Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp lần thứ 8:

Định vị giá trị Việt Nam trên bản đồ kinh doanh thế giới

Định vị giá trị Việt Nam trên bản đồ kinh doanh thế giới
TP - Tại cuộc gặp với các DN lần thứ 8, Thủ tướng Phan Văn Khải nói: DN Việt Nam phải trưởng thành về mọi mặt là đòi hỏi của hội nhập, bởi khi hội nhập mọi hàng rào bảo hộ đều được dỡ bỏ.
Định vị giá trị Việt Nam trên bản đồ kinh doanh thế giới ảnh 1
Thủ tướng Phan Văn Khải cùng các doanh nhân  ảnh: Thế Thuần

Xóa triệt để sự phân biệt đối xử

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc cho biết: Định hướng phát triển kinh tế  5 năm (2006-2010) gắn các mục tiêu, chính sách phát triển DN và các giải pháp lớn để thực hiện.

Mục tiêu là đến 2010, Việt Nam phải có 500.000 DN, tức là trong 5 năm tới phải có thêm 275.000 DN thành lập mới. Ông Phúc cũng khẳng định rằng, phát triển kinh tế tư nhân là định hướng chính sách của Chính phủ.

Bởi vậy, việc tạo lập môi trường kinh doanh, đầu tư và tâm lý xã hội thông thoáng, xóa bỏ  triệt để mọi hình thức phân biệt đối xử để DN thuộc các thành phần kinh tế phát triển đầy đủ, bình đẳng là quyết tâm của Chính phủ.

Ông cũng cho biết 8 giải pháp của Chính phủ  để hỗ trợ và phát triển DN sẽ được thực thi trong 5 năm tới. “Dự thảo kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm tới đã được Bộ KH&ĐT quyết định cho công khai trên trang Web của   Bộ để cộng đồng DN tham khảo, góp ý”- Ông Phúc thông báo.

Nói về những cơ hội và thách thức của DN trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, những ưu đãi lâu nay đối với DN trong nước sẽ không được phép tồn tại nữa. Tức là DN, hàng hóa và dịch vụ của chúng ta và của nước ngoài  kinh doanh bình đẳng như nhau.

Hôm qua 9/2, diễn ra hội nghị thường niên lần thứ 8 (kể từ năm 1997) Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp (DN). Cùng nghe và giải đáp những đề xuất của DN là Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, KH&ĐT, Thương mại, TN&MT, Thống đốc NHNN VN và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công  nghiệp VN.

Trong bối cảnh hội nhập này, sản phẩm và DN độc quyền cùng với tham nhũng làm cho chi phí đội lên gây cạnh tranh bất bình đẳng không thể tồn tại nữa.

Và “tư duy sáng tạo quyết định hơn kinh nghiệm”, “quy mô không bằng tốc độ”… “DN Việt Nam hiện có một trong những điểm yếu nhất là không có được sự liên kết, hợp tác chặt chẽ, mạnh mẽ với nhau khi ra thị trường thế giới”- ông Tuyển nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết, trong đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam chỉ còn 4 nước là Hoa Kỳ, Hondurat, Mexico và Dominica (chúng ta vừa  kết thúc đàm phán với úc hôm 8/2).

Tại thời điểm này, mức cam kết khi đàm phán gia nhập WTO đặt một sức ép lớn lên DN. Thuế suất chung của chúng ta 17% đã rút xuống còn 13%, và tới đây còn rút xuống nữa (có những cam kết giảm thuế theo dành như công nghệ thông tin phải xuống ngay 0%).

Và đến năm 2015 thuế suất sẽ bằng 0% đối với tất cả các loại hàng hóa dịch vụ, nếu gia nhập WTO trong năm 2006 này.

Mỗi doanh nhân phải tự khơi dậy tiềm năng

TGĐ Tập đoàn Than và Khoáng sản VN Đoàn Văn Kiển kiến nghị cần thị trường hóa đầy đủ, nhất là lĩnh vực giá và chi phí trong những ngành độc quyền -đây là rào cản và là biểu hiện của việc phân biệt đối xử.

