Điều chỉnh lại phân định thị trường chứng khoán

Điều chỉnh lại phân định thị trường chứng khoán
Theo ông Trần Xuân Hà, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong thời gian tới Ủy ban sẽ xem xét và điều chỉnh lại phân định thị trường chứng khoán giữa Hà Nội và TP.HCM.
Điều chỉnh lại phân định thị trường chứng khoán ảnh 1
Giao dịch chứng khóan tại sàn chứng khoán TPHCM

Sau 5 năm hoạt động, theo ông quy mô của thị trường chứng khoán VN hiện nay đã tương xứng với tiềm năng chưa?

Tính đến nay đã có 29 công ty niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM với giá trị vốn hóa thị trường đạt gần 4.400 tỷ đồng, bằng 0,6% GDP của năm 2004. Với quy mô  như vậy, thị trường chứng khoán hiện còn nhỏ bé và chưa đóng góp được nhiều cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Các chứng khoán niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán chưa phải là cổ phiếu, trái phiếu của các công ty lớn đại diện cho nền kinh tế.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đã cổ phần hóa rất nhiều và giá trị của cổ phiếu phát hành ra khá lớn nhưng lại chưa mặn mà niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Vậy nguyên nhân chính là gì, thưa ông?

Chúng tôi cho rằng có rất nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là các doanh nghiệp VN rất e ngại về vấn đề kiểm toán, công bố thông tin, công khai minh bạch. Đây là những vấn đề mà tôi cho là trở ngại lớn nhất.

Bên cạnh nguyên nhân mà ông vừa kể trên còn một nguyên nhân quan trọng nữa là sự không bình đẳng giữa doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán và doanh nghiệp chưa tham gia thị trường chứng khoán. Ý kiến ông thế nào?

Thị trường chứng khoán bao gồm cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Thị trường sơ cấp có hai cách phát hành: phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ đều là thị trường chứng khoán.

Tôi cho rằng nên khuyến khích các doanh nghiệp phát hành ra công chúng để có nhiều người biết và khả năng huy động vốn được tốt hơn. Tất nhiên, khi ra công chúng sẽ phải tuân thủ theo những điều kiện chặt chẽ như: quản trị công ty, công bố thông tin...

Tới đây, khi Luật Doanh nghiệp chung và Luật Chứng khoán ra đời, hy vọng sẽ giải quyết được mối quan hệ giữa phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng. Trong giai đoạn hiện nay cần phải lưu ý đến bối cảnh kinh tế của VN, phát triển thị trường chính thức phải mở rộng ra vươn tới quản lý thị trường tự do bên ngoài.

Trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán VN, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra hai phương án với số lượng công ty niêm yết sẽ đạt 390 hoặc 200 công ty vào năm 2010. Tuy nhiên, sau 5 năm đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán mới chỉ có 29 doanh nghiệp niêm yết. Kế hoạch 5 năm còn lại phải đưa hơn 100 doanh nghiệp lên niêm yết và toàn là những doanh nghiệp lớn, liệu như vậy có khả thi không, thưa ông?

Chúng tôi cho rằng phải xây dựng kế hoạch để làm mục tiêu phấn đấu và trong quá trình đó phải có điều chỉnh. Đối với số lượng công ty niêm yết đặt ra trong lộ trình phát triển thị trường chứng khoán thời gian tới, nếu coi đó là chỉ tiêu pháp lệnh thì tôi cho rằng  không hoàn toàn chính xác với một nền kinh tế thị trường.

Vấn đề là phải đặt ra mục tiêu, đặt ra định hướng và những giải pháp để thực hiện.

Tôi cũng muốn nói rõ rằng, hai phương án trong bản dự thảo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán VN đến năm 2010 mới chỉ là nghiên cứu ban đầu của các chuyên gia, không phải là bản chính thức. Vấn đề là khi thị trường có giải pháp tốt, có được quyết tâm cao và có cơ hội thì khả năng sẽ đạt được mục tiêu, nhưng mức độ cụ thể thế nào còn tuỳ thuộc vào bối cảnh.

Trên thực tế, thị trường chứng khoán VN hoạt động trong điều kiện cung và cầu chứng khoán chưa hình thành rõ nét. Hiện nay các giải pháp về cung  cơ bản đã và đang được triển khai. Còn vấn đề về cầu dường như chưa rõ ràng. Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, những giải pháp tăng cầu được lên kế hoạch như thế nào?

Chính phủ đã có những giải pháp để phát triển hàng hóa cho thị trường chứng khoán. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định 528 phê duyệt: danh sách các công ty cổ phần hóa thực hiện bán đấu giá cổ phần, niêm yết, đăng ký giao dịch tại các Trung tâm Giao dịch Chứng khoán.

Tôi cho rằng quyết định này là rất đúng đắn và rất tốt tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển. Vấn đề cầu hàng hóa cho thị trường chứng khoán là rất phức tạp, cả về lý luận và thực tiễn. Cầu chứng khoán phải hiểu là cầu các tài sản thay thế trong đó có tiền gửi ngân hàng, cả ngoại tệ, đất đai, bất động sản.

Nếu như có hàng hóa tốt trên thị trường thì sẽ thu hút được đầu tư, nếu có chính sách cởi mở thì nhà đầu tư sẽ tới. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nếu có chính sách mở cửa thì sẽ thu hút ngày càng đông. Đối với các nhà đầu tư trong nước, sự phối kết hợp với giữa thị trương vốn, thị trường tiền tệ với quản lý thị trường đất đai thật tốt, sẽ tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển.

Sau 5 năm, thị trường chứng khoán VN được đánh dấu bởi sự ra đời của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Thưa ông, sự ra đời và phát triển của sàn thứ cấp Hà Nội có ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM không?

Thị trường chứng khoán là một định chế thống nhất. Sau một thời gian đưa Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vào hoạt động và phát triển để thu hút các doanh nghiệp tham gia giao dịch, Ủy ban Chứng khoán sẽ xem xét và điều chỉnh lại phân định thị trường giữa Hà Nội và TPHCM.

Có lẽ thời gian đó sẽ không lâu đâu và chúng tôi dự kiến sẽ làm sau khi có Luật Chứng khoán ra đời vào cuối năm 2006. Từ nay đến hết năm 2006, mục tiêu đề ra là cố gắng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia niêm yết vào TPHCM, các doanh nghiệp không đủ điều kiện thì sẽ tham gia giao dịch tại sàn Hà Nội.

MỚI - NÓNG