Doanh nghiệp “ma” gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Doanh nghiệp “ma” gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
Thành lập doanh nghiệp để lợi dụng quyền hạn mua đi, bán lại hóa đơn GTGT, lợi dụng chính sách ân hạn (chậm nộp thuế XNK) “xù” tiền thuế phải nộp...

Chỉ trong vòng  6 tháng đầu năm 2005, Hà Nội đã có 453 DN bỏ trốn, TPHCM 428 DN mất tích (đem theo gần 400 tỷ đồng nợ thuế), TP Cần Thơ hơn 30 DN trốn đi cùng 600 cuốn sổ hóa đơn.

Trên thực tế, số DN đang lặng lẽ biến mất còn lớn hơn nhiều, khiến Ngân sách Nhà nước bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Nhận diện chân dung DN “ma”

Tại địa bàn nóng như TPHCM, nơi đang có hơn 4.300 DN nợ thuế Nhà nước với tổng số tiền lên đến 700 tỷ đồng (trong đó chính thức có sự góp mặt của 428 DN bỏ trốn), Cơ quan điều tra vừa tìm ra một vụ án DN “ma” khá lớn.

Từ việc phát hiện ba Cty TNHH trốn thuế gồm: Đại Phong trốn  6,195 tỷ đồng; Ngự Bình - 3,826 tỷ đồng, Thắng Lợi - 229 triệu đồng, cơ quan điều tra phát hiện cả ba Cty này đều do một “ông chủ” tên Ngô Nhật Phương - Giám đốc Cty Cổ phần Kinh Bắc trụ sở tại 184/1 Lý Chính Thắng quận 3 đạo diễn.

Lợi dụng cơ chế thoáng của Luật DN, năm 2002, Phương đã thuê Nguyễn Thị Tuyết Thanh (nhân viên một quầy bar) làm giám đốc Cty TNHH Đại Phong, còn Nguyễn Thị Bé Ly (ở Đồng Nai) làm Giám đốc Cty TNHH Ngự Bình.

Với thủ đoạn ký hợp đồng nhập khẩu, chỉ trong thời gian ngắn, Phương cho nhập về hàng loạt các mặt hàng có giá trị tính thuế cao như: giấy ngoại Singapore, Klinker, ôtô đã qua sử dụng... Tiêu thụ hàng xong, Phương nghiễm nhiên chiếm đoạt hàng tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu của Nhà nước mà khách hàng đã thanh toán.

Tại TP Cần Thơ, Cơ quan điều tra cũng vừa khởi tố đường dây mua bán hóa đơn GTGT do Huỳnh Quốc Ngọc (27 tuổi) cầm đầu. Trong khoảng thời gian 2003 - 2005, Huỳnh Quốc Ngọc đã cùng đồng bọn thuê các đối tượng không có việc làm, trình độ văn hóa thấp làm giám đốc “hờ’ 34 Cty đứng trên địa bàn Cần Thơ.

Sau đó Ngọc cùng đồng bọn dùng các con dấu, pháp nhân có được thực hiện hành vi mua bán hóa đơn GTGT, chỉ trong thời gian ngắn, 34 DN “ma” này đã mua từ ngành thuế Cần Thơ 150 cuốn hóa đơn, tương ứng 7500 tờ hóa đơn GTGT, xuất khống số hàng hóa trị giá 2000 tỷ đồng bán cho 450 DN, Cty trong nước giúp các đơn vị này hoàn thuế gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 100 tỷ đồng (bọn chúng hưởng lời khoảng 4,5 tỷ).

Còn tại Hà Nội, 6 tháng đầu năm, số DN mua hóa đơn rồi bỏ trốn mang theo hóa đơn hiện đã lên tới 453 DN với tổng số 9.245 hóa đơn.

Các DN bỏ trốn, DN “ma” đều có những đặc điểm như: Giám đốc các Cty “ma” chủ yếu là dân lao động nông thôn được thuê với mức lương hậu hĩnh vài triệu đồng/tháng; nhiều người khi bị mời lên không hề biết Cty đứng tên mình hoạt động ra sao; DN “ma” thường nấp bóng người có hộ khẩu thường trú ở nội thành nhưng trụ sở lại đặt ngoại thành (hoặc ngược lại).

Tại Hà Nội, một số DN giám đốc có nhân thân và địa chỉ nơi ở không rõ ràng, khá nhiều người là sinh viên tỉnh lẻ đã tốt nghiệp ĐH.

Địa điểm thuê văn phòng của DN “ma” thường trong ngõ ngách sâu, hẻo lánh hay ở các khu tập thể cao tầng những nơi chưa có số nhà, tiền thuê nhà thấp, thời gian thuê ngắn từ 03-06 tháng, văn phòng ít khi sửa chữa. Một cán bộ thuế quận Thanh Xuân còn cho biết thêm: “DN “ma” thường xuyên thay địa điểm kinh doanh, trụ sở giao dịch, đổi nhân viên kế toán...”.

Có phải do luật “hở”?

Theo một số cán bộ thuế, hải quan thì nguyên nhân chính dẫn đến việc ra đời các DN “ma” là do sự thông thoáng của Luật DN. Cụ thể khi thực hiện thủ tục ĐKKD: chỉ có cần chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, hợp đồng thuê nhà.

Thời gian qua có rất nhiều DN được thành lập mới với những cái tên rất kêu, với vốn điều lệ tới hàng tỷ đồng, thâu tóm hàng chục ngành nghề kinh doanh trong một giấy phép đăng ký nhưng trên thực tế không ít DN “ma” chẳng hề có vốn như đã đăng ký và chỉ kinh doanh hai “nghề” duy nhất: mua bán hóa đơn GTGT và “xù” thuế NK.

Tránh tình trạng DN kê khai vốn pháp định trên trời, không có đủ điều kiện đảm bảo đăng ký kinh doanh, Cục thuế các tỉnh thành phố đang kiến nghị: Sở KH&ĐT khi cấp giấy phép đăng ký cần có biện pháp kiểm tra chặt chẽ về nhân thân Giám đốc, địa điểm kinh doanh và nơi thường trú, tránh tình trạng DN kê khai vốn khống...

DN ngay khi thành lập, có quyền đăng ký mã số thuế và được mua ít nhất 02 quyển hóa đơn ( có DN “ma” không biết bằng cách nào khi bị  bắt vẫn đang ôm tới 52 quyển hóa đơn).

Vậy, giải pháp nào trong quản lý hóa đơn? Trả lời Tiền Phong, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - ông Phạm Duy Khương khẳng định: “Để cải thiện tình hình, trước  mắt, cần yêu cầu DN  phải vẽ sơ đồ và chứng minh trụ sở Cty là một địa chỉ có thật, hoạt động thật mới được mua hóa đơn.

Trước tình trạng có quá nhiều DN “ma” mất tích trên địa bàn các thành phố lớn, vừa qua Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan đã đề nghị Tổng cục Cảnh sát dùng các biện pháp nghiệp vụ can thiệp. Sau một thời gian im ắng, rất có thể trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều DN “ma”, DN bỏ trốn liên quan đến việc mua bán hóa đơn GTGT, trốn thuế XNK bị lôi ra ánh sáng.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.