Phát triển kênh phân phối hiện đại trong nước:

Doanh nghiệp đứng trước cơn lốc cạnh tranh

Doanh nghiệp đứng trước cơn lốc cạnh tranh
Hiện cả nước mới có một số tập đoàn phân phối: Metro, Bourbon, Parkson và Diary Farm, nhưng xu hướng bành trướng thị trường của những tập đoàn này đã quá rõ
Doanh nghiệp đứng trước cơn lốc cạnh tranh ảnh 1

Sau Metro, BigC đã vào Việt Nam chiếm lĩnh thị phần                  ảnh: Đình Thắng

Từ lâu, Bộ Thương mại đã cảnh báo các DN phải phát triển nhanh hệ thống DN phân phối ở thị trường trong nước để đối phó các DN nước ngoài “ăn hớt” hoạt động kinh doanh béo bở này. Thế nhưng đến cuộc tọa đàm “Xây dựng và phát triển các nhà phân phối lớn của VN” do Bộ TM tổ chức ngày 9/3/2005, không ít DN gọi là lớn ở Việt Nam vẫn “lơ ngơ” trước nhiệm vụ phải chiếm lĩnh thị trường của chính mình.

Điểm mặt trên thị trường nội địa, hiện mới chỉ có một vài DN kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại là: SAIGON CO.OP, Cty xuất nhập khẩu Intimex… tiếp cận không chỉ khách hàng có thu nhập cao mà đáp ứng được cả khách hàng bình dân. SAIGON CO.OP hiện đã có 13 siêu thị, tổng doanh thu từ hoạt động phân phối trong năm 2004 là 1,751 tỷ USD, được mệnh danh là nhà bán lẻ hàng đầu tại VN.

Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng hàng năm của kênh phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại) 15-20%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của các ngành bán lẻ khác 10%. Theo ông Nguyễn Văn Tạo - GĐ Cty XNK Intimex, hệ thống các kênh phân phối hiện đại từ chỗ chiếm 3% thị phần bán lẻ cả nước đã tăng lên 25% và có thể đạt 30-40% và thực tế vẫn còn nhiều chỗ kinh doanh hấp dẫn đang đợi DN có “gan”  vào lĩnh vực phân phối.

Thực tế cho thấy, người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trong siêu thị ngày càng đông, nhưng Việt Nam mới chỉ có khoảng 170 siêu thị và trung tâm TM, trong đó 140 siêu thị và 30 trung tâm TM đang hoạt động tại 25 tỉnh thành trong cả nước. Theo các DN đây vẫn là con số quá bé so với nhu cầu của người dân.

Chưa tạo được hệ thống các kênh phân phối hiện đại, lại dễ bị tổn thương đang là điểm yếu của DN. PGS-TS Hoàng Thọ Xuân-Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ TM) - cho biết: Bộ TM đang lựa chọn 15-20 nhà phân phối lớn, tạo một số hệ thống phân phối mạnh, kênh lưu thông ổn định làm nòng cốt cho bình ổn giá ở thị trường nội địa…Như vậy “đất” và nhu cầu mua sắm trong siêu thị của người dân vẫn đang “khát” các DN xây dựng kênh phân phối hiện đại, cạnh tranh. 

Các “đại gia” nước ngoài sẽ thống lĩnh?

Theo phản ánh của các DN phân phối lớn, vì ra đời muộn, tự phát nên DN phân phối chưa tìm được mô hình phát triển đúng, phục vụ khách hàng còn yếu: phần lớn siêu thị vẫn phải lấy hàng từ các kênh trung gian, chợ buôn, hàng trùng lặp với hàng ở các quầy bán lẻ truyền thống, thiếu đặc trưng siêu thị, nên giá cao khó cạnh tranh; DN chưa coi trọng nâng cao chất lượng dịch vụ sau bán hàng nên làm giảm sức hấp dẫn khách…

Đến nay, nhiều DN sản xuất chưa thực sự ý thức nhiệm vụ phát triển kênh phân phối. Sản xuất xong bán ra khỏi nhà máy là “phủi tay”, quên trách nhiệm, nên không kiểm soát được thị trường. Theo Bộ TM, trong khi đàm phán gia nhập WTO, DN nước ngoài đang đòi hỏi được kinh doanh phân phối tại thị trường VN.

Đây sẽ là bất lợi chưa bao giờ DN phân phối trong nước phải đối mặt. Hiện cả nước mới có một số tập đoàn phân phối: Metro, Bourbon, Parkson và Diary Farm, nhưng xu hướng bành trướng thị trường của những tập đoàn này đã quá rõ. Với tiềm lực tài chính, phương thức điều hành vượt trội, chất lượng dịch vụ cao, có hệ thống siêu thị liên kết thành chuỗi…các tập đoàn này đã như cơn lốc sẵn sàng lấn lướt các DN nhỏ bé trong nước.

Dù thế, Bộ TM vẫn khẳng định: chấp nhận có DN bị phá sản, còn hội nhập, cạnh tranh là xu hướng không thể đảo ngược. Ông Hoàng Thọ Xuân khuyến cáo: DN nên học tập DN tư nhân, trong kinh doanh phân phối, phải nhìn lên chứ đừng “củ mài ăn xuống”. Đã tham gia vào kinh doanh thì dứt khoát phải làm giàu, thành DN lớn. Ngay từ bây giờ, tất cả các hệ thống phân phối theo địa bàn nhỏ bé hay hiện đại, không nên đặt vấn đề nhà nước hay tư nhân mà số 1 là phải ý thức mình là DN Việt Nam. Có thế mới trụ được trước cạnh tranh khốc liệt. 

MỚI - NÓNG