Điều gì đã làm cho chứng khoán tăng trở lại?

Điều gì đã làm cho chứng khoán tăng trở lại?
Ngày 10/9, đã có dự báo chứng khoán rơi tự do và như nhằm đến đáy mới (dưới 366 điểm đối với VN - Index và 107 điểm đối với HaSTC-Index). Tuy nhiên, từ ngày 14/10, chứng khoán đã quay đầu tăng mạnh.
Điều gì đã làm cho chứng khoán tăng trở lại? ảnh 1
Biểu đồ chỉ số VN-Index 2 tuần qua - Nguồn: UBCKNN

Trước hết phải nói đến tác động của thị trường chứng khoán thế giới. Nếu thứ năm tuần trước - ngày chứng khoán thế giới rơi kỷ lục sau quãng thời gian ảm đạm trước đó, thì hôm 14/10 lại là ngày tăng kỷ lục, tăng gần như đồng loạt. 

Cái làm cho chỉ số chứng khoán thế giới xuống và tăng chung quy đều xuất phát từ một chỗ, đó là lòng tin của nhà đầu tư.

Lòng tin mất thì nhà đầu tư bán tháo bỏ chạy, để giữ tiền hoặc đầu tư vào kênh khác. Lòng tin được khôi phục, thì lại mang tiền đi đầu tư.

Trước đây, khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra và bùng phát, mặc dù có các biện pháp giải cứu, nhưng các nhà đầu tư vẫn mất lòng tin, vẫn hoảng loạn do những biện pháp trên chưa đủ đồng bộ, quyết liệt.

Nay các biện pháp giải cứu đã có được sự phối hợp giữa các chính phủ và ngân hàng trung ương, giữa các nước lớn từ Mỹ sang Âu, Á với quy mô lớn. Điều này đã đem lại cho các nhà đầu tư lòng tin.

Ngoài ra còn có tác động của những yếu tố trong nước.

Trong khi các nước đang phải đứng trước cả hai nguy cơ là suy thoái kinh tế và lạm phát, và đã tập trung để khắc phục nguy cơ suy thoái trước bằng các biện pháp hạ lãi suất cho vay, tuy tung tiền ra để cứu các ngân hàng, cứu chứng khoán, làm an tâm các nhà gửi tiết kiệm, các nhà đầu tư,... Việt Nam đã chủ động chuyển mục tiêu từ ưu tiên tăng trưởng kinh tế sang ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô,...

Với gói 8 giải pháp, qua một số tháng thực hiện quyết liệt, nhất là các biện pháp thắt chặt tiền tệ, làm cho tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tốc độ tăng dư nợ tín dụng thấp chỉ bằng một nửa đến hai phần ba các con số của năm trước, nên lạm phát đã được hạ nhiệt, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại, của cả quốc gia được cải thiện,... 

Khó khăn về vĩ mô bớt căng thẳng, nhưng khó khăn, thách thức vi mô còn rất lớn, nhất là về tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Để giải quyết khó khăn này, Ngân hàng Nhà nước một mặt vẫn tiếp tục thắt chặt tiền tệ, mặt khác kết hợp điều hành linh hoạt để hỗ trợ các ngân hàng thương mại nhằm chia sẻ với các doanh nghiệp.

Mặt bằng lãi suất sẽ thấp xuống, giá nguyên nhiên vật liệu giảm, giá bất động sản giảm, giá USD và các ngoại tệ khác do lạm phát mà bị xuống giá,... Lượng tiền trong lưu thông sẽ có xu hướng chảy vào - chảy ra thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, như người viết đã có lần phân tích, do sự khác biệt của thị trường chứng khoán Việt Nam (khi giảm thì giảm kịch sàn, khi tăng thì tăng kịch trần; khi giảm thì chỉ có bán, ít người mua, khi tăng thì chỉ có mua, ít người bán; rồi đầu cơ, lướt sóng, tâm lý nhà đầu tư,...), nên tới đây VN-Index và HaSTC- Index sẽ tăng mạnh (hầu hết các mã đều tăng và nhiều mã còn tăng kịch trần).

Song thời gian tăng có thể sẽ không kéo dài như thời gian sau khi xuống đáy, mà chu kỳ thường ngắn hơn, sau đó giảm rồi lại tăng theo hình răng cưa.

Theo Ngọc Minh
Thanh Niên

MỚI - NÓNG