Trang thiết bị y tế, ai quản?

Doanh nghiệp kiếm chác, người bệnh khổ

Những thiết bị y tế mới như thế này nhập về Việt Nam có giá hàng tỷ đồng/máy. Ảnh: T.H.
Những thiết bị y tế mới như thế này nhập về Việt Nam có giá hàng tỷ đồng/máy. Ảnh: T.H.
TP - Dù đã chuyển loại hàng trang thiết bị y tế vào luồng đỏ, nghĩa là hàng buộc phải kiểm tra trước khi thông quan nhưng bằng nhiều chiêu thức, các doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị y tế vẫn tìm cách qua mặt cơ quan chức năng.

Sau khi hai bên đồng ý đặt máy CT scan, siêu âm và máy xét nghiệm sinh hóa tại một bệnh viện lớn ở quận 5, cuối năm 2014, chủ doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thiết bị y tế M.G, ở quận 7 đã nhập về 3 máy các loại trên theo diện thiết bị đã qua sử dụng, cấm nhập về Việt Nam. Để thực hiện công đoạn này, doanh nghiệp M.G. ghi trong tờ khai hải quan nhập lô hàng là nồi hấp tiệt trùng. Nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra bên trong nồi hấp này phát hiện một máy xét nghiệm sinh hóa cũ nát, một máy siêu âm thuộc loại cấm nhập đã hết hạn dùng cách đây 5 năm. Khi cơ quan chức năng phát hiện và yêu cầu doanh nghiệp này lên làm việc thì chủ doanh nghiệp giải trình “gửi nhầm hàng”. Một cán bộ của Hội thiết bị y tế TPHCM cho biết, nếu các thiết bị y tế này tuồn vào TPHCM trót lọt, nó sẽ dễ dàng đẩy đến đặt tại các bệnh viện, phòng khám để liên kết làm ăn kiếm lời. “Đa số những thiết bị cũ nát này đã được các Cty nước ngoài loại thải vì quá cũ, một số loại đã ngưng sản xuất từ các Cty 5-10 năm”- người này bật mí. Tuy nhiên, nhiều kẽ hở trong việc cấp phép, quản lý về nhập khẩu trang thiết bị y tế nên các doanh nghiệp vẫn còn đất sống.

Trong thông tư hướng dẫn về việc nhập khẩu trang thiết bị y tế của Bộ Y tế ra đời cách đây 4 năm còn nhiều hạn chế. Cụ thể chỉ quy định về điều kiện xin cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đối với đơn vị nhập khẩu, trong khi chưa có quy định cụ thể về việc thanh tra, kiểm tra đối với các điều kiện này. Đó là chưa kể, việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh trang thiết bị y tế quá dễ dàng. Ông H.N, giám đốc một Cty kinh doanh nhập khẩu trang thiết bị y tế tại quận 10, TPHCM cho biết, do lĩnh vực này chưa áp dụng là “kinh doanh có điều kiện” nên các Cty kinh doanh nhập khẩu thiết bị y tế thành lập tràn lan, tìm đủ chiêu để đưa thiết bị cũ về Việt Nam kiếm lời. “Thậm chí, không ít đơn vị nhập thiết bị cũ về sau đó “mông má”, dán nhãn mác hàng của Đức hay Mỹ để đưa vào các bệnh viện”- ông N. nói.

Lần theo một máy xét nghiệm sinh hóa đặt tại một bệnh viện tuyến huyện ở Thanh Hóa, cơ quan chức năng phát hiện Cty nhập khẩu trang thiết bị M.G, ở quận 7, TPHCM là đơn vị “hợp tác” với bệnh viện này đặt máy. Trong hợp đồng được cơ quan chức năng thu giữ mới đây cho thấy, Cty này đã bắt tay với lãnh đạo bệnh viện để đặt máy xét nghiệm và bán hóa chất tiêu hao không nguồn gốc. Mỗi tháng phía bệnh viện phải trả cho Cty hơn 40 triệu đồng tùy theo số lượng người xét nghiệm để “ăn chia” riêng. Theo thẩm định của cơ quan chức năng, thiết bị y tế cũ nát này được nhập về Việt Nam với giá chỉ 80-100 triệu đồng, độ chính xác đã bị sai lệch khá lớn. Từ việc đặt máy “ăn chia” dưới tên gọi “xã hội hóa”, không ít bệnh viện ra sức lạm dụng chụp - chiếu và xét nghiệm.

Thạc sĩ Trần Công Bảy từng công tác ở khoa xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh của một bệnh viện công tại TPHCM cho rằng, phương thức làm ăn đặt máy móc, thiết bị để ăn chia diễn ra bắt đầu khi có chủ trương cho bệnh viện công xã hội hóa. “Ngoài một số máy móc nhập mới 100%, không ít thiết bị y tế đưa vào bệnh viện là hàng cũ nát. Đây là lý do bệnh nhân xét nghiệm nơi này cho kết quả một đằng nhưng qua xét nghiệm nơi khác lại một nẻo. Thậm chí, do có “hoa hồng” trong việc đặt máy xét nghiệm hay chụp, chiếu nên không ít bác sĩ cứ lạm dụng, bắt người bệnh chụp chiếu dù bệnh họ không cần thiết”- ông Bảy nói.

Theo Vụ trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế, quy định các thiết bị y tế  nhập khẩu phải mới 100%. Vì vậy, việc nhập khẩu thiết bị y tế đã qua sử dụng là hành vi  gian lận thương mại. Đây là những sản phẩm liên quan trực tiếp đến con người, là cơ sở để bác sĩ chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị thích hợp nên thiết bị y tế được coi là mặt hàng đặc biệt. Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế cho biết các thủ tục nhập khẩu được nơi đây kiểm soát chặt chẽ, theo quy trình song không ít doanh nghiệp đăng ký xin nhập mới trang thiết bị y tế nhưng sau đó gian lận nhập hàng cũ thì ngành hải quan có trách nhiệm phát hiện, xử lý trên cơ sở đối chiếu với tờ khai hải quan, hồ sơ nhập khẩu và thực tế hàng hóa.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.