Doanh nghiệp không muốn trưng mặt trái

Doanh nghiệp không muốn trưng mặt trái
TP - Trước tình trạng doanh nghiệp đua nhau xin gia hạn nộp báo cáo hoặc dồn lỗ vào cuối năm..., Tiền Phong trao đổi với ông Bùi Văn Mai, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Kiểm toán viên Hành nghề Việt Nam về vấn đề này.
Doanh nghiệp không muốn trưng mặt trái ảnh 1
Giao dịch chứng khoán ảm đạm có một phần nguyên nhân là doanh nghiệp niêm yết chậm công khai báo cáo tài chính Ảnh: Phạm Yên

Năm qua, nhiều doanh nghiệp (DN) thông tin về kết quả kinh doanh sáng sủa ở quý một. Nhưng đến quý IV/2008, số lỗ của họ lại rất lớn. Phải chăng có việc tìm cách giấu lỗ?

Thông thường lãi, lỗ một năm bằng tổng số lãi, lỗ của các quý cộng lại. Đối với DN niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK), theo quy định, DN phải công bố báo cáo tài chính quý (báo cáo theo quý).

Đây là điều cần thiết nhưng báo cáo tài chính quý không bắt buộc nhiều thủ tục như là báo cáo tài chính năm (báo cáo theo năm; không phải kiểm kê hàng tồn kho, đối chiếu công nợ...).

Doanh nghiệp không muốn trưng mặt trái ảnh 2
Ông Bùi Văn Mai

Do đó, báo cáo quý cũng chưa thật chuẩn xác, nhất là nhiều công ty niêm yết muốn giá cổ phiếu (CP) được cao thì tâm lý muốn công bố báo cáo quý có lãi, đẹp, những tồn tại không muốn trưng ra.

Riêng năm 2008, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, càng về cuối năm, kinh tế trong nước càng khó khăn, dẫn đến chuyện DN càng lỗ nhiều. Đó là những nguyên nhân khách quan dẫn đến việc DN bị lỗ lớn trong quý IV hoặc cả năm 2008.

Nhà đầu tư (NĐT) đầu tư hàng ngày trên thị trường nhưng báo cáo tài chính hàng quý Cty đưa ra lại chậm, không chuẩn xác, gây  những rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư?

Trong kiến nghị với UBCKNN, tôi nêu là cần kiểm tra, kiểm soát kiểm toán giữa kỳ và báo cáo quý đối với doanh nghiệp.

Nhiều DN niêm yết đang khất nộp báo cáo tài chính quý (dù làm báo cáo không khó).  Thực tế  này nói lên điều gì, thưa ông?

Tăng minh bạch các công ty niêm yết

UBCKNN vừa có Công văn 200 và 246 nhằm chấn chỉnh và tăng cường sự minh bạch của các Cty niêm yết.

Theo đó, UBCKNN đề nghị HOSE và HASTC rà soát và nhắc nhở các Cty niêm yết chậm nộp BCTC phải có kế hoạch chấn chỉnh công tác kế toán và thông tin nội bộ, khắc phục chậm trễ công bố thông tin.

Các trường hợp tiếp tục vi phạm doanh nghiệp niêm yết sẽ bị đề nghị chuyển hồ sơ tới Thanh tra UBCKNN.

Việc DN chậm nộp cũng xảy ra hai khả năng. Thứ nhất, nếu DN đơn lẻ, không phụ thuộc vào các DN khác, việc chậm nộp thông thường do chần chừ, đắn đo xử lý các vấn đề, phát sinh trong quý đó (như tính doanh số, chi phí như thế nào...).

Trường hợp DN cần phải có báo cáo hợp nhất từ nhiều DN phụ thuộc khác thì việc chậm có thể do từng đơn vị con khiến cho đơn vị mẹ chậm. Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn cho rằng việc chậm trễ chủ yếu do các DN chậm xử lý các thông tin (do DN không xử lý ngay các số liệu khi phát sinh).

Nếu các số liệu phát sinh mà DN xử lý ngay, theo tôi, chỉ hai  ngày sau, họ cũng có thể xong báo cáo.

Ông có lời khuyên gì cho NĐT khi đọc các báo cáo tài chính?

NĐT cần hiểu biết về kinh tế, vì trong báo cáo tài chính có nhiều số liệu chuyên ngành. Điều quan trọng tiếp theo là, mua cổ phiếu thuộc DN nào, NĐT phải xem xét diễn biến hoạt động của DN đó nhiều thời kỳ chứ không phải từ thời điểm mua (quá khứ, hiện tại và tương lai).

Cảm ơn ông!

Khánh Huyền (ghi)

MỚI - NÓNG
Lý Hải vượt Thái Hòa
Lý Hải vượt Thái Hòa
TPO - "Lật mặt 7: Một điều ước" được kỳ vọng vực dậy doanh thu phòng vé Việt trong dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay. Ngay từ những suất chiếu sớm, tác phẩm đã nhận được tín hiệu tích cực từ phía khán giả.