Điêu đứng vì dịch, Tổng giám đốc Vinatex viết tâm thư gửi lao động

Điêu đứng vì COVID-19, Tổng giám đốc Vinatex viết tâm thư nói không sa thải lao động
Điêu đứng vì COVID-19, Tổng giám đốc Vinatex viết tâm thư nói không sa thải lao động
Trước những khó khăn của ngành dệt may với dự báo mỗi tháng ngành dệt may thiệt hại 3.000 tỷ đồng và sẽ có tới 50% lao động ngành dệt may với khoảng 1 triệu người thiếu việc, Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường đã có ‘tâm thư’gửi người lao động cam kết giữ việc làm và trả lương duy trì đời sống cho mọi lao động.

Trong thư gửi người lao động, Tổng giám đốc Vinatex cho rằng, cuộc sống của mỗi con ngườI luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống của doanh nghiệp (DN) nơi làm việc. Sức khỏe của DN ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mỗi cá nhân nhân viên, cán bộ, và ngược lại. Nhất là trong khủng hoảng mang tên COVID-19, sự sống còn chung ấy lại rõ hơn bao giờ hết.

Theo ông Lê Tiến Trường, mỗi người, mỗi ngày đều trải qua 8 tiếng vàng ngọc tại nơi làm việc. Khi DN phát triển, đời sống mỗi nhân viên cũng được nâng cao chất lượng, khi DN nâng tầm giá trị, mỗi nhân viên làm việc tại DN cũng được tự hào.

Nhưng bản chất của đời sống là luôn đổi thay, và có những thay đổi, lại chẳng hề như mong muốn của con người. Doanh nghiệp cũng vậy, có những cuộc khủng hoảng đẩy hàng loạt DN xuống vực thẳm mãi mãi.

“Chỉ tính riêng tại Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến cuối tháng 2, dịch COVID-19 khiến 181.597 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, 322 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 553 doanh nghiệp giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Còn sang tháng 3, khi dịch lan rộng hơn, ảnh hưởng việc làm trở nên khủng khiếp trên toàn cầu. Dự báo từ 30-40 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ mất sau dịch COVID-19”, ông Trường viết.

Theo lãnh đạo Vinatex, để tránh bị phá sản, bảo vệ nguồn tài chính của mình, một số DN chọn phương án sa thải nhân viên, có doanh nghiệp lại chọn phương án giảm giờ làm của từng cá nhân nhưng tất cả còn đi làm, có doanh nghiệp lại vận động người có điều kiện tốt hơn nghỉ không lương nhường công việc cho đồng nghiệp. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp làm gương, quyết định tất cả lãnh đạo cấp cao nhất sẽ giảm 30% thu nhập. Sau đó là đến đội ngũ quản lý cấp trung, rồi đến nhân viên. Và cuối cùng, nếu vẫn không thể cứu vãn mới đến việc cực chẳng đã, đó là sa thải nhân viên.

Ở Tập đoàn Dệt May Việt Nam, với hơn 120 ngàn nhân sự, quỹ chi lương khổng lồ mỗi tháng, cũng đang đứng trước những rủi ro lớn khi nhiều khách hàng đã hủy, tạm hoãn đơn hàng từ nửa cuối tháng 3/2020. Nếu đại dịch không sớm bị chặn lại, thì chắc chắn các doanh nghiệp với trên 90% sản lượng cho xuất khẩu của Vinatex sẽ không khỏi ảnh hưởng. Trước mắt, hầu hết các DN thiếu từ 30-50% việc trong tháng 4 và tháng 5/2020.

Do lượng nhân sự đông đảo, chỉ cần 3 tháng không có việc làm, mà vẫn duy trì trả lương cho toàn bộ lực lượng lao động, thì các DN dệt may sẽ hết vốn. Làm thế nào để DN không phá sản, NLĐ không mất việc làm? Đó là một thách thức chưa có tiền lệ đặt ra cho Vinatex do khủng hoảng của đại dịch COVID-19.

Với mục tiêu “Người lao động là trung tâm của sự phát triển DN, ưu tiên số một của tập đoàn, theo ông Trường, Vinatex cam kết ưu tiên số 1 cho giữ việc làm và trả lương duy trì đời sống cho mọi người lao động, bằng cách tận dụng các gói hỗ trợ từ chính phủ, các nguồn vay ngân hàng, tìm kiếm những hợp đồng mới bù đắp lượng việc làm thiếu hụt do nhiều đơn hàng bị hủy, hoãn.

Các đơn vị sẽ tổ chức lại sản xuất để đảm bảo ai cũng được đi làm. Tập đoàn thực hiện tinh thần giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, chứ không sa thải lao động cũng như quyết liệt bảo toàn lực lượng.

“Tận dụng thời gian để sáng tạo, tái cấu trúc, tiết kiệm chi phí, thay đổi phương thức làm việc hiệu quả hơn. Chúng ta kích hoạt trạng thái “năng lượng thấp – ngủ đông” để sống sót qua mùa dịch”, ông Trường cho hay.

MỚI - NÓNG