Doanh nghiệp chết lâm sàng

Với tình trạng khó khăn hiện nay, lãi suất cao như liều thuốc độc đối với doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Hồng Vĩnh
Với tình trạng khó khăn hiện nay, lãi suất cao như liều thuốc độc đối với doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Hồng Vĩnh
TP - Hôm qua, thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, kế hoạch năm 2012 nhiều đại biểu Quốc hội là doanh nhân tỏ ra bi quan về “sức khỏe” nền kinh tế và cho rằng báo cáo của Chính phủ còn “hồng”.

> Đề án tái cơ cấu kinh tế chưa chú trọng phát huy nguồn lực

Với tình trạng khó khăn hiện nay, lãi suất cao như liều thuốc độc đối với doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Hồng Vĩnh
Với tình trạng khó khăn hiện nay, lãi suất cao như liều thuốc độc đối với doanh nghiệp.  Ảnh minh họa: Hồng Vĩnh.

Lãi suất cao như liều thuốc độc

ĐB Nguyễn Minh Quang (Tổng giám đốc Tổng Cty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị- UDIC) nhận định, báo cáo của Chính phủ vẫn còn màu hồng.

Thực tế việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp (DN) rất khó khăn do tình hình tài chính không tốt và lãi suất cao. Với tình trạng khó khăn hiện nay thì lãi suất cao như liều thuốc độc đối với các DN.

Theo ông Quang, những năm qua việc kiểm soát thị trường bất động sản bị buông lỏng, phát triển ồ ạt các dự án khiến cung vượt cầu. Nhiều ngân hàng hoạt động không đúng bản chất, có ngân hàng đầu tư trực tiếp vào bất động sản.

Ngoài ra, quy định buộc DN nộp tiền sử dụng một lần trong khi nhà xây xong không bán được khiến có DN trong vài tháng là mất vốn do phải trả lãi ngân hàng quá lớn.

ĐB Châu Thị Thu Nga (Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Nhà đất) cho biết, các DN tiếp cận vốn sản xuất vô cùng khó khăn do cơ chế vay, thủ tục giải ngân quá rườm rà. DN đóng cửa, chết lâm sàng nhiều vì không dám sản xuất, hàng tồn kho lớn.

ĐB Nguyễn Phi Thường (Tổng giám đốc Tổng Cty Vận tải Hà Nội) cho biết, hiện nay DN lớn thì hàng tồn kho nhiều, chỉ vay để đủ vốn lưu động. DN nhỏ thì không có tài sản thế chấp, nợ xấu nhiều nên để đảm bảo rủi ro ngân hàng không có vay.

Ông Thường cho rằng, để DN tiếp cận được vốn thì Ngân hàng Nhà nước cần công khai báo cáo về dư nợ tín dụng theo loại lãi suất của từng ngân hàng. Bởi nhiều ngân hàng công bố lãi suất 14- 15% nhưng DN không vay được, công bố hạ lãi suất chỉ để làm thương hiệu.

Xem có lợi ích nhóm không

ĐB Phạm Huy Hùng (Chủ tịch Vietinbank) cho rằng, các khó khăn, yếu kém của DN mới chủ yếu được phân tích ở nguyên nhân khách quan. Những bất cập từ nội tại chưa được mổ xẻ làm rõ. Hiệu quả sử dụng vốn rất thấp, đặc biệt là khu vực DNNN. T

heo ông Hùng, hệ thống thị trường tài chính bất ổn, thị trường vốn, tiền tệ, bất động sản méo mó ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế.

“Qua các vụ này vụ kia cho thấy đầu tư hàng nghìn tỷ đồng không hiệu quả khiến tăng GDP có phần không thực chất”- Ông Hùng nói.

Theo ĐB này, 4 tháng đầu năm, lạm phát giảm mạnh nhưng thực chất là do sức mua không có. Tăng trưởng tín dụng âm, nguồn vốn toàn ngành ngân hàng chỉ tăng 3,3%.

“Vietinbank là ngân hàng chủ lực của nền kinh tế mà đến 22- 5 tổng nguồn vốn giảm 12%, tổng đầu tư cho vay giảm 10,5%. Chưa bao giờ mà hết 5 tháng rồi có tình trạng như vậy”- Ông Hùng nói.

