DN nước ngoài tìm kiếm lợi thế đầu tư mới tại Việt Nam

DN nước ngoài tìm kiếm lợi thế đầu tư mới tại Việt Nam
TP - Báo Hong Kong Standard số ra ngày 13/8 có bài viết mang tính dự báo về triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
DN nước ngoài tìm kiếm lợi thế đầu tư mới tại Việt Nam ảnh 1
Mức lương tại các KCN Việt Nam ngày càng tăng. Ảnh: TTXVN

Báo này cho rằng chi phí lao động thấp tại Việt Nam sẽ không còn là sức hút đối với các nhà đầu tư dài hạn và một số doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc) bắt đầu tỏ ra thận trọng khi đưa ra quyết định xây dựng nhà máy ở Việt Nam. Vì thế các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm những lợi thế đầu tư mới tại Việt Nam.

Ông Paul So Wing, Chủ tịch Hội đồng Các nhà công nghiệp trẻ Hồng Kông, nói rằng lao động giá rẻ sẽ không còn là yếu tố thu hút đầu tư của Việt Nam trong 30 – 50 năm tới. “Việt Nam hiện nay là địa chỉ hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư Hồng Kông. Chúng tôi đang cân nhắc việc chuyển các nhà máy sản xuất sang Việt Nam” - Ông Paul So Wing phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam 4 ngày.

Hồng Kông tiếp tục là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, chủ yếu là các Cty hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Việc di chuyển tới Việt Nam giúp các Cty Hồng Kông cắt giảm được 10 – 30 % chi phí. Theo báo cáo của Hội đồng Phát triển thương mại Hồng Kông, mức lương tối thiểu (cho lao động Việt Nam làm việc trong các nhà máy của nước ngoài) tại TPHCM là 55 USD, thấp hơn so với mức 87 USD ở Dongguan (Trung Quốc đại lục).

Cũng theo Chủ tịch Paul So Wing, hiện nay mức lương ở Bình Dương đã ngang với ở Dongguan.

Vì thế, ngoài lao động giá rẻ, nhiều ngành công nghiệp của nước ngoài đầu tư dài hạn đang tìm kiếm các lợi thế khác tại Việt Nam. Một trong các lợi thế là đầu tư vào Việt Nam có thể dễ dàng kết nối với các đối tác kinh doanh lớn như Hoa Kỳ.

Ông Paul So Wing cho biết: “Các biện pháp bảo hộ chống lại hàng xuất khẩu Trung Quốc không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn cản trở sản phẩm của chúng tôi xâm nhập vào các thị trường nước ngoài”. Trong khi đó, Hoa Kỳ lại đối xử công bằng với các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam.

Gần đây, tờ Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) cũng cho biết Việt Nam đang mất dần lợi thế lao động giá rẻ trong việc cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài. Theo nhật báo Yomiuri Shimbun, những Cty Nhật Bản mới đến Việt Nam ngày càng khó tìm nhân sự vì phải cạnh tranh quyết liệt với các Cty đối thủ đến từ Hàn Quốc, Đài Loan..., thậm chí từ chính doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo khảo sát gần đây của Tổ chức Thương mại quốc tế Nhật Bản tại Hà Nội, vấn đề đau đầu nhất liên quan đến quản lý lao động đối với các Cty Nhật Bản ở Việt Nam là việc tăng lương cho lao động. Có tới 75,9% Cty Nhật Bản tại Việt Nam cho biết lo ngại lớn nhất của họ là vấn đề tiền lương cho lao động; 59% nói khó tìm kiếm quản lý giỏi, 50,6% mệt mỏi vì tìm kiếm lao động có kỹ năng…

Việc tìm kiếm các lợi thế đầu tư mới tại Việt Nam như hệ thống thuế linh hoạt và các chính sách ưu tiên khác… đang là mối quan tâm của các Cty Nhật Bản và nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác.

T.Đ
Tổng hợp

MỚI - NÓNG