DNVN sau một năm gia nhập WTO: Nhiều mối lo ngại lớn

DNVN sau một năm gia nhập WTO: Nhiều mối lo ngại lớn
TP - Mặc dù nhận diện rõ những chuyển biến tích cực của nền kinh tế, song tại diễn đàn “DN Việt Nam sau một năm gia nhập WTO”, không ít chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp (DN) đã bày tỏ mối quan ngại về những bất ổn nổi cộm…

Diễn đàn “DN Việt Nam sau một năm gia nhập WTO” diễn ra hôm qua (17/12) tại TP Hồ Chí Minh

Khả năng hấp thu “dinh dưỡng” kém

“Năm 2007, dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam rất mạnh, song năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế còn rất kém”- PGS-TS Trần Đình Thiên- Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận.

Ông Thiên ví von nền kinh tế nghèo và “khát” vốn của Việt Nam đang bị “bội thực vốn đầu tư” và ngày càng lộ rõ mối lo về nguy cơ không tận dụng được, thậm chí bỏ lỡ cơ hội bùng nổ FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài)- cơ sở của sự bùng nổ phát triển kinh tế.

Kết quả, theo Phó viện trưởng Thiên, là việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản “thấp hiếm thấy”.

TS Lê Đăng Doanh- Chuyên gia kinh tế cao cấp, chứng minh việc kém hấp thụ vốn đầu tư bằng những con số đáng lo ngại: Trong khi làn sóng đầu tư dâng cao thì tỷ lệ thực hiện vốn FDI  đã giảm từ trên 90% vốn cam kết trong năm 2000 xuống còn 40% năm 2006 và tiếp tục xuống mức 28% trong năm 2007.

Phó viện trưởng Thiên cảnh báo: “Giải ngân vốn chậm đồng nghĩa với tốc độ giải tỏa các nút thắt tăng trưởng giao thông, cảng biển, năng lượng chậm”. Hậu quả là thu hẹp khả năng tận dụng các cơ hội bứt phá và chuyển dịch cơ cấu, giảm sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài…

Theo TS Lê Đăng Doanh, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng kém hấp thu vốn của nền kinh tế là bộ máy nhà nước không theo kịp những chuyển biến năng động của kinh tế và cuộc sống. Thủ tục hành chính về giải phóng mặt bằng, xây dựng, thuế… vẫn là những hạn chế lớn gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Sự thiếu chuyên nghiệp của nhân viên nhà nước cộng với hành vi tư lợi của một bộ phận không nhỏ công chức, viên chức nhà nước đã trở thành vật cản của quá trình thúc đẩy, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Hạn chế tầm nhìn

Một hạn chế lớn khác đã bộc lộ rõ nét sau một năm bước vào sân chơi WTO là sự hạn chế về tầm nhìn của DN. Cũng theo TS Trần Đình Thiên, trong khi các DN nước ngoài nỗ lực tìm kiếm cơ hội đầu tư và lợi ích kinh doanh dài hạn tại Việt Nam thì một bộ phận lớn DN Việt Nam lại bị hút vào kinh doanh chứng khoán để… chớp thời cơ ăn nhanh.

“Hai sự khôn ngoan khác nhau thể hiện hai tầm nhìn chiến lược khác nhau. Từ đó định rõ tương lai khác nhau cho hai nhóm DN trong và ngoài nước”- ông Thiên nói, đồng thời cho đây là điều cảnh báo đáng lo ngại nhất trong dài hạn.

Theo ông Trần Anh Tuấn- chuyên gia về thương hiệu, phần lớn DN Việt Nam hiện nay không có thương hiệu lớn và không tập trung đúng mức vào vấn đề xây dựng thương hiệu.

Ông Tuấn lấy ví dụ, tại các trung tâm thương mại lớn của Việt Nam nhưng lại có rất ít thương hiệu Việt Nam, thậm chí chỉ tính chưa hết đầu ngón tay. Trong khi đó, các DN Việt Nam cũng không chú trọng vào việc hoạch định chiến lược xây dựng thương hiệu.

Ông Tuấn kể, có lúc Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) ra “đề bài” về việc xây dựng chiến lược phát triển công ty và chiến lược thương hiệu để phục vụ công tác xúc tiến thương mại, song rất nhiều DN không “trả bài” được.

“Chúng ta nói nhiều đến thương hiệu nhưng làm thế nào để có một thương hiệu “đứng” được thì không thực hiện được”- ông Tuấn nói.

Nguyên nhân sâu xa, theo ông Tuấn cùng nhiều chuyên gia là do các DN Việt Nam thiếu một tầm nhìn chiến lược. Cũng vì thiếu tầm nhìn nên DN không đầu tư vào những vấn đề cốt lõi, lâu dài và lao theo xu hướng “ăn xổi”, đầu tư cả vào những lĩnh vực không thuộc chuyên môn của mình. “Đây là điều đáng kiêng kỵ”- một chuyên gia nói.

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.