Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vì ngân hàng ngại rủi ro

Dù đã đầu tư 20 tỷ đồng nhưng vì là dự án xã hội hóa nên công ty của bà Việt (giữa) chưa có ngân hàng nào cho vay vốn hoàn thiện dự án.
Dù đã đầu tư 20 tỷ đồng nhưng vì là dự án xã hội hóa nên công ty của bà Việt (giữa) chưa có ngân hàng nào cho vay vốn hoàn thiện dự án.
TP - Theo đại diện một số doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP Hà Nội, vấn đề tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các DN trên địa bàn gặp không ít khó khăn do các ngân hàng lo ngại rủi ro, đòi DN phải có tài sản thế chấp, phương án kinh doanh rõ ràng...

Đây là trăn trở của các DN tại buổi tọa đàm “Giải pháp nguồn vốn cho các DNNVV” diễn ra cuối tuần qua do Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) tổ chức.

DN phải tạo dòng tiền

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HANOISME, thực tế rất nhiều DN cần vay vốn đã phải quay lưng với những đơn hàng đem lại lợi nhuận lớn cho công ty, chỉ vì lý do không đủ nguồn vốn lưu động. Vì thế, các DN luôn cần vay vốn với thủ tục nhanh gọn và mức lãi suất hấp dẫn.

Bà Nguyễn Thị Việt, Giám đốc Cty nước sạch Hùng Thành đang triển khai dự án nước sạch ở xã Phù Đổng, quận Long Biên, Hà Nội, cho biết đã từng tiếp cận 3 ngân hàng (NH) nhưng vẫn không vay được tiền. “Đây là dự án xã hội hóa, có 60% tiền nhà nước hỗ trợ sau đầu tư, vì vậy phải đi vay vốn NH, hoàn thành nhanh nhất dự án. Sau đầu tư, sẽ lấy tiền ngân sách để hoàn trả NH. Tuy nhiên, chúng tôi đã đầu tư gần 20 tỷ đồng nhưng vẫn không hề vay được NH nào” - bà Việt nói.

Nghe bà Việt than vãn, một lãnh đạo NH TMCP Quân đội (MB), chi nhánh Trần Hưng Đạo chia sẻ: Đối với các ngân hàng thương mại, dự án này tương đối khó. Tuy nhiên, MB sẽ phối hợp với quỹ đầu tư phát triển của Hà Nội (có chức năng bảo lãnh, vay vốn dành cho khách hàng vay vốn làm các dự án xã hội), kết nối cho công ty của bà Việt. Giải pháp liên kết như thế sẽ hiệu quả hơn. Về nguồn thu của dự án (4.000 hộ dân, 2.500 con bò), theo vị này là rất khả thi. MB đang có chương trình thu hộ tiền điện, tiền nước, có thể sẽ kết nối để thu hộ tiền nước ở đây qua tài khoản...

Anh Hùng, đại diện một DN ở Hà Nội cũng cho biết: Công ty từng vay 14 NH, ngoài vấn đề khó nhất là tài sản thế chấp thì NH cũng coi trọng dòng tiền của DN. Do đó, các DN cần có kế hoạch tạo dòng tiền, kiểm toán báo cáo tài chính, tìm hiểu và đáp ứng yêu cầu của NH để chủ động trong việc vay vốn. Ngoài ra, DN có thể liên kết với các DN khác có tài sản đảm bảo để vay hoặc tìm đến các quỹ đầu tư...

Kết nối doanh nghiệp, nới lỏng chính sách

Ông Phạm Văn Vũ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN VN) chi nhánh Hà Nội cho hay: “Đến thời điểm này, toàn NH trên địa bàn TP Hà Nội huy động được 1.700.000 tỷ đồng, cả cho vay và đầu tư đến nay gần 1.500.000 tỷ đồng, đang thừa vốn”- ông Vũ cho biết.

Theo ông Mạc Quốc Anh, rất ít DN tận dụng được nguồn vốn giá rẻ nên NH rất thận trọng cung ứng vốn vay. Bên cạnh đó, năng lực quản trị còn lỏng lẻo, phương án kinh doanh còn hạn chế, chưa mở rộng thị trường, chưa chứng minh được khả năng quản trị dòng tiền nên có thể dẫn tới rủi ro cho NH. Hơn nữa, các NH có xu hướng tìm DN đáp ứng đầy đủ quy định của NH nên DN nhỏ và vừa khó vươn tới được.

Vì thế, trong thời gian tới, các DN mong muốn NH tăng cường kết nối nhiều hơn tới DN, nới lỏng chính sách và quy định cho vay. Đặc biệt, các nguồn quỹ hỗ trợ DN, quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN đã có nên các cơ quan quản lý cần đứng ra kết nối, tăng tính hiệu quả của các nguồn quỹ này.

Về phía các cơ quan quản lý, ông Phạm Văn Vũ cho hay, NHNN chi nhánh Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các NH thương mại trên địa bàn đẩy mạnh kết nối NH - DN, chủ động tìm kiếm khách hàng, tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để tích cực hỗ trợ tín dụng lãi suất hợp lý cho các DN.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.