Doanh nghiệp FDI: Đăng ký lại hay thôi?

Doanh nghiệp FDI: Đăng ký lại hay thôi?
Tất cả DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở Việt Nam hiện đang băn khoăn trước câu hỏi có nên đăng ký lại theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2006.
Doanh nghiệp FDI: Đăng ký lại hay thôi? ảnh 1

Theo luật mới, doanh nghiệp FDI nào chấm dứt tồn tại phải trả trợ cấp mất việc cho công nhân.

Dự thảo Nghị định về vấn đề này cho phép các doanh nghiệp FDI suy nghĩ, cân nhắc trong vòng hai năm để quyết định. Có lẽ vấn đề không phải ở thời hạn mà là sự dễ dàng hay phức tạp của việc đăng ký lại cũng như thuận lợi hay khó khăn cho doanh nghiệp khi quyết định đăng ký hay không đăng ký lại.

Doanh nghiệp FDI không đăng ký lại sẽ gặp khá nhiều khó khăn. Theo dự thảo Nghị định nói trên, trước hết, họ phải “điều chỉnh cơ cấu tổ chức doanh nghiệp phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp”.

Điều này có nghĩa, chẳng hạn, doanh nghiệp phải giải tán hội đồng quản trị và thay bằng hội đồng thành viên vì đa phần doanh nghiệp FDI được thành lập theo dạng công ty trách nhiệm hữu hạn.

Dù không đăng ký lại, họ cũng phải tuân thủ các quy định của hai luật mới, trừ nội dung đã ghi rõ trên giấy phép đầu tư. Mặc dù hợp đồng liên doanh, điều lệ doanh nghiệp vẫn có hiệu lực áp dụng với doanh nghiệp không đăng ký, những nội dung nào trái với quy định của hai luật mới thì phải được hiểu theo tinh thần hai luật mới.

Chẳng hạn, Luật Đầu tư nước ngoài hiện nay, sau nhiều lần sửa đổi đã cho phép hội đồng quản trị biểu quyết khá nhiều vấn đề theo nguyên tắc đa số quá bán; nay áp dụng theo Luật Doanh nghiệp mới, nhiều vấn đề chỉ được thông qua nếu có tối thiểu 65% thành viên trong hội đồng nhất trí. Rõ ràng đây là một bước lùi, nhất là trong các liên doanh, khi tỷ lệ 50% hay 65% rất có ý nghĩa.

Quan trọng hơn, doanh nghiệp không đăng ký lại sẽ không được quyền điều chỉnh giấy phép đầu tư trong nhiều nội dung quan trọng: ngành nghề kinh doanh, thời hạn hoạt động, ưu đãi đầu tư, chia tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp.

Khó khăn nhiều như thế, ắt ai cũng bảo doanh nghiệp FDI nên đăng ký kinh doanh - đầu tư lại theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, để có thể giữ nguyên hình thức tổ chức doanh nghiệp và nội dung đầu tư theo giấy phép đã được cấp, đồng thời tránh được những điều chưa rõ ràng nói trên.

Thế nhưng, đăng ký lại đối với nhiều doanh nghiệp không phải là chuyện đơn giản. Thủ tục đăng ký lại, theo dự thảo Nghị định, khá đơn giản và rõ ràng. Vấn đề là ở những trường hợp ngoại lệ.

Dự thảo đã bỏ sót một hình thức đầu tư nước ngoài quan trọng là các hợp đồng hợp tác kinh doanh, không rõ sẽ đăng ký thành loại hình gì. Nhiều doanh nghiệp FDI đang ở trong giai đoạn chuyển đổi thành công ty cổ phần FDI nay phải đăng ký thành công ty trách nhiệm hữu hạn rồi sau đó mới tiếp tục chuyển đổi - một sự lãng phí công sức và thời gian đáng kể.

Có lẽ vì thế, một số luật sư nước ngoài cho biết, nhiều dự án đang chậm lại để đến sau tháng 7/2006 mới vào đầu tư vì ngại nay họ nhận giấy phép đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài và chỉ vài tháng sau lại phải đi đăng ký lại, thêm phiền phức.

Tương tự, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đặc biệt, hoạt động theo luật khác với Luật Đầu tư nước ngoài như các công ty bảo hiểm, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài... không biết mình sẽ đăng ký lại như thế nào.

Dự thảo Nghị định cũng chưa làm rõ quá trình đăng ký lại sẽ tác động như thế nào đối với doanh nghiệp. Theo quy định, sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp FDI cũ sẽ chấm dứt tồn tại, doanh nghiệp mới bắt đầu hoạt động. Dĩ nhiên doanh nghiệp mới sẽ phải kế thừa mọi quyền lợi và nghĩa vụ, các khoản nợ, các hợp đồng... của doanh nghiệp cũ.

Thế nhưng, cũng theo luật, doanh nghiệp nào chấm dứt tồn tại phải trả trợ cấp mất việc cho công nhân.

Chưa rõ điều khoản này của Bộ luật Lao động sẽ được một nghị định giải quyết như thế nào. Và biết đâu cũng có doanh nghiệp nhân việc đăng ký lại để tổ chức bộ máy nhân sự hay lực lượng công nhân, có thể gây ra những xáo trộn không cần thiết.

Doanh nghiệp đăng ký lại cũng sẽ phải thay đổi một phần của tên gọi, dù nhỏ nhưng phải làm lại mọi thứ, từ bảng hiệu cho đến danh thiếp, từ thư có tiêu đề đến con dấu, hóa đơn, biểu mẫu...

Nhiều luật sư nhận định các khó khăn và sự chưa rõ ràng chung quanh dự thảo Nghị định cho thấy việc khẳng định doanh nghiệp FDI “có quyền quyết định việc đăng ký lại hay không đăng ký lại” như trong dự thảo Nghị định chỉ là một cách nói không thuyết phục vì rõ ràng họ khó có chọn lựa nào khác hơn là đi đăng ký lại và phải giải quyết khá nhiều khó khăn sẽ nảy sinh.

Theo TBKTSG

MỚI - NÓNG