Chính phủ cần tác động vào lĩnh vực đào tạo để có trường đại học đẳng cấp quốc tế đào tạo được các nhà quản trị kinh doanh cao cấp-nguồn nhân lực này đang rất thiếu.

Đồng tình với kiến nghị này, ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Vinashin thừa nhận trong ngành đóng tàu, vẫn  thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật cao.

Việt Nam vẫn phải đi thuê kỹ sư trưởng, công trình sư, tổng công trình sư nước ngoài, cho dù đến 2010 Vinashin sẽ xuất khẩu trên 2 tỷ USD doanh thu đóng tàu.

TGĐ Cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ gây sự chú ý bằng lập luận mới: “Để hội nhập tốt, phải định vị  được giá trị của Việt Nam trên bản đồ kinh doanh thế giới”.  Vì vậy, “mỗi doanh nhân phải tự khơi dậy tiềm năng của chính mình chứ không phải để Chính phủ khơi hộ”- Ông Nguyên Vũ nói.

Theo ông Nguyên Vũ, cơ hội vĩ đại của dân tộc Việt Nam sẽ có được nếu mọi DN, doanh nhân đồng lòng, vì một quốc gia mạnh thì không thể không có nhiều DN mạnh, nhiều thương hiệu mạnh.

“DN Việt Nam đang hấp thụ tinh hoa của thế giới trong hội nhập nhưng lại thiếu một định vị lớn, một khát khao lớn, một tinh thần lớn  kiểu như “Ấn Độ là bộ não của thế giới”, “tinh thần Nhật”, “tinh thần Hàn Quốc”...”- Ông Nguyên Vũ khẳng định. 

Thủ tướng Phan Văn Khải:

Nhiệm vụ của Chính phủ là xây dựng thể chế phục vụ và hướng về DN

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phan Văn Khải nói: DN Việt Nam phải trưởng thành về mọi mặt là đòi hỏi của hội nhập, bởi khi hội nhập mọi hàng rào bảo hộ đều được dỡ bỏ. Chính vì thế, lực lượng cán bộ trẻ, doanh nhân trẻ sẽ quyết định DN phát triển. Đó là nhiệm vụ của cộng đồng DN Việt Nam.

Còn nhiệm vụ của Chính phủ là xây dựng thể chế phục vụ DN, hướng về DN. Chính phủ coi xây dựng chính sách và thể chế là nhiệm vụ trọng tâm  trong hoạt động của mình.

Năm 2006, Chính phủ sẽ trình Quốc hội 60 luật và pháp lệnh, và Chính phủ phải thông qua trên 300 nghị định, các văn bản này phải quán triệt tư duy đổi mới, khi xây dựng phải chú ý lắng nghe ý kiến tham gia  của người dân và DN, chống việc đặt ra quy định hạn chế quyền tự  do kinh doanh hợp pháp của người dân.

Chính phủ không cản trở mà ngược lại, yêu cầu chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo cho DN kinh doanh đúng pháp luật, ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền tự do kinh doanh để kiếm lợi bất chính.

Chính phủ đã lập Tổ công tác thi hành Luật DN (Tổ công tác 23), tổ này tiếp tục theo dõi việc thực hiện Luật DN, Luật Đầu tư-là những luật liên quan  trực tiếp đến DN- để đảm bảo luật đi vào cuộc sống.

Các DN nếu thấy có trở ngại gì thì gọi điện trực tiếp đến Tổ công tác 23 để tổ báo cáo với Thủ tướng và thường trực Chính phủ giải quyết.

Cơ quan đăng ký kinh doanh phải được củng cố đủ mạnh để tạo thuận lợi cho người đăng ký kinh doanh và giải quyết những vấn đề phát sinh trước khi bắt đầu đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cho DN trong suốt quá trình kinh doanh.  

MỚI - NÓNG