Đô la Mỹ lại trên đà mất giá

Đô la Mỹ lại trên đà mất giá
chưa có dấu hiệu gì hứa hẹn khả năng phục hồi của đồng Đôla Mỹ từ nay cho đến thời điểm cuối năm như một số nhà phân tích vẫn kỳ vọng.

Kể từ đầu tháng 3, đồng Đôla Mỹ mất giá chính là do tác động của giá dầu lửa, hàng hóa thế giới tăng cao, tình trạng thâm hụt kép của nền kinh tế nước này.

Cơn bão tuyết tiếp tục hoành hành tại vùng Đông Bắc (Mỹ) khiến cho nhu cầu về dầu sưởi ấm đột ngột tăng mà nguồn cung dầu lại không tăng, có tin OPEC sẽ cắt giảm sản lượng. Tính đến giữa tháng 3/2005, giá dầu thô trên thị trường New York tăng vọt trên mức 56 USD/thùng (giao ngay Brent trên thị trường London vượt mức 54 USD/thùng).

Theo thống kê mới nhất của Reuters, chỉ số giá kỳ hạn của 17 mặt hàng tiêu biểu trên thị trường thế giới tăng mức cao nhất trong 24 năm qua. Giá cả nhiều mặt hàng thiết  yếu trên thị trường thế giới tăng vọt, vô hình trung làm gia tăng những lo ngại về sức ép lạm phát và tình trạng thâm hụt kép khổng lồ của Mỹ dưới ảnh hưởng của mùa đông khắc nghiệt và kéo dài.

Ông Ben Bernanke - quan chức của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED)- không đưa ra một tín hiệu ủng hộ nào cho sự tăng giá của đồng Đôla, khả năng lãi suất không được tăng thêm, điều này càng làm giảm sức hấp dẫn về lợi suất của đồng Đôla Mỹ.

Chủ tịch FED công bố khẳng định nền kinh tế Mỹ hiện đang phát triển với tốc độ khá tốt, song lại công khai cảnh báo tình hình thâm hụt kép của Mỹ. FED bắt đầu mua lại vàng sau khi bán ra ồ ạt vào thời điểm đầu tháng, nhiều quỹ đầu tư và phòng ngừa rủi ro cũng quyết định bán ra đồng Đôla Mỹ hoặc hạn chế mua vào đồng tiền này để chuyển sang tận dụng lợi thế của các mặt hàng giá cả đang tăng vọt.

Những nhân tố này khiến cho đồng Đôla Mỹ liên tục mất giá, mức thấp nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây so với đồng Euro và đồng Bảng Anh, mức thấp nhất trong vòng 1 năm so với đồng Đôla Australia và đặc biệt thấp tới mức kỷ lục trong vòng 22 năm trở lại đây so với đồng Đôla New Zealand.

Chính xu hướng mất giá của đồng Đôla Mỹ kéo theo sự tăng giá của các đồng tiền chủ chốt khác khiến cho vàng vốn được định giá bằng đồng Đôla Mỹ trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư ngoài nước Mỹ. Trong khi đó, giá dầu lửa và các hàng hóa khác tăng cao thường đẩy mạnh sức hấp dẫn của vàng với tư cách là một công cụ phòng ngừa lạm phát hữu hiệu. Vì vậy, giá vàng giao ngay tại thị trường thế giới đã tăng vọt trên mức 443 USD/ounce (trung tuần tháng 3), đạt mức giá cao nhất kể từ đầu năm 2005.

Hiện các thành viên thị trường đang nóng lòng chờ đợi Chính phủ Mỹ công bố số liệu về tham hụt cán cân vãng lai của Mỹ trong tháng 1/2005 để quyết định hướng đi tiếp theo đối với đồng Đôla.

Đồng Yên Nhật được hỗ trợ tích cực do sản lượng lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Nhật khả quan; Đồng Euro hưởng lợi và giảm được tổn thất do sự mất giá nghiêm trọng của đồng Đôla. Bên cạnh đó, chưa có dấu hiệu gì hứa hẹn khả năng phục hồi của đồng Đôla Mỹ từ nay cho đến thời điểm cuối năm như một số nhà phân tích vẫn kỳ vọng.

MỚI - NÓNG