Đầu ra cho cá tra ở ĐBSCL:

Doanh nghiệp có mối mới, dân lao đao

Doanh nghiệp có mối mới, dân lao đao
TP - Ở ĐBSCL, nhiều doanh nghiệp chế biến chủ động tạo nguồn cá tra nguyên liệu, thoát ra khỏi quan hệ làm ăn nhì nhằng với nông dân, khiến cá tra liên tiếp rớt giá, nông dân nuôi cá lao đao.

Đã vào cuối vụ, Ông Võ Văn Hải ở phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ) rầu rĩ  bên ao cá tra ước khoảng 70 tấn không ai hỏi mua.

Ông đang chạy đôn đáo tìm người mua, hy vọng bán được với giá 14.800 đồng/kg, chấp nhận lỗ 1.000 đồng/kg.

Chưa có người mua, mỗi ngày ông lỗ thêm sáu triệu đồng tiền thức ăn. “Cứ đà này, không bao lâu cá quá lứa sẽ phải bán giá thấp hơn nữa”, ông rầu rĩ.

Cuối năm 2008, nhiều hộ nuôi cá tra cụt vốn, không thể tiếp tục, ông Hải cũng thua lỗ nhưng bấm bụng vay mượn để đón đầu, dự đoán thiếu cá tra nguyên liệu thì ông có lời nhiều để bù lại.

Thế nhưng, giá cá tra chỉ tăng khi cá của ông mới nuôi, nay cá của ông đến kỳ thu hoạch thì liên tục rớt. “Biết thế này thà treo ao từ vụ trước, nuôi cá bây giờ không khác gì đánh bạc”, ông Hải ngán ngẩm.

Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã giảm 800 – 1.600 đồng/kg so với tháng trước. Giá cá tra nguyên liệu loại tốt (thịt trắng, trọng lượng 800g-1kg/con) đang ở mức 14.400-15.600 đồng/kg; còn cá loại xấu hơn chỉ còn 12.000 -14.200 đồng/kg.

Trong khi đó, giá nhiều loại thức ăn cho cá tăng 200-300 đồng/kg, nguyên liệu làm thức ăn tự chế như cám gạo, đậu nành, bột cá, cá biển cũng tăng 1.000-4.000 đồng/kg. Điều này khiến hàng loạt nông dân méo mặt vì phải bỏ ra khoản đầu tư không nhỏ duy trì những ao cá, hầu hết người nuôi thua lỗ, nhiều hộ đổ nợ.

Ông Dương Tấn Lộc, Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thủy sản Thành phố Cần Thơ cho biết, tại Cần Thơ, diện tích nuôi cá tra đã giảm 27 phần trăm so với năm 2008, còn 972 ha; sản lượng cá cũng giảm 25 phần trăm, chỉ còn khoảng 54.000 tấn.

Thị trường xuất khẩu con cá tra không có nhiều biến động, các doanh nghiệp thủy sản không hề cắt giảm công suất. Vì thế, cá tra rớt giá trong thời điểm này là một việc bất thường. “Doanh nghiệp nào cũng kêu cá tra thành phẩm bị tồn kho, xuất khẩu khó khăn”, ông Lộc nói.

Khi doanh nghiệp có hướng đi riêng

Ông Nguyễn Văn Phấn, Giám đốc Cty TNHH Chế biến Thủy sản Hiệp Thành (Thốt Nốt, Cần Thơ), khẳng định, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu cá tra giảm một nửa so với cuối năm 2008. Trong khi diện tích nuôi của nông dân chỉ giảm 30 phần trăm.

Tính đơn giản, sẽ có 20 phần trăm cá của nông dân bị ế. Trước đây, thị trường xuất khẩu chưa bị thu hẹp, nhà máy của ông hoạt động hết công suất 200 tấn/ngày, đến nay chỉ vận hành một nửa. “Hiện tại, Cty có diện tích ao nuôi 1.000 ha, đủ nhu cầu cho sản xuất nên không mua cá bên ngoài nữa”, ông Phấn cho biết.

Từ năm ngoái, Cty TNHH Hiệp Thành chủ động tạo vùng nuôi để cung cấp cá tra nguyên liệu 30.000-40.000 tấn/năm. Cty Hiệp Thành và nhiều doanh nghiệp khác ngừng thu mua cá của nông dân từ gần một tháng nay. “Hiệp hội thủy sản các nơi cho rằng, giảm 30 phần trăm diện tích ao nuôi, con số đó khó chính xác”, ông Phấn nhận định.

Thực tế, hầu hết doanh nghiệp đã chủ động đầu tư nuôi cá. Số lượng ao cá của doanh nghiệp đang tăng dần đều mà không chắc các hiệp hội nắm được. Ông Phấn nói, 60 phần trăm doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Cần Thơ đã chủ động nuôi cá tra và con số này đang tiếp tục tăng. Chỉ có các doanh nghiệp nhỏ mới duy trì mua cá của nông dân.

Ông Phan Bá Tòng, GĐ Cty XNK Thủy sản Thiên Mã (KCN Trà Nóc, Cần Thơ) cũng nói: “Hiện tại doanh nghiệp thủy sản nào cũng chủ động tạo nguồn cá tra nguyên liệu, không thể trông chờ vào nông dân được nữa”.

Kiểu làm ăn tự phát khiến doanh nghiệp chịu nhiều rủi ro, đầu vào không ổn định, kì kèo giá cả và việc không tuân thủ hợp đồng. Cty Thiên Mã có nguồn cá tra nguyên liệu phục vụ cho nhà máy công suất 250 tấn/ngày, không còn mua của nông dân. Sắp tới, doanh nghiệp này nâng công suất lên 750 tấn/ngày, đồng thời mở rộng diện tích nuôi cá tương ứng.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Cá tra Thới An (Ô Môn, Cần Thơ) chia sẻ, kiểu làm ăn theo mùa, đầu tư nuôi cá tràn lan, khi cá ế thì nông dân chạy tìm doanh nghiệp, khi thiếu nguyên liệu thì doanh nghiệp chạy tìm nông dân, đã lạc hậu.

Doanh nghiệp đã chủ động thoát ra, nên nông dân cũng phải biết thích nghi với hoàn cảnh mới. “Tức là phải nắm rõ nhu cầu của thị trường hoặc nhu cầu doanh nghiệp cụ thể, sản xuất theo đặt hàng và ràng buộc trách nhiệm, quyền lợi ngay từ đầu”, ông Hải đề xuất. Cá tra liên tục hạ giá hiện nay, có thể không phải là tín hiệu xấu?

Ông Phan Bá Tòng, Giám đốc Cty XNK Thủy sản Thiên Mã: “Khi các hiệp hội thủy sản đưa ra con số diện tích nuôi cá tra tại ĐBSCL giảm 30 phần trăm, nhiều tờ báo dự đoán các doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ thiếu nguyên liệu. Thực tế họ hoàn toàn võ đoán, vô tình gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận vốn của các ngân hàng. Thực tế cá tra nguyên liệu đang dư thừa”.
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.