Nếu chúng ta không hài hòa mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng trưởng, cứ để nền kinh tế đuối mãi thì sau này vực không lên được nữa.

Do vậy, phải nhanh chóng sắp xếp lại các ngân hàng yếu kém, từ đó mới có điều kiện giảm lãi suất, nắn dòng vốn chủ yếu vào sản xuất kinh doanh.

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) Ảnh: Hồng Vĩnh
ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội).  Ảnh: Hồng Vĩnh.

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) nhận định, một nền kinh tế như Việt Nam mà cho ra đời cả trăm tổ chức tín dụng là điều bất bình thường trong quản lý vĩ mô.

Hàng chục nghìn DN phá sản mà các ngân hàng vẫn lãi lớn, trả lương cao. “Tôi đề nghị phải xem xét rõ có lợi ích nhóm trong việc này không. Vai trò của Ngân hàng Nhà nước ở đâu, thanh tra, kiểm tra ra sao” - Ông Quyền nói.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, tín dụng đến 30-4 không tăng, mà âm, chứng tỏ, tiền đang chạy lòng vòng trong các ngân hàng nhưng DN không tiếp cận được. Nếu ngân hàng thủ thế, thì ảnh hưởng đến DN. DN phá sản thì nợ không đòi được.

Vấn đề xã hội còn nhiều bức xúc

ĐB Nguyễn Đình Quyền cho rằng, những vấn đề xã hội như việc làm, giáo dục, y tế, giảm nghèo là những chỉ tiêu Chính phủ báo cáo đạt được, nhưng trên thực tế lại đang là những vấn đề bức xúc nhất của người dân.

Con số đó nói lên thành quả đạt được nhưng lại không phản ánh chất lượng. Các vấn đề xã hội đã rất nóng bỏng trong đời sống xã hội.

Theo ông Quyền, nguyên nhân hạn chế chưa được mổ xẻ. Do vậy, cần làm rõ năng lực và trách nhiệm của bộ máy nhà nước, cả hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách.

Lấy dẫn chứng vụ việc cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng, ông Quyền cho rằng, không phải do quy định của pháp luật mà do đội ngũ cán bộ, quản lý tổ chức thực hiện sai 100%.

ĐB Nguyễn Bắc Son (Hà Nội)
ĐB Nguyễn Bắc Son (Hà Nội).

ĐB Nguyễn Bắc Son (Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông) cho rằng, trong xã hội có những vấn đề bất ổn. Đó là tình trạng khiếu kiện đông người, hơn 70% khiếu kiện liên quan đến đất đai.

Điều này chứng tỏ chúng ta quản lý nguồn lực đất đai chưa tốt. Chính sách pháp luật đúng nhưng việc tổ chức thực hiện sai, dẫn đến bức xúc xã hội, khiếu kiện đông người.

Ngoài ra, có nơi chính quyền chưa thực hiện đúng quy chế phát ngôn cho báo chí. Cung cấp thông tin không đúng, một đồng chí phó Chủ tịch Hải Phòng nói “do dân bức xúc phá nhà ông Đoàn Văn Vươn” cuối cùng không phải như vậy.

Hay như ở Văn Giang, Hưng Yên vừa qua, rõ ràng có clip quay được công an đánh hai nhà báo chứ không phải do kẻ địch dựng lên để nói xấu chính quyền.

Theo ông Son, phải giải quyết thỏa đáng những bức xúc về đất đai. “Đất thu hồi cho các dự án kinh tế tư nhân thì phải thỏa thuận, chứ không nên cưỡng chế, dùng công an ra đối đầu với nhân dân, dẫn đến bức xúc xã hội. Việc cưỡng chế đất đai phải hết sức thận trọng” - Ông Son nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý :

“Quản lý nhà nước thời gian qua thể hiện sự yếu kém và không được rút kinh nghiệm. Ví như các vụ việc tại Vinashin, Vinalines và các tập đoàn khác. Từ những năm 2006, 2007, nhất là 2010 chúng ta đã nói tập đoàn chỉ làm thí điểm rồi rút kinh nghiệm. Nhưng chúng ta không rút kinh nghiệm, thành lập nhiều. Cứ đà này thì không chỉ Vinalines mà còn có đơn vị khác”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.