chũ, Nghĩa Hồ tấp nập hơn từng ngày, từng giờ. Trung Quốc công bố 5 mặt hàng nông sản trong đó có vải thiều của Việt Nam phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá mới được xuất khẩu.

Tỉnh Bắc Giang đã khuyến cáo bà con đăng ký xuất xứ hàng hoá, thực hiện sản xuất hàng hoá an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, tại Bắc Giang mới chỉ có 2.900 ha đăng ký và đáp ứng được yêu cầu về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bằng 5 phần trăm tổng diện tích vải toàn tỉnh.

MỚI - NÓNG