DNNN dẫn dắt, kinh tế tư nhân đột phá, làm được không?

DNNN dẫn dắt, kinh tế tư nhân đột phá, làm được không?
TPO - Chiều 30/5, tại Hà Nội, được sự chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương, Trung tâm Thông tin kinh tế phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - đơn vị chủ trì tổ chức Hội thảo “Đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân”.

Tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (diễn ra tại Hà Nội từ ngày 05 đến 11 tháng 5 năm 2017), Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất và nhất trí cao ban hành ba Nghị quyết quan trọng về kinh tế, trong đó có Nghị quyết về: “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”; Nghị quyết về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Làm sao để DNNN dẫn dắt

Qua các kỳ Đại hội, Đảng đã có nhiều nghị quyết, kết luận bổ sung và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Từ chỗ cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đến năm 2001 giảm xuống còn 5.655 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, và đến thời điểm tháng 10 năm 2016 chỉ còn 718 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế. “ Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...”, Hội thảo lưu ý.

Theo các chuyên gia, những đổi mới tư duy lý luận quan trọng về cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và về khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; những đổi mới tư duy đó đã được nhận thức và đưa vào thực tiễn ở nước ta như thế nào.

Cùng đó là những lưu ý về  lộ trình cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, làm thế nào để làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, bảo đảm doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội.

3 đột phá khu vực kinh tế tư nhân

Làm thế nào để khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế? Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: kinh tế tư nhân có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Bởi kinh tế tư nhân đóng góp 40% GDP, tạo ra 86 % việc làm và đóng góp hơn 30% ngân sách nhà nước. Khu vực kinh tế tư nhân còn góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm sự chênh lệch vùng miền. 

Tuy nhiên, ông Sơn cũng lưu ý: Mặc dù có vai trò quan trọng trong nền kinh tế và có số lượng đông, tuy nhiên khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự trở thành động lực trong nền kinh tế. Do một số lý do sau: Thứ nhất, số lượng rất đông, nhưng quy mô nhỏ, có tới 70% số doanh nghiệp ngoài nhà nước là các doanh nghiệp siêu nhỏ. Thứ hai, trong số 40% GDP do khu vực kinh tế tư nhân tạo ra thì hộ kinh doanh chiếm 30%. Thứ ba, hiệu quả kinh doanh, năng suất lao động khu kinh tế tư nhân không cao trong so sánh khu vực kinh tế nhà nước với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Thêm nữa, tính kết nối của khu vực kinh tế tư nhân với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân với chuỗi giá trị toàn cầu cũng thấp. 

“Khu vực này đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản, rào cản chưa có sự thống nhất cao về nhận thức, về sự phát triển; rào cản môi trường kinh doanh, rồi sự bất bình đẳng giữa khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; thêm nữa, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và nội tại bản thân khu vực kinh tế tư nhân.”, ông Sơn lưu ý.

Ông Sơn cũng đưa ra 3 giải pháp lớn để khu vực kinh tế tư nhân có thể trở thành động lực kinh tế.

Nhóm đầu tiên phải xóa bỏ rào cản, trong đó rào cản môi trường kinh doanh như khả năng tiếp cận thị trường, khả năng tiếp cận nguồn lực, khả năng tiếp cận thông tin và các chi phí không chính thức, chi phí kinh doanh, chi phí tuân thủ… đóng vai trò rất quan trọng.. 

Nhóm thứ hai là tạo dựng các nền tảng cơ bản để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân có thể phát triển bền vững ở trong tương lai, trong đó việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược và một loạt các giải pháp như: xây dựng chiến lược công nghiệp mới, đặt trọng tâm vào khu vực kinh tế tư nhân, gắn với đổi mới và sáng tạo cũng như cải cách hành chính công, xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính.

Nhóm giải pháp thứ 3 rất quan trọng, đó là phải có cơ chế chính sách riêng cho từng nhóm đối tượng doanh nghiệp. Đơn cử như đối với nhóm đối tượng doanh nghiệp lớn phải định hướng theo hướng quốc tế hóa, gắn nhiều với đổi mới sáng tạo, gắn nhiều hơn với xuất khẩuvà các doanh nghiệp lớn gắn nhiều hơn với xu hướng của cuộc cách mạng 4.0.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2016, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 40% GDP, thu hút khoảng 51% lực lượng lao động của cả nước. Tuy nhiên kinh tế tư nhân quy mô còn nhỏ và đang phát triển dưới mức tiềm năng. Tại hội nghị Trung ương 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng đã bàn giải pháp để đẩy mạnh kinh tế tư nhân phát triển, trong đó Hội nghị đã nhấn mạnh đến vai trò của kinh tế tư nhân phải trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.