Doanh nghiệp đề nghị tăng giá xăng thêm 500 đồng

Doanh nghiệp đề nghị tăng giá xăng thêm 500 đồng
TPO - Tổng Cty xăng dầu Việt Nam, Tổng Cty Xăng dầu Quân Đội và Tổng Cty Dầu VN (PV Oil) vừa gửi văn bản tới liên bộ Tài Chính – Công Thương xin tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước thêm 500 đồng.

Đồng thời cũng xin hạ giá bán lẻ dầu hỏa do giá thế giới giảm.

Doanh nghiệp đề nghị tăng giá xăng thêm 500 đồng ảnh 1
Các doanh nghiệp lại xin tăng giá bán xăng do giá thế giới lên cao khiến doanh nghiệp bị lỗ

Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết giá xăng A92 thành phẩm bình quân tính trong 20 ngày qua tại thị trường Singapore mà doanh nghiệp này nhập về ở mức khá cao, trung bình ở mức 73 USD/thùng.

Cá biệt trong một vài ngày gần đây, giá tiếp tục tăng cao hơn. Với mức giá nhập này, doanh nghiệp bán lẻ trong nước bị lỗ hơn 1.000 đồng/lít xăng bán ra và lỗ tới 1.000 đồng đối với mặt hàng madút.

Đại diện liên Bộ Tài chính – Công Thương cũng xác nhận đã nhận được văn bản kiến nghị điều chỉnh giá bán của các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối nêu trên. Tuy nhiên, Liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ xem xét thận trọng dựa trên diễn biến thị trường thế giới vì hiện nay mặt hàng này đang có diễn biến khá phức tạp.

Giá xăng A92 tại thị trường Singapore trong sáng nay đã tăng lên và đứng ở mức 76,34 USD/thùng. Giá dầu diesel 0,25S ở mức 77,48 USD/thùng trong khi dầu diesel 0,05S tăng lên mức 77,830 USD/thùng.

Liên quan đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước, hồi giữa tháng 7 vừa qua, một đại diện của Liên bộ Tài Chính – Công Thương đã tuyên bố sẽ nhắc doanh nghiệp giảm giá bán lẻ xăng dầu do từ đầu tháng 7 giá xăng thành phẩm nhập khẩu có xu hướng giảm. Tuy nhiên sau đó không có doanh nghiệp đầu mối nào đề nghị giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước với lý do việc kinh doanh vẫn bị lỗ.

Ngày 29/7 vừa qua, liên Bộ Tài Chính – Công Thương đã có cuộc họp về  việc điều chỉnh, bổ sung Nghị định 55 về kinh doanh xăng dầu. Tại cuộc họp này Bộ Tài chính đã đưa ra ba phương án mới về điều hành giá xăng dầu.

Theo phương án 1, khi giá đầu vào tăng trên 3% so với giá bán lẻ hiện hành thì doanh nghiệp được tăng giá bán.

Với phương án 2, khi giá xăng dầu thế giới đầu vào tăng dưới 10% thì doanh nghiệp chủ động quy định giá. Nếu giá tăng từ 10 - 15% doanh nghiệp được điều chỉnh giá tăng 60% của mức giá vốn thêm 10 – 15%. 40% còn lại được bù từ Quỹ bình ổn giá. Thời gian giữa 2 lần tăng giá liên tiếp là 20 ngày.

Theo phương án 3 của Bộ Tài chính, nếu giá đầu vào tăng 7% doanh nghiệp được quy định mức giá và Nhà nước sẽ giám sát, có ý kiến nếu mức tăng giá không hợp lý. Trường hợp giá tăng từ 7 – 12% thì doanh nghiệp được điều chỉnh giá của 60% mức giá vốn tăng, 40% còn lại bù từ quỹ bình ổn giá. Nếu giá tăng trên 12% Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn cần thiết. Thời gian giữa hai lần tăng giá cũng là 20 ngày.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết nghiêng về phương án 3.

Tại cuộc họp này, Phó Giám đốc Sở Công thương Vĩnh Phúc Nguyễn Thanh Toản cũng cho rằng thị trường xăng dầu hiện nay cần có sự điều chỉnh trong đó giải pháp tiên quyết là phải tách 12.000 cây xăng bán lẻ hiện nay ra khỏi các công ty nhập khẩu xăng dầu, trước hết là Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Theo ông Toản, xăng dầu khác với hàng hóa khác là người bán muốn bán tới người tiêu dùng phải có địa điểm mà địa điểm bán thì không thể xây dựng tràn lan được.

Do với đặc thù của mặt hàng này, nếu vẫn giữ quy định như hiện hành là một cửa hàng bán lẻ chỉ được bán hàng của đầu mối nhập khẩu duy nhất thì chắc chắn sẽ khó khăn có một thị trường xăng dầu cạnh tranh.

MỚI - NÓNG