Doanh nghiệp chiếm dụng, nợ hơn 5.700 tỷ đồng bảo hiểm xã hội

TPO - Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra ở nhiều địa phương với tổng số tiền hơn 5.700 tỷ đồng, chiếm 3,3% số phải thu.
Doanh nghiệp chiếm dụng, nợ hơn 5.700 tỷ đồng bảo hiểm xã hội ảnh 1

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị tổng kết (ảnh LĐ)

Sáng 12/1, tại Hội nghị tổng kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, tình trạng nợ lương tuy có giảm hơn, nhưng vẫn xảy ra tại một số ngành, địa phương với tổng số tiền trên 321 tỷ đồng.

Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra ở nhiều địa phương với tổng số tiền hơn 5.700 tỷ đồng, chiếm 3,3% số phải thu.

Về tình hình việc làm, thu nhập của người lao động, theo ông Hải, năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tạo việc làm cho khoảng hơn 1,1 triệu lao động. Tuy nhiên, có hơn 72.700 doanh nghiệp giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động , nhiều người lao động mất việc làm. Một bộ phận lao động nữ trên 35 tuổi tại một số doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp, khu chế xuất có việc làm không ổn định.

Thu nhập của người lao động làm công hưởng lương bình quân khoảng 5,2 triệu đồng , tăng 7,2 % so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu do tăng lương tối thiểu vùng và thu nhập ngoài lương trong dịp Tết Nguyên đán. Nhiều người lao động phải chấp nhận tăng ca, làm thêm giờ để tìm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.

“Chất lượng cuộc sống của người lao động ở vùng công nghiệp phát triển có sự chuyển biến, nhưng những vấn đề bức xúc chưa có sự thay đổi rõ nét, công tác quản lý nhà trẻ, nhà mẫu giáo dành cho con công nhân còn nhiều bất cập”, ông Hải cho biết.

Cũng theo ông Hải, tình hình ngừng việc tập thể có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp. Ngoại trừ năm 2015, do ảnh hưởng của điều 60 luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhìn chung, số cuộc ngừng việc tập thể có xu hướng giảm mạnh trong 5 năm qua, nhưng năm 2017, cả nước xảy ra 314 cuộc ngừng việc tập thể trên địa bàn 36 tỉnh, thành phố, tăng 28 cuộc so với cùng kỳ năm 2016, tương đương về số cuộc xảy ra năm 2015.

Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, xuất hiện một số cuộc ngừng việc tập thể có dấu hiệu tác động phức tạp từ bên ngoài quan hệ lao động, đặt ra yêu cầu chủ động, kịp thời trong xử lý và làm tốt công tác định hướng thông tin của các cấp công đoàn.

Ông Hải cũng phản ánh việc quy định cách tính lương hưu của lao động nữ theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thay đổi, dẫn đến một bộ phận lao động nữ có dưới 30 năm đóng Bảo hiểm xã hội nghỉ hưu năm 2018 sẽ có tỷ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng bảo hiểm xã hội nghỉ hưu năm 2017 (với mức chênh lệch từ 4 – 10%) , gây tâm lý bất an cho người lao động.

“Cuộc sống của đại bộ phận đoàn viên, người lao động còn gặp nhiều khó khăn, mong muốn Đảng, Nhà nước có thêm nhiều chính sách mới để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động”, ông Hải nói.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).