Doanh nghiệp “chết yểu” vì cơ quan quản lý

Doanh nghiệp “chết yểu” vì cơ quan quản lý
TP - Phần lớn cổ phần đã được bán trên sàn giao dịch chứng khoán, đại hội cổ đông cũng đã hoàn tất… Đột nhiên, cơ quan quản lý yêu cầu dừng mọi thủ tục vì có “đơn thư”. Tiến trình cổ phần hóa đang yên lành, doanh nghiệp bị đẩy vào tình cảnh “sống dở, chết dở”.

Cty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Tổng Cty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội. Ngày 29/10/2004, UBND TP Hà Nội quyết định cho phép Hacinco cổ phần hóa, với phương thức giữ nguyên phần vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu tăng vốn đầu tư cho doanh nghiệp.

Ngày 29/9/2005, UBND TP Hà Nội ra quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa Hacinco, với nội dung cơ cấu vốn điều lệ của Cty là 50 tỷ đồng, trong đó cho phép phát hành bán đấu giá cổ phần công khai trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội là 39.856.400.000 đồng (chiếm 79,71%).

Ngày 25/10/2005, Hacinco tổ chức đấu giá tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội. Kết quả đã bán được 37.026.600.000 đồng. Số tiền còn lại Cty thực hiện chuyển nợ thành vốn góp và thu trực tiếp tại Cty đảm bảo trước thời hạn theo quy chế đấu giá và thanh toán tiền mua cổ phiếu là: 14.360.500.000 đồng.

Ngày 2/12/2005, các nhà đầu tư và toàn thể công nhân viên Cty đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông thành lập Cty cổ phần đầu tư xây dựng Hacinco. Ngày 16/12/2005, Cty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội đã có tờ trình cơ quan quản lý xem xét ra quyết định chuyển đổi thành Cty cổ phần đầu tư xây dựng Hacinco.

“Chết yểu”

Tuy nhiên, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp đang “xuôi chèo mát mái” thì ngày 19/12/2005, bà Nguyễn Thị Chi (một cổ đông ngoài Cty) có đơn đề nghị thực hiện kiểm toán, quyết toán tài chính Cty Hacinco, với lý do “nghe nói” Cty đang mất cân đối về khả năng thanh toán tài chính, yêu cầu Cty phải kiểm toán.

 Ngay sau đó, ngày 23/12/2005, Phó GĐ Sở Tài chính TP Hà Nội Phạm Công Bình, có văn bản yêu cầu Cty phải kiểm toán nội bộ. Điều này đồng nghĩa với việc tiến trình chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang Cty cổ phần Hacinco bị trì hoãn.

Trao đổi với Tiền phong, ông Nguyễn Chí Sỹ, GĐ Hacinco cho biết: Việc thực hiện kiểm toán và quyết toán tài chính là việc làm thường niên, và trước khi tiến hành các bước để chuyển đổi thành Cty cổ phần, rồi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chúng tôi đã thực hiện tất cả các thủ tục cần thiết theo quy định. Nên yêu cầu kiểm toán là không cần thiết.

Ngày 3/8/2006, ông Bình tiếp tục có văn bản gửi Bộ Tài chính khẳng định, việc Hacinco thực hiện việc chuyển nợ thành vốn góp, không nộp đủ tiền bán cổ phiếu vào tài khoản phong tỏa tại Kho bạc Hà Nội là  trái quy định…

Trên cơ sở đó, ông Bình đề nghị hủy kết quả đại hội cổ đông của Cty, thu nộp ngân sách số tiền đặt cọc của các nhà đầu tư chuyển nợ thành vốn góp và nộp tiền mua cổ phần tại Cty.

Phúc đáp văn bản của ông Bình, ngày 8/3/2006, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) có văn bản số 54 khẳng định: Việc Hacinco căn cứ kết quả bán đấu giá cổ phần lần đầu tại Trung tâm giao dịch chứng khoán, các văn bản giấy tờ cam kết giữa nhà đầu tư với doanh nghiệp liên quan đến việc chuyển nợ thành vốn góp (theo hướng dẫn của Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội) để yêu cầu nhà đầu tư nộp số tiền mua cổ phần còn lại về tài khoản của doanh nghiệp là phù hợp với quy định của pháp luật.

Ông Sỹ cho biết, việc trì hoãn chuyển đổi doanh nghiệp thành Cty cổ phần đã kéo dài gần một năm (11 tháng) gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp. Bởi số tiền 22.666.100.000 đồng bán cổ phiếu theo phương án cổ phần hóa được duyệt, lẽ ra đã được dùng cơ cấu giảm dư nợ và đầu tư kịp thời cho các dự án thì đến nay vẫn bị phong tỏa tại Kho bạc Hà Nội. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty trong năm 2006 đều bị đình đốn, tiền lương của cán bộ công nhân viên không được chi trả, tâm lý người lao động lo lắng, tâm lý các nhà đầu tư băn khoăn, hoang mang. Nhiều cán bộ chủ chốt và công nhân kỹ thuật tay nghề cao đã phải rời bỏ Cty tìm nơi làm việc mới để đảm bảo đời sống…

Những khó khăn, thiệt hại, tổn thất đó ai sẽ phải gánh chịu?

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.