Doanh nghiệp kêu khó vay vốn kích cầu

Doanh nghiệp kêu khó vay vốn kích cầu
TP - “Mục đích gói vay kích cầu của Chính phủ là giúp doanh nghiệp (DN) vượt khó khăn. Tuy nhiên, các điều kiện cho vay như đang đánh đố DN”.

>> Doanh nghiệp Việt Nam vẫn yếu khâu bán hàng

Ông Trần Quốc Mạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM  (HAWA), thốt lên tại một diễn đàn chuyên đề về vay vốn kích cầu do Hiệp hội doanh nghiệp (DN) TPHCM tổ chức chiều 8/9.

Doanh nghiệp kêu khó vay vốn kích cầu ảnh 1
Nhiều DN ngành da giày cho biết, rất muốn vay vốn kích cầu - Ảnh: Đại Dương

Ông Mạnh nêu lên nghịch lý: Điều kiện cho vay vốn kích cầu rất khắt khe như DN phải có tài sản thế chấp, lành mạnh về tài chính… Những DN khó khăn thì không thỏa mãn được các điều kiện này, trong khi các DN thoả mãn được thì không còn gọi là khó khăn nhưng lại được vay.

Ông Nguyễn Chí Nguyện - Tổng Thư ký Hiệp hội DN TPHCM: Quỹ bảo lãnh tín dụng DN vừa và nhỏ TPHCM hoạt động từ năm 2006. Vốn hoạt động của Qũy là 300 tỷ đồng, từ ngân sách thành phố và của bốn ngân hàng thành viên.

Đã có 80 DN tìm đến Quỹ đề nghị vay với tổng dư nợ trên 397 tỷ đồng. Hiện Qũy đã giải quyết cho 30 DN vay, với số dư nợ 220 tỷ đồng.

Trong chín  tháng đầu năm 2009, kế hoạch giải ngân là 190 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh - Tổng Thư ký Hội DN huyện Bình Chánh cũng xác nhận nghịch lý này đang tồn tại, và đó là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các DN rất khó tiếp cận với nguồn vốn kích cầu.

“DN không đủ điều kiện, tức khó khăn thì mới cần vay vốn, còn đã mạnh rồi thì cần vay làm gì. Có phải chúng ta đang rơi vào vòng luẩn quẩn?”. Ông Mạnh và bà Linh cùng đề nghị phải có chính sách hỗ trợ DN bằng việc nới lỏng các điều kiện cho vay vốn kích cầu.

Một thách thức khác các DN đang gặp phải là khó tiêu hóa vốn kích cầu. Đại diện Cty Anh Khoa cho biết DN này được vay 5,5 tỷ đồng từ nguồn vốn kích cầu. Chưa kịp mừng thì phải đối mặt với nỗi lo bởi ngân hàng cho vay yêu cầu Cty phải giải ngân toàn bộ khoản vay trong 20 ngày với các điều kiện kèm theo là phải có hóa đơn VAT, thanh toán qua ngân hàng…

“Thời gian làm thủ tục vay thì quá dài, trong khi thời gian giải ngân lại quá ngắn” - vị đại diện Cty Anh Khoa than. Đại diện Hội DN quận Tân Bình cũng cho biết, có một DN được vay vốn kích cầu bốn tỷ đồng, nhưng sau đó phải làm đơn xin trả lại ba tỷ đồng vì không thể giải ngân hết trong thời gian ngắn.

Thêm một thách thức nữa các DN đang gặp phải là minh bạch hóa tài chính. Ông Đặng Quốc Hùng, một Phó Chủ tịch khác của HAWA cho rằng các DN trong ngành chế biến, nhất là DN chế biến thủ công mỹ nghệ mây, tre đan, chiếu cói…phần lớn nguyên liệu mua từ nông dân và không có hóa đơn chứng từ, vì vậy DN không thể chứng minh sự minh bạch về tài chính của mình theo yêu cầu của ngân hàng.

Trong khi đó, theo ông Hùng, các ngân hàng thường yêu cầu khắt khe hơn về thủ tục đối với DN vay vốn kích cầu, chẳng hạn yêu cầu báo cáo tài chính của DN từ nhiều năm trước đó khiến DN lúng túng. “Nếu thật sự xác định gói kích cầu là hỗ trợ DN thì không nên có sự phân biệt nào về thủ tục vay” - ông Hùng đề nghị.

Đại diện các Hội ngành nghề và DNs cũng đề nghị đơn giản hóa thủ tục cho vay kích cầu; đồng thời để các DN có thời gian triển khai các dự án trung và dài hạn, doanh nghiệp mong Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện gói kích cầu lên ít nhất từ sáu tháng đến một năm nữa.

MỚI - NÓNG