Doanh nghiệp bán lẻ Việt đã sẵn sàng trên sân chơi hội nhập?

Doanh nghiệp bán lẻ Việt đã sẵn sàng trên sân chơi hội nhập?
TPO - Thời gian gần đây, thị trường Việt Nam liên tục “đón tiếp” sự gia nhập của hàng loạt các tập đoàn bán lẻ quốc tế, mà mới nhất là tân binh 7 Eleven đến từ Nhật Bản. Các nhà bán lẻ trong nước đã có chiến lược gì để chơi sòng phẳng trên sân chơi hội nhập này?

Cuộc chiến cân sức?

7 Eleven trong ngày ra mắt cửa hàng đầu tiên tại TPHCM tuần qua bằng việc hướng mũi tấn công tới các đối thủ trực tiếp đầu tiên là các quán cơm bình dân cũng như các cửa hàng bán hàng ăn vặt truyền thống ở TPHCM. Cửa hàng đầu tiên, ngoài những hàng hoá tiêu dùng nhanh, còn ra mắt với 100 món ăn hướng tới phục vụ giới trẻ như: phở trộn chua ngọt, bún thịt nướng, cơm cuộn sushi, xôi, bánh mì, bánh cuốn... Chiến lược kinh doanh các bữa ăn tươi và thực đơn mang đậm tính Việt Nam cho thấy nhà đầu tư này đã nghiên cứu khá kỹ gu ăn uống của những người trẻ tuổi địa phương.

Việc mở thêm cửa hàng tiện lợi đầu tiên của 7 Eleven, thị trường bán lẻ Việt Nam càng trở nên sôi động hơn khi có tới gần 1.600 cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini thuộc sở hữu của 10 thương hiệu lớn như Vinmart+, Circle K, B's Mart, Shop&Go, Ministop... cùng hoạt động. Trong đó, chuỗi cửa hàng đến từ Mỹ Circle K có 242 cửa hàng phục vụ 24/24h. B's Mart thuộc Tập đoàn TCC của Thái Lan có 159 cửa hàng và chuỗi Shop&Go sở hữu 121 cửa hàng. Cũng được coi là đối thủ nặng ký, MiniStop của Aeon có tổng cộng 80 cửa hàng.

Ở trong  nước, hệ thống Co.op Food không kém cạnh khi sở hữu 130 điểm bán trong khi SatraFoods cũng đạt 100 cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, đáng kể nhất và cũng là thương hiệu sở hữu hệ thống chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất Việt Nam chính là Vinmart+ của tập đoàn Vingroup. Dù mới gia nhập thị trường được hơn 2 năm nhưng hiện Vinmart+ đã có tới gần 900 cơ sở. Dự kiến trong năm 2017 - 2018, hệ thống sẽ mở rộng thêm hơn 1.000 cửa hàng Vinmart+, khẳng định vị thế là chuỗi bán lẻ hiện đại có quy mô và độ phủ lớn nhất Việt Nam.

Cần một sân chơi công bằng

Theo chuyên gia về siêu thị Vũ Vinh Phú phân tích, “dù miếng bánh của thị trường tiện lợi được đánh giá còn rất lớn, rất hấp dẫn nhưng việc 7 Eleven đặt mục tiêu khá khiêm tốn tại Việt Nam với 20 cửa hàng trong năm 2017 và sẽ nâng lên 100 cửa hàng trong 3 năm tới cho thấy họ cũng rất thận trọng trong việc mở rộng hoạt động”.

Cũng theo ông Phú, thực tế theo dõi thị trường cho thấy, các doanh nghiệp đang hướng tới những thị trường ngách với những phân khúc khách hàng khác nhau. Hiện 7 Eleven hay MiniStop và Family Mart đang có xu hướng nhằm vào các dân công sở và những người trẻ thông qua việc hướng tới mô hình kinh doanh bữa ăn tươi và cung cấp wifi miễn phí. Trong khi đó, những chuỗi cửa hàng tiện lợi của các ông chủ Việt như Co.opFood, SatraFoods, Hapro, Vissan hay Vinmart+ hướng tới việc cung cấp các sản phẩm thiết yếu như thịt, rau, củ quả và những hàng hóa gia dụng thiết yếu khác cho các bà nội trợ, các phụ nữ đi làm.

Khẳng định các doanh nghiệp trong nước không phải lo ngại trước việc các doanh nghiệp ngoại liên tiếp đổ bộ vào thị trường bán lẻ, một lãnh đạo từng nhiều năm quản lý về mặt thương mại của Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp Việt có những thế mạnh riêng. Bên cạnh lợi thế về mặt am hiểu thị trường và nhu cầu của khách hàng, xét về số lượng và độ phủ, yếu tố quan trọng trong phân phối và bán lẻ, các đối thủ ngoại còn thua xa bởi chỉ tính riêng hệ thống của Vinmart+ hiện tại thì đã khó đối thủ nào có thể vượt qua. Bên cạnh đó, việc hàng nghìn cửa hàng tiện lợi hoạt động theo mô hình 24/7 đi trước đã chọn được các vị trí đẹp nhất, tiện lợi nhất cũng sẽ là một trong những trở ngại lớn trong việc phát triển hệ thống của các doanh nghiệp đến sau như 7-Eleven. Điều này cũng được ông Vũ Thanh Tú, CEO 7-Eleven tại Việt Nam thừa nhận khi trao đổi với báo chí.

Về chiến lược phát triển, các thương hiệu bán lẻ trong nước cũng đã bắt đầu đi vào bài bản, từ mô hình cho tới dịch vụ và các tiện ích đi kèm. Riêng chuỗi VinMart+ đang triển khai hoạt động theo mô hình kết hợp giữa cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini, cung cấp thực phẩm tươi sống và sơ chế mang lại sự tiện lợi cho người nội trợ.

“Điểm mạnh đặc thù của hệ thống Vinmart+ chính là đang sở hữu nguồn cung thực phẩm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm tại nhiều tỉnh thành phố trên cả nước, đồng thời đã xây dựng được có chuỗi cung ứng được kiểm soát khép kín từ trang trại đến quầy. Các chuỗi cửa hàng ngoại khác thì đang phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác cung cấp. Với việc mở rộng nhanh các điểm bán, các thương hiệu ngoại cũng sẽ đối mặt áp lực ngày càng lớn trong việc đảm bảo kiểm soát 100% nguồn gốc thực phẩm, rau quả cũng như hậu cần”, vị lãnh đạo này phân tích.

Bên cạnh việc ngày càng nhiều doanh nghiệp ngoại xuất hiện và tham gia vào thị trường bán lẻ Việt, ông Vũ Vinh Phú cũng nêu ý kiến cơ quan quản lý cũng cần giám sát để đảm bảo một “sân chơi” cạnh tranh công bằng. Việc cảnh giác cũng không phải là thừa khi nhiều thương hiệu lớn vào Việt Nam nhiều năm qua đến nay hầu như không đóng một đồng thuế thu nhập nào. Những nghi án chuyển giá, trốn thuế gần chục năm trời như của Lotte, Metro.... được truyền thông nhắc tới nhiều thời gian gần đây cũng là điểm cần lưu ý với các nhà quản lý. 

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.