Doanh nghiệp gồng mình gánh lỗ

Doanh nghiệp gồng mình gánh lỗ
Sức ép tăng giá xăng đang đè nặng lên các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đang gồng mình gánh lỗ và khả năng phải tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ là rất gần.
Doanh nghiệp gồng mình gánh lỗ ảnh 1

Các công ty taxi cho biết hiện việc kinh doanh đang rơi vào ngưỡng lỗ sau khi xăng tăng giá đến 15,8%. “Chúng tôi đang sốt ruột nhưng phải đợi hiệp hội họp bàn thì mới quyết định sẽ tăng cước bao nhiêu” - ông Huỳnh Văn Sĩ, phó tổng giám đốc Hãng Vinasun, nói.

Một lãnh đạo của Hiệp hội Taxi TP.HCM cho biết hiện hiệp hội vẫn chưa lên kế hoạch họp nhưng việc tăng giá là không thể tránh khỏi.

Theo ông này, có thể công ty của ông sẽ tăng khoảng 500 đồng/km. Chủ tịch HĐQT một công ty taxi lớn của thành phố cũng khẳng định mức tăng của công ty sẽ không vượt quá 10% so với giá hiện hành.

Trong khi đó, các bác xe ôm đã tăng giá ngay sau khi Chính phủ điều chỉnh giá xăng. “Xăng tăng 15% thì tôi cũng phải tăng chừng ấy chứ biết làm sao được. Mấy bữa tôi đưa các bà nội trợ đi chợ lấy 8.000 đồng hai chiều đi về, nay tôi xin thêm 2.000 đồng nữa mà mấy bà đâu có chịu. Cò kè mãi họ chỉ đưa thêm 1.000 đồng, tôi cũng đành phải lấy. Nhưng với khách đi đường xa hơn thì tôi thà từ chối còn hơn” - một bác xe ôm bám trụ ở ngã tư Phú Nhuận (TP.HCM) cho biết.

Các công ty giao nhận vận tải khẳng định hiện nay cước phí vận tải đường bộ trong nước vẫn giữ như cũ. “Giá xăng tăng thật ra chỉ tác động tới túi tiền của các hộ gia đình chứ không ảnh hưởng nhiều đến ngành vận chuyển hàng hóa. Hiện nay, hầu như các xe tải đều sử dụng dầu diesel, mà dầu trong đợt vừa rồi chỉ tăng 5%. Với mức tăng này chúng tôi vẫn còn cầm cự được nên không nhất thiết phải điều chỉnh” - giám đốc một doanh nghiệp nói.

Hàng xuất khẩu của VN lại chịu thêm gánh nặng do cước phí vận tải biển cũng tăng theo giá xăng dầu thế giới.

Hiệp hội các hãng tàu Viễn Đông (FEFC) bao gồm các công ty như Maersk Line, Mitsui O.S.K Lines, Yangming... thông báo tăng phụ phí xăng dầu cho các lô hàng đi các tuyến, từ VN đi các nước châu Âu trong tháng năm lên 276 USD/TEU (container 20 feet), tăng 6 USD so với tháng trước. FEFC cũng cho biết phụ phí xăng dầu tháng sáu cũng tiếp tục tăng, lên đến 301 USD/TEU.

Càng sản xuất càng lỗ

Công ty TNHH nhựa và hóa chất TPC Vina cũng đã tăng giá PVC thêm 500 đồng/kg, áp dụng từ đầu tháng năm này, lên 14.200 đồng/kg. Theo đại diện của TPC Vina, nguồn nguyên liệu sản xuất PVC tăng giá 30-40 USD/tấn. Giá nguyên liệu tăng cao khiến các doanh nghiệp ngành nhựa phải “liệu cơm gắp mắm”.

Công ty nhựa Sài Gòn cho biết đã giảm 20% công suất, chỉ duy trì các mặt hàng chiến lược và thực hiện các hợp đồng đã ký. Ông Phan Văn Thanh - giám đốc - cho biết “trước mắt công ty phải chấp nhận giảm lợi nhuận do chi phí vận chuyển đã tăng 2,2% so với trước”.

Còn với nhựa Bình Minh, dù đang sử dụng nguyên liệu dự trữ nhưng bà Nguyễn Thị Kim Yến - phó giám đốc - cho rằng nếu giá nguyên liệu tăng thêm, công ty cũng phải tính toán lại vì không kham nổi.

Với các công ty có đơn hàng xuất khẩu, hầu hết các doanh nghiệp cho biết xu hướng chung đều chọn giải pháp “thuyền lên, nước lên”. “Giá dầu lên thế nào đối tác cũng biết nên khi đặt hàng họ cũng cân nhắc tính toán ghê lắm. Vấn đề là tìm được sự thỏa thuận hợp lý cho cả đôi bên. Nhưng trước mắt doanh nghiệp phải gánh lỗ là điều không tránh khỏi cho các đơn hàng đã ký cách đây một tháng” - ông M., giám đốc Công ty TNHH nhựa T., nói.

Nhiều đơn vị vừa và nhỏ trong ngành cao su, nhựa cũng đang hoạt động cầm chừng để giữ chân khách hàng, số khác phải tạm ngưng hoạt động vì lỗ. Giám đốc một đơn vị sản xuất săm lốp tại Bình Dương cho biết nguồn nguyên liệu chính của đơn vị này là mủ cao su, nhưng khi cao su tổng hợp tăng mạnh, giá mủ cao su thiên nhiên cũng tăng theo.

Hiện giá mủ cao su thiên nhiên đã đạt gần 40 triệu đồng/tấn, cao nhất từ trước đến nay. “Không tăng giá bán thì lỗ, nhưng tăng giá mà bán không được cũng... chết nên doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động để chờ” - vị giám đốc này nói.

Các doanh nghiệp ngành giày cũng rơi vào tình cảnh “dở khóc dở mếu” do tác động của giá dầu. Ông Đỗ Long, tổng giám đốc Công ty Bita’s, cho biết giá thành giày các loại của đơn vị này đã tăng 16-17% so với đầu năm, do hầu hết các loại nguyên phụ liệu có gốc dầu phục vụ sản xuất (chiếm 38-40% giá thành sản phẩm) đều tăng mạnh. “Hơn 70% sản phẩm của Bita’s dành cho xuất khẩu, đã ký hợp đồng ngay từ đầu năm nên không thể tăng giá, trong khi tất cả các loại nguyên phụ liệu nhập khẩu đều tăng mỗi ngày, không lỗ mới là chuyện lạ” - ông Long than thở.

Với các đơn vị xây dựng điện thì chịu sức ép tăng giá cao hơn, ngoài nhựa PVC, giá nguyên liệu đồng cũng tăng mạnh. Giá đồng từ mức 4.700 USD/tấn nay tăng lên 7.000 USD/tấn. Chỉ trong bốn tháng, các nhà sản xuất dây đồng đã ba lần tăng giá, trong khi đơn vị xây dựng đã ký hợp đồng với khách hàng, đàm phán lại giá thì quá khó. "Thua lỗ đã rõ" - ông Nguyễn Đăng Hoàng Nguyên, giám đốc Công ty công nghiệp điện Viễn Đông, than thở.

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG