Điều hành giá cả: Linh hoạt nhưng không thả nổi

Điều hành giá cả: Linh hoạt nhưng không thả nổi
TP - Trước sức sép giá cả thế giới biến động, Chính phủ sẽ điều hành kinh tế vỹ mô thế nào để hạn chế ảnh hưởng ngân sách, hoạt động của doanh nghiệp, cũng như đời sống người dân?

Thế giới những ngày này đang dao động mạnh bởi cơn sốt dầu trên 74 USD/thùng; giá vàng hôm qua (13/7) có lúc vọt lên gần 655 USD/ounce;  phôi thép được dự báo sẽ còn tăng tiếp từ 5-10%; các loại nguyên liệu nhập khẩu khác như: Clinke, bột giấy cũng hứa hẹn chắc chắn sẽ tiềm ẩn nhiều biến động; lộ trình tăng giá điện, giá bán than cho 4 ngành lớn đang được lên kế hoạch tính toán vào đầu năm 2007.

Trước sức ép kể trên, Chính phủ điều hành kinh tế vỹ mô thế nào để hạn chế ảnh hưởng ngân sách, hoạt động của doanh nghiệp cũng như đời sống người dân?

Giá: Ai cũng lo biến động

Thống kê 5 tháng đầu năm 2006 (so với cùng kỳ năm 2005) cho thấy: Giá nhập khẩu giấy các loại tăng 9,7%; xăng dầu 31,5%, clinhke 7,7%; chỉ số vàng tăng 57,7%; chất dẻo đã tăng 1%; phân bón các loại 1,6%; bông 8%...

Thị trường đầu tháng 7, dù được tiên liệu vào mùa mưa lượng hàng tiêu thụ sẽ ít đi nhưng thực tế giá thép đã tăng vượt lên mức trên 8 triệu đồng/tấn; thậm chí còn có dự báo giá thép sẽ lên đến 9-10 triệu đồng/tấn bởi những dự báo giá phôi sẽ tăng rất cao trong  thời gian tới (hiện đã lên tới trên 400 USD/tấn), giá xi măng các loại tháng qua đều lên giá trong đó mác cao P400 tăng ít nhất 30 ngàn đồng/tấn.

Những ngày này, ngành Tài chính cũng đang căng mắt dõi theo sự  biến động của giá dầu thô thế giới. Theo một quan chức Bộ Tài chính, với giá dầu  trên 70 USD/thùng như hiện tại, giá xăng trong nước vẫn có thể đảm bảo ổn định, nhưng nếu sự biến động này còn kéo dài thì cũng sẽ đến lúc các cơ quan Nhà nước phải tính đến chọn thời điểm tăng giá dầu với lý do: “Nhà nước không thể bao cấp mãi”.

Giá nguyên liệu đang tiếp tục tăng khiến các DN trong nước không khỏi lo lắng. Người dân cũng đang phải đối mặt với nguy cơ giá các mặt hàng tiêu dùng tiếp tục tăng.

6 tháng đầu năm 2006 lạm phát đã tăng 4% trong đó tăng cao nhất vẫn là nhóm lương thực, thực phẩm 7,7%; may mặc, dược phẩm y tế tăng 5%; phương tiện đi lại 9,9%...

Những ngày sau World Cup sức tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng như dịch vụ, ti vi, điều hòa, tủ lạnh, đồ ăn thức uống có vẻ giảm nhưng giá không vì thế mà lắng dịu. Tổ điều hành trong nước vừa dự báo, CPI tháng 7/2006 có thể sẽ tăng tới 0,4%.

Điều hành giá: Theo tín hiệu thị trường nhưng không thả nổi

Phát biểu tại Hội nghị ngành mới đây,  Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính  Trần Văn Tá đã nhấn mạnh, trong chính sách điều hành vĩ mô về giá cả năm nay là cơ quan quản lý Nhà nước “không còn chiếc gậy của Thủ tướng Chính phủ đóng cứng giá các mặt hàng thiết yếu”.

Ngoài việc điều chỉnh một bước với giá xi măng, tới đây Chính phủ sẽ phải tính đến điều chỉnh một số mặt hàng; điện , than, nhưng sẽ cân nhắc từng bước theo lộ trình hợp lý không để tác động đến sản xuất trong nước cũng như đời sống người dân.

Trả lời Tiền phong ngày 13/7, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa cho hay: “Hiện Bộ Tài chính đang chuẩn bị tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ những biện pháp kiểm soát điều hành giá cả; trong đó điểm nhấn để bình ổn giá từ nay đến hết năm là phải mềm dẻo linh hoạt theo tín hiệu lên xuống của thị trường, nhưng không thả nổi hoàn toàn (xoá dần bù chéo giá điện, huy động các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nguồn điện; ban hành giá thuốc tối đa cho bảo hiểm y tế; thực hiện giá bán xăng đảm bảo kinh doanh, điều chỉnh tăng dần giá các loại dầu một cách hợp lý...)”. 

MỚI - NÓNG