Đô thị thông minh: Phụ thuộc vào người đứng đầu

Đô thị thông minh: Phụ thuộc vào người đứng đầu
TPO - Tại Hội thảo Xây dựng đô thị thông minh - Hướng đến phát triển bền vững chiều ngày 8/6, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về  xây dựng đô thị thông minh và bền vững trong đó kết luận yếu tố quan trọng nhất vẫn là người đứng đầu của thành phố.

Phát triển nhà xanh

Tại hội thảo, ngoài việc giới thiệu mô hình đô thị thông minh tại Singapore, các diễn giả và khách mời đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về hiện trạng, thách thức trong phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hiện nay; năng lực của Việt Nam trong phát triển đô thị thông minh; các ưu tiên cần làm để triển khai thành công dự án đô thị thông minh...

Chia sẻ về kinh nghiệm của Singapore, ông Larry Ng, Giám đốc Phát triển Kiến trúc và Thiết kế Đô thị, Cục Tái thiết Phát triển Đô thị, Bộ phát triển Quốc gia Singapore cho biết, ở Singapore do diện tích đất mặt ít, trong khi mật độ dân số cao nên khi xây dựng những tòa nhà cao tầng đòi hỏi phải tăng diện tích cây xanh.

Đô thị thông minh: Phụ thuộc vào người đứng đầu ảnh 1 Mô hình nhà xanh tại Singapore

Tất cả các tòa nhà khi thiết kế đều có những khu vườn thẳng đứng từ mặt đất đến các tầng cao; đảm bảo diện tích cây xanh tương ứng với dân số của tòa nhà. Bên cạnh đó, trước khi xây dựng, chủ đầu tư phải tiến hành quy hoạch, thiết kế các vườn hoa trước, đảm bảo 90 % nhà cửa sẽ chỉ cách vườn hoa vài trăm mét thì công trình mới được cấp phép.  

“Nhiều khu nhà của Singapore, nếu nhìn xa giống như một khu rừng nhiệt đới. Trên các mái, bề mặt ngoài của tòa nhà đều trồng cây như khu vườn, từ chung cư xanh, bệnh viện xanh, đến trường học xanh. Tuy nhiên,  điều quan trọng, các công trình của Singapore hiện tại bao giờ cũng được số hóa và lưu giữ dữ liệu. Dữ liệu này như nguồn tài nguyên để giúp cho các nhà xây dựng họ có thông tin thể để thiết kế nhanh và đồng bộ hóa thiết kế thông minh và thân thiện môi trường”, ông Larry Ng chia sẻ.

Người đứng đầu quyết định

Phát biểu tại hội nghị, TS KTS Trần Quốc Thái, Phó Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết, tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam đang tăng rất nhanh, hiện có 813 đô thị với tỷ lệ khoảng 37,5%. Chỉ riêng hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM đã có dân số đô thị chiếm xấp xỉ 30% dân số đô thị trên toàn quốc.

Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng đô thị của Việt Nam chưa cao, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, dân số

Ở Việt Nam hiện có khoảng 30 TP, địa phương đang tiến hành phát triển đô thị thông minh, tiêu biểu như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội,... Tiềm năng phát triển đô thị thông minh khá lớn. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả mô hình thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố, từ quy hoạch, thiết chế, đầu tư, sản phẩm sử dụng,… đến quản lý, vận hành.

Đô thị thông minh: Phụ thuộc vào người đứng đầu ảnh 2  Tốc độ phát triển đô thị của Việt Nam nhanh nhưng chất lượng chưa cao

Theo ông Thái, Bộ Xây dựng đang đề xuất Đề án “Phát triển đô thị thông minh Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Đây là Đề án quan trọng của quốc gia, cần sự tham gia tích cực của tất cả các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp, nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao”.

Trong khi đó, ông Larry Ng cho rằng, phát triển đô thị thông minh không thể bê nguyên xi của TP này sang TP khác, của đất nước này sang đất nước khác vì mỗi đất nước có điều kiện, môi trường, văn hóa khác nhau. Vì thế, Việt Nam cần tính đến các yếu tố riêng biệt của mỗi thành phố để phát triển đô thị cho phù hợp.

Bên cạnh đó, phải đảm bảo được sự đồng bộ của giao thông và minh bạch trong mọi quy hoạch. Các dữ liệu của thành phố cũng phải công khai để người dân nắm rõ. 

Tuy nhiên, theo ông Larry, điều quan trọng nhất vẫn nằm ở chính quyền và những người đứng đầu thành phố. “Họ phải thực sự có tầm nhìn, hướng đến sự phát triển bền vững của thành phố. Một đô thị trở nên thông minh, bền vững hay thất bại, lộn xộn là do tầm nhìn của họ quyết định".

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.