Đồ gỗ và mỹ nghệ loay hoay tìm lối thoát

Đồ gỗ và mỹ nghệ loay hoay tìm lối thoát
TP - Các doanh nghiệp (DN) và hiệp hội ngành nghề chế biến đồ gỗ và mỹ nghệ đang nỗ lực tìm cách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu trong hoàn cảnh khó khăn về đầu ra.
Đồ gỗ và mỹ nghệ loay hoay tìm lối thoát ảnh 1
Du thuyền - một sản phẩm gỗ xuất khẩu có giá trị cao của Cty Sadaco, TPHCM. Ảnh: Đại Dương

Theo ông Trần Quốc Mạnh - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ & Chế biến Gỗ TPHCM (Hawa), thiếu đơn hàng và thiếu vốn là hai khó khăn lớn nhất của các DN chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ hiện nay.

Tuy nhiên, lãnh đạo của Hawa cũng cho biết có khá nhiều DN trong ngành này tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất bốn phần trăm theo chương trình kích cầu của Chính phủ.

Ngoài ra, Ngân hàng Eximbank mới đây cũng đồng ý cho các DN (là hội viên của Hawa) có đơn hàng xuất khẩu mở L/C (thanh toán tín dụng thư) được vay vốn không cần thế chấp.

Về đầu ra sản phẩm, ông Mạnh cho biết ngoài việc giữa thị trường truyền thống là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, các DN trong ngành cũng đang đẩy mạnh phát triển thị trường mới, nhất là khu vực giàu tiềm năng như Trung Đông và Đông Âu. Trong đó đặc biệt lưu ý đến các thị trường ngách, tức là tạo ra những sản phẩm mang tính khác biệt có giá trị cao.

Bên cạnh đó, các DN trong ngành cũng đang mở rộng thị trường trong nước bằng việc liên kết mở rộng hệ thống phân phối đồ gỗ trong toàn quốc, tập trung vào các sản phẩm quà tặng phục vụ khách du lịch dịp tháng Tư - thời điểm diễn ra nhiều hoạt động du lịch lớn.

Hóa đơn đầu vào - cản trở

Để gỡ khó cho các DN xản xuất thủ công mỹ nghệ, theo ông Hùng, nhà nước nên đánh thuế dựa trên hóa đơn đầu ra của các DN thay vì dựa trên hóa đơn đầu vào.

“Tình trạng bất hợp lý này kéo dài nhiều năm và Hawa không ít lần kiến nghị giải quyết nhưng chưa được cơ quan chức năng xem xét”- ông Hùng nói.

Ông Đặng Quốc Hùng - một Phó chủ tịch khác của Hawa, cho biết các DN sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đang gặp một trở ngại không nhỏ là hóa đơn chứng từ.

Theo quy định, tất cả nguyên vật liệu đầu vào phải có hóa đơn chứng từ. Trong khi đó, phần lớn nguyên vật liệu của mặt hàng này lại do nông dân cung cấp từ thu gom trong tự nhiên như lá buông, cói, lát… và tất nhiên những người cung cấp không thể tìm đâu ra hóa đơn.

Để có chứng từ, các DN buộc phải thông qua một đơn vị trung gian đứng tên bán và xuất hóa đơn bán hàng. “Thực tế, đây là một hình thức mua bán hóa đơn chui” - ông Hùng nói.

Theo tính toán của lãnh đạo Cty Thủ công Mỹ nghệ Kim Bôi, khi mua hóa đơn, ngoài việc mất 1,6 phần trăm thuế, các DN chế biến phải chi thêm một khoản lót tay khác cho đơn vị trung gian và tổng số tiền phải chi cho khoản mua hóa đơn lên đến hai phần trăm tổng giá trị lô hàng. Điều đáng nói là khoản thuế kể trên DN sản xuất không được khấu trừ.

Ông Hùng cho rằng, tuy đúng về nguyên tắc, quy định về hóa đơn chứng từ đầu vào như hiện nay lại không hợp lý trong trường hợp này. Thu gom, tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên để sản xuất, xuất khẩu không chỉ tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, mà còn thu về một nguồn ngoại tệ không nhỏ.

Nếu chỉ vì để đảm bảo thực hiện đúng quy định mà làm ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu và đời sống người dân thì cần phải cân nhắc, xem xét lại.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.